Thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh ở Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Trước những áp lực về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm, úng ngập… thì việc thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị thông minh ở Hà Nội đang được xem như đáp án để giải quyết bài toán đô thị hóa.
Tích cực giải phóng mặt bằng các khu đô thị thông minh
Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) được Chính phủ định hướng triển khai từ năm 2018. Đến nay, một số thành phố, trong đó có Hà Nội đang triển khai các dự án xây dựng khu ĐTTM và thu được kết quả bước đầu.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, một số khu ĐTTM được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư đã giải phóng mặt bằng ở mức khá cao.
Cụ thể, dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park (quận Nam Từ Liêm) đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình kiến trúc (đạt khoảng 70% khối lượng); dự án Khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (huyện Đông Anh) đang giải phóng mặt bằng (đạt khoảng 80%), chưa triển khai đầu tư xây dựng, nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục về giao đất.
Đáng chú ý nhất là dự án Thành phố thông minh (huyện Ðông Anh), do liên danh nhiều nhà đầu tư thực hiện, với mức đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD, cũng được các cấp, ngành của Thành phố tập trung giải quyết những thủ tục đầu tư xây dựng liên quan, phấn đấu đến tháng 6/2022 khởi công một phần của dự án.
Hiện nay, UBND TP.Hà Nội tiếp tục giao các Sở, ngành, cơ quan liên quan và UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án ĐTTM; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ĐTTM.
Cần có bước đi đột phá để Hà Nội sớm trở thành đô thị thông minh
Hiện nay, Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, Thành phố xác định phát triển ĐTTM là một trong những hướng phát triển đô thị nhằm hướng đến mục tiêu quản lý, phát triển đô thị tốt hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển ĐTTM tại Hà Nội thì rất cần những bước đi đột phá.
Theo TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), ĐTTM được hình thành trên các tiêu chí cơ bản như: Quy hoạch ĐTTM, nền kinh tế thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, cư dân thông minh, cộng đồng thông minh, quản trị ĐTTM và xã hội thông minh. Trong đó, quy hoạch ĐTTM được coi là trụ cột trong phát triển ĐTTM.
"Khi đánh giá một đô thị được coi là ĐTTM gồm có rất nhiều chỉ tiêu, trong đó yếu tố về quy hoạch phát triển đô thị có tầm quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên đây cũng là thách thức mà các đô thị tại Việt Nam nói chung cũng như Hà Nội nói riêng đang phải đối mặt như về giao thông, môi trường, không gian sáng tạo ở đô thị…", TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh cho hay.
Hiện Hà Nội đang triển khai thực hiện lập Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được lập từ năm 2011.
Để thực hiện được chiến lược xây dựng ĐTTM, theo TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh, trong quá trình làm quy hoạch, thông qua công cụ quy hoạch tích hợp, Hà Nội cần phát triển các đơn vị ĐTTM (khu vực xây dựng mới, khu vực hiện hữu, khu vực cải tạo chỉnh trang hoặc các khu vực tái thiết) là hạt nhân lan tỏa, kết nối và thúc đẩy phát triển Thành phố thông minh, tạo thành hệ thống mạng lưới kết nối phát triển không gian thành phố thông minh.
Để thực hiện được nội dung này, TP. Hà Nội cần giải quyết được 4 vấn đề quan trọng đang là những thách thức trong quá trình phát triển đô thị đó là: Đổi mới mô hình cấu trúc đô thị, xây dựng mô hình đơn vị ĐTTM làm hạt nhân cho xây dựng Thành phố thông minh bền vững, tích hợp công nghệ.
Cùng với đó, phân vùng kiểm soát, gìn giữ các cấu trúc tự nhiên hệ sinh thái đô thị, tạo nên đặc trưng cảnh quan và môi trường khu dân cư đô thị. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển mô hình đô thị nén, cung cấp hệ thống giao thông công cộng đô thị, tích hợp công nghệ thông minh, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo (xe điện, tàu điện). Cuối cùng là phát triển các tòa nhà thông minh, không gian công cộng sáng tạo, thông minh, tích hợp công nghệ, cung ứng dịch vụ đô thị.
Các chuyên gia đô thị khác cũng đều cho rằng để kiến tạo, kiểm soát được sự phát triển đô thị nhanh, mạnh và hiệu quả theo hướng bền vững, tạo ra môi trường sống chất lượng cho người dân, Hà Nội nên tập trung vào yếu tố trụ cột trong phát triển ĐTTM, đó là quy hoạch ĐTTM.
Ngoài ra, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp phát triển đô thị, để người dân có cuộc sống tốt hơn, chúng ta buộc phải làm ngay từ bây giờ, từ cụm dân cư cho đến các khu đô thị mới phải xây dựng tốt cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị thông minh. Những dự án nêu trên là bước đệm của từng khu vực đấu nối vào hệ thống đô thị thông minh toàn thành phố.
Cùng với đó, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cần thực hiện sớm đề án đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị thông minh.
Theo PGS.TS. Phạm Minh Anh Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, từ kinh nghiệm xây dựng ĐTTM của một số thủ đô các nước Châu Âu, cùng với thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong nghị quyết đại hội đảng các cấp, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới, Thủ đô Hà Nội cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu và các hệ thống quản lý dựa trên công nghệ số các lĩnh vực lõi của đô thị thông minh mà Thủ đô đang gặp khó khăn, vướng mắc, có nhiều điểm nghẽn cần giải quyết, tháo gỡ.
Đó là, giao thông, vệ sinh môi trường, điện lưới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, quản lý công, cung ứng dịch vụ công; phát triển các ứng dụng, phần mềm mã nguồn mở để mọi người dân có thể tham gia hoàn thiện. Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ số.
PGS. TS. Phạm Minh Anh cũng cho rằng, TP. Hà Nội cần xây dựng các quy chuẩn đô thị thông minh trên cơ sở quy chuẩn của quốc gia và tham khảo của quốc tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi mô hình quản trị đô thị. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành đô thị thông minh "hướng tới mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh, hiệu quả năng lượng, giảm thiếu ô nhiễm, ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị văn minh, văn hóa, phát triển bền vững").
Bên cạnh đó, hướng dẫn ứng dụng công nghệ trong quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất xây dựng đô thị, quản lý cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, cây xanh, không gian ngầm,...
Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ban hành mới đây đã xác định phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Hi vọng rằng, với những bước đi ban đầu, đô thị thông minh của Hà Nội sẽ có những nét riêng. Trong đó, mục tiêu cốt lõi của ĐTMT vẫn là hướng đến một nền kinh tế sáng tạo, môi trường sống an toàn, chất lượng sống của người dân được nâng cao bởi các tiện ích dịch vụ từ hệ thống quản trị đô thị.
Minh Anh