Tăng tỉ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng và bảo tồn giá trị văn hóa Thủ đô
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội chú trọng phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Đặc biệt, dự thảo Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, đều hướng đến phát triển không gian xanh, không gian văn hóa, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa…
Phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh
Tại kỳ họp thứ 7, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) đồng ý với kiến nghị tăng tỉ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Thủ đô.
Cụ thể, tại Điểm a Khoản 5 Điều 18 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về quỹ đất sau di dời quy định tại Khoản 2 Điều này, được bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội quản lý, sử dụng theo quy định sau đây: Tại khu vực nội đô lịch sử được xây dựng không gian công cộng, tăng tỉ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, không bố trí chức năng ở.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, nội dung này chưa đủ nên bổ sung thêm là "nhằm phát huy giá trị văn hóa và du lịch", tức là bổ sung thêm ý du lịch sau văn hóa. Vì văn hóa trong một số trường hợp đã bao gồm mục tiêu là du lịch, nhưng trong một số trường hợp cụ thể không nói rõ du lịch thì giá trị du lịch lại lớn hơn giá trị văn hóa.
Đại biểu Phan Đức Hiếu nêu ví dụ: Khi chúng ta đi tham quan, du lịch ở nước ngoài, có thể thấy một số cơ sở sản xuất bia, rượu được tổ chức thành điểm tham quan sau khi di dời. Nếu chúng ta không bổ sung mục tiêu du lịch vào đây sẽ tranh cãi là chúng ta bảo tồn, không phá đi thì đây là giá trị văn hóa hay du lịch? "Tôi đề nghị nên bổ sung thêm mục tiêu là "văn hóa, du lịch và không sử dụng chức năng để ở", như vậy sẽ đầy đủ và rõ ràng, khả thi", đại biểu nêu quan điểm.
Phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại là chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm đang được TP. Hà Nội tập trung triển khai. Thời gian qua Hà Nội đã chú trọng phát triển các không gian xanh, không gian công cộng ngoài trời phục vụ nhu cầu của cư dân đô thị, nhiều không gian công cộng theo dạng tích hợp công viên, vườn hoa, quảng trường và hồ nước được đầu tư xây dựng trong các khu đô thị mới quy mô lớn trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian gần đây, TP. Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp hệ thống vườn hoa, công viên trong khu vực đô thị trung tâm, tạo nên những không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của Thủ đô.
Các công viên lớn hiện có như: Công viên Thủ Lệ, Bách Thảo (quận Ba Đình), Thống Nhất, Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) có diện tích từ 10-50ha, cùng với các khu vực mặt nước tự nhiên gắn với không gian mở, vườn hoa đã góp phần tạo cảnh quan và cải tạo vi khí hậu cho khu vực. Trong đó, các công viên như: Thủ Lệ, Thống Nhất, Tuổi Trẻ đã có quy hoạch chỉnh trang, nâng cấp theo hướng văn minh, hiện đại, tăng cường cơ sở vật chất, đáp nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi đang tăng nhanh…
Hà Nội đang triển khai đồng thời hai quy hoạch lớn gồm lập Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, hướng đến phát triển không gian xanh, không gian văn hóa, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa… Đặc biệt, Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.
Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh…
Một trong 5 khâu đột phá dự thảo định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đó là phát triển không gian sông hồ: "Khai thác không gian Hồ và các dòng sông vừa tạo cảnh quan đặc trưng riêng có của Thủ đô Xanh, Sinh thái, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững, vừa tạo không gian du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân đô thị".
Ngoài ra, một trong 6 trụ cột phát triển đó chính là đô thị xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó không gian hoạt động kinh tế xã hội Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 xác định: "Không gian công cộng (không gian xanh) phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước của Thủ đô bền vững, đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị. Phát triển không gian xanh thủ đô Hà Nội bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, đô thị sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục cảnh quan".
Cần quy định rõ thẩm quyền quyết định cho danh mục dự án
Cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về phát triển các khu công nghệ cao, đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết tại Khoản 2 Điều 24, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về phát triển các khu công nghệ cao. Trong đó, Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước. Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoạt động theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tại Điểm b Khoản 2 quy định, dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc được áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai để lựa chọn các dự án đầu tư có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đối với phần đất theo Luật Đất đai phải đấu giá, đại biểu Phan Đức Hiếu có 2 ý kiến. Thứ nhất, Điểm b này cần phải bổ sung thẩm quyền ai sẽ quyết định danh mục dự án này để tổ chức đấu thầu, nếu như không quy định thẩm quyền mà chỉ nói là được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với khu vực đất đấy thì sau này sẽ tranh cãi là HĐND hay UBND hay thẩm quyền của ai. Theo đại biểu, cần quy định rõ là danh mục dự án này sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND hay UBND.
Điểm thứ hai liên quan đến nội dung, đại biểu đề nghị rà soát Khoản 2 để bảo đảm hoàn toàn tương thích với Luật Đất đai liên quan đến việc đấu giá và giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu đối với dự án có sử dụng đất.
"Theo tinh thần của Luật Đất đai, sẽ tiếp cận theo nguyên tắc là đối với quỹ đất thuộc diện phải đấu giá hoặc đấu thầu thì luật phân định rõ, ngoài trường hợp đấu thầu thì sẽ thực hiện việc đấu giá. Nếu như quy định của Luật Thủ đô như thế này thì tôi hiểu dự án này sẽ thuộc cả 2 điều kiện là ngoài trường hợp đấu thầu nhưng lại thuộc phần đất phải đấu giá. Như vậy thì chúng ta làm sao để thể hiện rõ tinh thần luật này sẽ phù hợp với Luật Đất đai", đại biểu nêu quan điểm.
Theo đại biểu, hiện nay mới chỉ quy định một phía là cho phép đấu thầu đối với dự án có sử dụng đất thuộc trường hợp phải đấu giá theo quy định của Luật Đất đai. Vì thế, đại biểu đề nghị rà soát lại, có thể thể hiện lại bằng câu chữ cho rõ ràng nội dung này.
Tại Điểm c, Khoản 2 Điều 24 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi mục tiêu dự án sang nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hoặc cung ứng dịch vụ công nghệ cao và tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, quỹ đất đã được giao, cho thuê để thực hiện mục tiêu chuyển đổi.
Theo đại biểu Đoàn Thái Bình, ở đây có cho phép một số dự án ở trong khu công nghệ cao này đang thực hiện nhưng nay được chuyển sang mục tiêu khác. Đại biểu cho rằng, cụm từ "chuyển đổi mục tiêu" đang được sử dụng chưa đủ rõ ràng và sẽ gây tranh cãi. Vì thế, đại biểu đề nghị thay là "chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ mục tiêu dự án sang thực hiện dự án khác" để bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và nhất quán trong việc thực thi.
Thùy Chi