Hà Nội: Chuyển đổi số và mục tiêu trở thành thành phố 'Xanh - thông minh - hiện đại'

09/06/2023 4:36 PM

(Chinhphu.vn) - Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, Hà Nội có nhiều lợi thế để Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành thành phố "Xanh - thông minh - hiện đại". Tuy nhiên trong bức tranh tổng thể, hiện Thành phố đang có những khó khăn trong cơ chế chính sách cũng như trong triển khai chuyển đổi số cần giải quyết.

Chuyển đổi số và mục tiêu trở thành thành phố "Xanh- Thông minh- Hiện đại" - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch VINASA, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA: Việc Hà Nội đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được đạt được một số kết quả nhất định. Ảnh: VGP/Minh Anh

TS. Nguyễn Nhật Quang đã chia sẻ như vậy trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về kết quả thực hiện chuyển đổi số của Hà Nội và những bước đi Thành phố để hướng đến mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đưa ra là đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - thông minh - hiện đại" với chuyển đổi số,phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là các phương thức chủ chốt để Thành phố phát triển bền vững.

Thưa ông, với vai trò là chuyên gia về công nghệ thông tin và tham gia một số chương trình đề án CNTT của Hà Nội, ông nhìn nhận về việc triển khai chuyển đổi số của Hà Nội hiện nay ra sao?

TS. Nguyễn Nhật Quang: Thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, đề án, chiến lược, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và văn bản hướng dẫn chỉ đạo triển khai, nhận thức được vai trò của Chuyển đổi số, tôi thấy là Hà Nội đã ban hành các văn bản thể hiện sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền Thành phố trong công cuộc chuyển đổi số.

Điển hình là Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện UBND Thành phố Hà Nội đang rà soát, đồng thời đã chỉ đạo các ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy, Kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Những chương trình kể hoạch, chính sách liên quan đến nhiệm vụ chuyển đổi số trên cho thấy lãnh đạo Thành phố đã nhận thức được vai trò của nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Điêu này đã thể hiện mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm và huy động nguồn lực của toàn bộ hệ thống chính trị Thành phố, nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô.

Một số chính sách về nguồn lực liên quan đến chuyển đổi số cũng đã được HĐND Thành phố quan tâm. Các chương trình, kế hoạch của UBND Thành phố đều xác định rõ cần bảo đảm nguồn lực triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của Thành phố. Về phía các địa phương trực thuộc, Thành phố hỗ trợ các quận, huyện, thị xã, các đơn vị ngành dọc chưa bảo đảm cân đối được ngân sách để giúp các địa phương thực hiện nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.      

Ông có thể cho biết, ở Hà Nội, kết quả nào được coi là điểm nhấn trong bức tranh tổng thể hiện trạng chuyển đổi số hiện nay?

TS. Nguyễn Nhật Quang: Theo tôi, chuyển đổi số được đánh giá trên 3 trụ cột chính là xây dựng chính quyền số với chủ thể chính là bộ máy chính quyền các cấp; kinh tế số với chủ lực là cộng đồng doanh nghiệp; và xã hội số với đối tượng chính là các tầng lớp nhân dân. Qua kinh nghiệm làm việc của cá nhân, tôi nhận thấy mức độ nỗ lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp ở Hà Nội cũng như sự tiếp cận của cư dân Thủ đô với môi trường số chắc chắn đã vào nhóm đầu của cả nước.

Thứ nhất, về phát triển Chính phủ số, chính quyền số. Việc Hà Nội đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được đạt được một số kết quả nhất định. Việc UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai, đưa vào vận hành, khai thác sử dụng 4 hệ thống thông tin quan trọng, gồm Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban cán sự đảng UBND Thành phố, UBND Thành phố. Đây được coi là tiền đề và nền tảng hình thành chính quyền số, chính quyền thông minh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thành phố.

Như tôi được biết, đến nay, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố đã triển khai nhiều cơ quan đơn vị phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc trên môi trường mạng; văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng; đồng thời tỉ lệ văn bản, hồ sơ công việc tại cấp quận, huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng cũng đã được nâng lên.

Về phát triển dữ liệu, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực như giáo dục, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, thuế... được thành phố giao các Sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.

Đối với nhiệm vụ triển khai Đề án 06, Thành phố Hà Nội đang duy trì, thực hiện quyết liệt các giải pháp và có nhiều kết quả khá ấn tượng.

Thứ 2 là về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Hiện Thành phố đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Chính phủ số, chính quyền số, chuyển đổi số, đô thị thông minh và an toàn thông tin mạng. Hà Nội cũng đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn (hình thức trực tuyến) về chuyển đổi số cho hàng nghìn cán bộ, công chức là lãnh đạo đơn vị chuyên trách CNTT của Thành phố, cán bộ tham gia đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số và lãnh đạo UBND cấp xã. Đối với doanh nghiệp, Thành phố cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tổ chức các lớp đào tạo cho lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Các lớp đào tạo như vậy đã trực tiếp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở cấp cơ sở.

Chuyển đổi số và mục tiêu trở thành thành phố "Xanh- Thông minh- Hiện đại" - Ảnh 2.

Công an huyện Gia Lâm hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng số. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đặc biệt, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã triển khai hàng nghìn Tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng số cần thiết cho người dân, doanh nghiệp và hộ gia đình để có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Các Tổ đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, tiềm năng và lợi ích của chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp và các hộ gia đình; hướng dẫn kỹ năng số cần thiết cho người dân, doanh nghiệp và hộ gia đình để các chủ thể nêu trên có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số (thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử).

Thứ 3 là kinh tế số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hà Nội đã xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế số gồm tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội khoảng 30%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%... Đối với chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, Hà Nội cũng đã tiến hành việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Được biết là 100% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số thông qua phát triển mạng lưới đối tác gồm: tổ chức, cá nhân tư vấn chuyển đổi số và doanh nghiệp cung cấp nền tảng số xuất sắc trong doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Lạc quan về mục tiêu chuyển đổi số của Hà Nội

Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025 và trở thành thành phố "Xanh- Thông minh- Hiện đại" vào năm 2030. Theo ông với kết quả trong triển khai triển đổi số thời gian qua, Hà Nội có thể đạt được mục tiêu này không?

TS. Nguyễn Nhật Quang:  Mục tiêu "Xanh - thông minh - hiện đại" là phù hợp với 2 xu thế lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Có một vấn đề cần thống nhất ở đây là chuyển đổi số không có mục đích tự thân, không phải là mục tiêu mà là một phương thức. Nói cách khác đây không phải thêm một việc để làm mà là thêm một cách để làm. Để trở nên xanh, thông minh, hiện đại thì cần nhiều biện pháp, trong đó chuyển đổi số là một biện pháp quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Thực tế chuyển đổi số chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi nó được kết hợp với các giải pháp công trình và các giải pháp quản lý phù hợp.

Chuyển đổi số và mục tiêu trở thành thành phố "Xanh- Thông minh- Hiện đại" - Ảnh 3.

BusMap là một ứng dụng đi xe buýt đang dần trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Ảnh: VGP/Minh Anh

Hệ thống giao thông công cộng thông minh có thể là một ví dụ tốt cho nguyên tắc này. Hà Nội có đề án loại bỏ xe máy cá nhân khỏi hệ thống giao thông, muốn như vậy hiển nhiên phải phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng. Bên cạnh việc đầu tư thêm xe buýt, đường sắt trên cao, xây dựng thêm các trạm xe buýt, thì nếu xây dựng được một hệ thống công nghệ số để kết nối được các xe buýt, tàu điện trên cao và các nhà chờ với trung tâm điều hành giao thông công cộng sẽ giúp hành khách có thêm thông tin khi tham gia giao thông, qua đó giúp chất lượng giao thông công cộng nâng lên đáng kể. Khi ứng dụng công nghệ số, người dân sẽ thấy lợi ích khi sử dụng giao thông công cộng, dần thay cho phương tiện cá nhân. 

Bên cạnh đó, nếu kết hợp thêm các quy định khuyến khích phát triển xe buýt điện nhằm giảm phát thải carbonic thì ta có thể đồng thời tiến hành chuyển đổi xanh và chuyển đổi số hệ thống giao thông thành phố. Tất nhiên để đạt được điều này cần tiến hành đồng bộ các giải pháp về con người (nhận thức, năng lực, văn hóa), về thể chế, quy chế, quy chuẩn kỹ thuật và các giải pháp công nghệ.

Trong vài trò tư vấn một số chương trình công nghệ thông tin, tôi có một nhận xét chung là tất cả các sở, ngành của Hà Nội đều ý thức rất rõ về tính cấp thiết của chuyển đổi số và đặc biệt bộ máy công chức của Hà Nội có rất nhiều sáng kiến hay có thể áp dụng. Cản trở lớn nhất hiện nay là cần có một cơ chế đầu tư hiệu quả, an toàn để các đơn vị có thể mạnh dạn triển khai các đề án, dự án cụ thể. Nếu nhận thức đúng và khơi thông được các điểm nghẽn này Hà Nội sẽ vươn lên rất nhanh, ngược lại, nếu tình trạng này không thay đổi thì các mục tiêu cụ thể cho năm 2025 sẽ là khó đạt được.

Ở đây tôi muốn chia sẻ thêm, việc đạt được các mục tiêu đề ra cho các mốc cụ thể năm 2025 hay đến năm 2030 đương nhiên là quan trọng. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là tiến trình xanh hóa, thông minh hóa, hiện đại hóa phải tiết kiệm và bền vững. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là tiến trình liên tục, không có điểm dừng. Điều quan trọng là phải cấy được một bộ gene "xanh - thông minh" vào toàn bộ quá trình phát triển của thành phố. Một bộ gene như vậy có thể quy về 3 nội dung là "quy hoạch, quy chế và quy chuẩn".

Muốn Thủ đô trở nên "xanh, thông minh, hiện đại" thì mục tiêu đó phải được thể hiện trong tất cả các bản quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển của Thành phố. Về quy chế cần bảo đảm là tất cả các công trình xây mới phải xanh và thông minh; tất cả các công trình nâng cấp, cải tạo phải bao hàm nội dung xanh hóa, thông minh hóa. Một hệ thống quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết để các thực thể thông minh "nói chuyện" được, kết nối được với nhau tạo thành một tổng thể thông minh. Hà Nội đang làm quy hoạch phát triển và điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố. Theo tôi được biết các yếu tố xanh và thông minh đang được đưa một cách sâu rộng vào các bản quy hoạch quan trọng này. Đây là nền tảng để cá nhân tôi lạc quan vào câu chuyện chuyển đổi số của Hà Nội.

Câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam cũng có những khó khăn do chủ quan và khách quan, Hà Nội cũng không nằm ngoài những khó khăn chung này. Ông có nghĩ rằng, để đạt được các mục tiêu thì Hà Nội cũng có những rào cản khó khăn nào cần tháo gỡ?

TS. Nguyễn Nhật Quang: Theo tôi thì những kết quả tích cực là đáng kể, nhưng không có nghĩa là chỉ toàn lợi thế. Chuyển đổi số là một lĩnh vực vừa mới, vừa khó trong khi đó để đạt hiệu quả cao cần triển khai đồng bộ trên tất cả các ngành, lĩnh vực, các cơ quan đơn vị.

Trong thời gian qua, các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo, định hướng và hướng dẫn về chuyển đổi số được quan tâm, ban hành nhiều. Tuy nhiên cũng có khó khăn là các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số mới được ban hành, một số khái niệm, chủ trương còn chưa thống nhất; chưa có văn bản quy phạm quy định về chuyển đổi số. Việc hướng dẫn triển khai của một số Bộ, ngành còn mang tính sự vụ, bị động, chưa có lộ trình tổng thể, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành còn chưa thực sự hiệu quả.

Các chủ trương, định hướng và các nhiệm vụ về chuyển đổi số đều mới, có khối lượng công việc lớn, trong khi có sự thiếu hụt lớn về công chức làm CNTT tại các cơ quan nhà nước Thành phố.

Để giải quyết những vấn đề nói trên thì tôi cho rằng không chỉ có quyết tâm của lãnh đạo Thành phố mà cần có những giải pháp phù hợp kịp thời để Hà Nội đạt được mục tiêu đã đưa ra trong Nghị quyết 18.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Top