Xây dựng Hà Nội là thành phố thông minh, hiện đại

21/08/2022 6:42 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đã và đang triển khai những bước đi cụ thể xây dựng Thủ đô thành thành phố thông minh, hiện đại. Các chuyên gia cho rằng, để làm được điều đó, Thành phố cần tích hợp các giải pháp phát triển thông minh ngay từ công tác quy hoạch, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cho đến nhận thức xã hội, cũng như các nguồn lực đầu tư về công nghệ…

Xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh, hiện đại - Ảnh 1.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại". Ảnh: VGP/Minh Anh

Còn nhiều rào cản cho mục tiêu xây dựng thành phố thông minh

Thực tế Hà Nội đang đứng trước nhiều rào cản trong xây dựng đô thị thông minh. Dễ thấy, diện tích Thủ đô hiện nay sau khi mở rộng địa giới hành chính đã lên tới hơn 3,300 km2 cùng với đó là tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học nhanh chóng khiến Thành phố đang đối mặt với nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...

Vì thế, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội hiện nay là làm sao bảo đảm sự phát triển bền vững, tạo ra một đô thị xanh thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và những biến đổi của môi trường, khí hậu.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông Hà Nội hiện tại giống như một mạng lưới dày ken đặc với hệ thống các phương tiện giao thông, đang dần khiến Thành phố trở nên chật chội, "khó thở" hơn. Đây thực sự đang là "điểm nghẽn" khó tháo gỡ đối với Hà Nội trước thách thức phát triển bền vững.

Theo đánh giá của chuyên gia xây dựng, hiện nay hình hài các đô thị vệ tinh vẫn không rõ ràng, không có sức hút đối với cư dân, khiến dân số nội đô vẫn phát triển một cách không kiểm soát được. Trên thực tế, phần lớn các dự án hiện tại mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng các căn hộ thông minh đơn lẻ. Còn đối với một thành phố thông minh thì việc kiểm soát, vận hành và ứng dụng công nghệ phải được tiến hành trên toàn bộ không gian của khu đô thị đó.

Còn theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, sự phát triển đô thị của Thành phố trong giai đoạn vừa qua còn nhiều tồn tại. Quy mô việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn. Việc tạo lập khu vực "hành lang xanh" với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn Thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị, ảnh hưởng đến chức năng và trò của Thủ đô Hà Nội. 

Kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao. Tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm. Công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững... Những tồn tại, bất cập gây bức xúc như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, các khu đô thị phát triển "xôi đỗ", chậm di dời các cơ sở ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành... cho thấy, việc tổ chức thực hiện theo định hướng của quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội còn nhiều bất cập.

Do vậy, vấn đề quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với điều kiện, bối cảnh tình hình để từ đó có lộ trình cụ thể, đúng hướng, nhằm tạo ra sự đồng bộ trong phát triển đô thị.

Tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh

Nhằm đảm bảo tính bền vững của quá trình đô thị hóa, đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị nêu trên, các cấp chính quyền TP Hà Nội  đã và đang tập trung thực hiện Chương trình số 03-CTr/TƯ ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025". 

Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn...

Mới đây, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã nhấn mạnh việc xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, các sở, ngành, UBND quận, huyện của Thành phố đã và đang tích cực triển khai, hiện đã có những kết bước đầu trong việc xây dựng các khu đô thị thông minh. Trong đó, dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park tại quận Nam Từ Liêm đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đang triển khai đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc trên đất (đạt khoảng 70% khối lượng).

Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh cũng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thực hiện công tác GPMB (đạt khoảng 80%). Hiện, nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục về giao đất.

Một trong những đô thị thông minh mang tầm cỡ quốc tế, có quy mô lớn cũng đang được TP. Hà Nội đốc thúc triển khai là dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.

Xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh, hiện đại - Ảnh 2.

Phối cảnh tổng thể của dự án thành phố thông minh Đông Anh (Smart City ). Ảnh: VGP/Minh Anh

Thúc đẩy thực hiện đúng lộ trình đưa Hà Nội thành thành phố thông minh

Trong bối cảnh hiện nay, để "chạy đua" với lộ trình xây dựng thành phố thông minh đã được đặt ra, theo các chuyên gia, Hà Nội cần tính đến các giải pháp như công tác quy hoạch đô thị, nhận thức xã hội, đến trình độ văn hóa, ý thức cộng đồng cũng như các nguồn lực đầu tư về công nghệ, chính quyền số…

Theo đại diện lãnh đạo Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, để xây dựng đô thị thông minh tại Hà Nội trước hết là phải đổi mới phương thức lập và nghiên cứu quy hoạch. Đô thị phải có quy hoạch thông minh, phải duy trì, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên cũng như cảnh quan đặc trưng từ điều kiện tự nhiên của đô thị. Chú trọng phát triển mới với cải tạo nâng cấp khu hiện hữu, các khu mở rộng. Gắn kết khu hiện hữu và mở rộng với nhau cả hạ tầng và cảnh quan. Các khu phát triển mới phải là khu đô thị hoàn chỉnh với trung tâm đa chức năng.

PGS. TS Phạm Thị Thanh Bình - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, phát triển đô thị thông minh hay thành phố thông minh yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và phải chia sẻ đầu tư cho nhiều lĩnh vực. Hiện, các hình thức liên kết, hợp tác giữa chính quyền đô thị và doanh nghiệp, trường đại học, viên nghiên cứu chưa được hoàn thiện, chưa có quy định rõ ràng cụ thể, do đó, chưa huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển.

Do vậy, TP. Hà Nội cần xây dựng định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn và khung pháp lý thống nhất nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các đối tác, các thành phần kinh tế trong xã hội cho phát triển đô thị thông minh, tạo ra được cơ chế để các bên có thể phối hợp được với nhau.

Còn theo TS. Phùng Chí Kiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, với những nguồn lực lớn, Hà Nội cần tập trung đầu tư hiệu quả vào quá trình hoàn thiện không ngừng hệ thống chính sách về chính quyền số, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho những hoạt động cụ thể có liên quan.

Thời gian vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Hà Nội đẩy mạnh nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin và điều hành, giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, phát triển chính quyền điện tử hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số Hà Nội theo hướng tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả".

"Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nói trên, việc tham mưu, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy việc xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh, hiện đại, xây dựng và đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu khác là nội dung cần chú trọng và phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả", TS. Phùng Chí Kiên nhấn mạnh.

Minh Anh

 

Top