Quản lý quy hoạch nhằm phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa

05/06/2022 8:05 AM

(Chinhphu.vn) - Các quận, huyện của Hà Nội đã và đang tổ chức quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc cảnh quan nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường… trong quá trình đô thị hóa.

Quản lý quy hoạch nhằm phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa - Ảnh 1.

Các quận, huyện đều ddaxd xác định mục tiêu, nhiệm vụ về công tác quy hoạch và tổ chức quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc - Ảnh: VGP/Gia Huy

Xây dựng đồng bộ hạ tầng cho phát triển đô thị

Thanh Xuân là quận thuộc khu vực nội đô mở rộng, được Hà Nội định hướng phát triển đô thị mới kết nối với không gian đô thị hiện hữu. Theo Phòng Quản lý đô thị, quận Thanh Xuân, trong thời gian qua, quận đã lập kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ hóa từ cấp cơ sở.

Tính từ năm 2015, UBND quận đã chấp thuận khoảng 60-65 tổng mặt bằng, phương án kiến trúc và giấy phép quy hoạch cho các công trình phục vụ mục đích cộng đồng như trường học các cấp, nhà hội họp tổ dân phố, nhà văn hóa khu dân cư.

Đến nay, các dự án cải tạo các chung cư cũ như khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thượng Đình, Kim Giang được UBND Thành phố giao các đơn vị nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết. Một số các không gian công cộng lớn trên địa bàn quận hiện đã được quy hoạch, phát huy giá trị như công viên Nhân Chính, các hồ lớn được cải tạo cảnh quan, môi trường được cải thiện, đóng góp cảnh quan chung Thành phố như hồ Hạ Đình, Đầm Hồng.

Ngoài ra, quận đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, dự án nhà văn hóa, nhà hội họp khu dân cư bảo đảm an sinh xã hội; cải tạo chỉnh trang một số hồ, công viên, một số tuyến phố theo phân cấp để nâng cao chất lượng giao thông, môi trường và cảnh quan đô thị. Đầu tư quy hoạch, xây dựng tổng thể và cải tạo nâng cấp đồng bộ một số trường học để từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học của quận; cải tạo, nâng cấp trụ sở cơ quan; các trạm y tế; các dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, Trung tâm thể thao..

Các kết quả trên đã tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng, làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị trên địa bàn quận.

Theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của quận, quận Thanh Xuân tập trung chỉ đạo, rà soát danh mục đầu tư và tổ chức triển khai các dự án theo kế hoạch đầu tư công gia đoạn 2025 - 2030 (thực hiện theo thứ tự, ưu tiên các dự án bảo đảm an sinh xã hội), bố trí nguồn vốn kịp thời trong khả năng cân dối của quận để bảo đảm triển khai thực hiện đầu tư có hiệu quả.

Quận Thanh Xuân hiện đang tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở đầy đủ, không gian công cộng dịch vụ thương mại, sân chơi, vườn hoa, thể dục thể thao khớp nối liên hoàn với khu dân cư hiện có. Các khu vực làng xóm được cải tạo chỉnh trang theo quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hạn chế tăng mật độ xây dựng và tầng cao công trình, duy trì kiểu nhà thấp tầng có sân vườn, kiến trúc hiện đại kết hợp truyền thống.

Đối với huyện Hoài Đức, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, huyện có khoảng 65% diện tích nằm trong vùng phát triển đô thị, được quy hoạch là đô thị trung tâm của Hà Nội thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường vành IV với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Phần còn lại nằm ngoài vành đai IV là khu vực dân cư hiện trạng nằm trong đê Tả Đáy và khu vực hành lang sông Đáy

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, trên địa bàn huyện có 89 dự án đô thị nhà ở, công nghiệp, dịch vụ - thương mại có sử dụng đất, được nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện bằng vốn ngoài ngân sách. Các dự án này trước thời điểm tỉnh Hà Tây sát nhập về Hà Nội đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000, quy hoạch 1/500 và giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Đến nay có khoảng 68 dự án được điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm phù hợp quy hoạch phân khu đô thị hoặc đã phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị.

Một số dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng và có dân cư sinh sống: Khu đô thị mới Bắc An Khánh, Khu đô thị mới Nam An Khánh, Khu đô thị mới Vân Canh, Khu đô thị Bắc Quốc lộ 32, Khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn (Geleximco), Khu Thiên đường Bảo Sơn, Khu nhà ở biệt thự Hoa Phượng, Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch; Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Đại học Vân Canh; Khu đô thị Orange Garden...

Trên địa bàn huyện có khoảng trên 41 dự án đất dịch vụ, tổng diện tích khoảng 223ha đã thực hiện xong công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch bảo đảm phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và các Quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt.

Năm 2020, UBND huyện Hoài Đức đã rà soát lập danh mục đề xuất UBND Thành phố và các Sở, ngành cho phép lập quy hoạch chi tiết đối với 13 đồ án điểm dân cư nằm trong vùng phát triển đô thị làm cơ sở để phục vụ công tác quản lý quy hoạch kiến trúc và sử dụng hiệu quả quỹ đất xen kẹt còn lại trên địa bàn (bao gồm khu dân cư hiện trạng và phần xen kẹt còn lại giữa các dự án phát triển đô thị đang triển khai và khu vực dân cư hiện trạng).

Huyện Phú Xuyên là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án được các cấp thẩm quyền giao nghiên cứu và triển khai thực hiện trên địa bàn. Trên địa bàn huyện Phú Xuyên đến nay cơ bản đã được phủ kín các quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành.

Đến nay, Phú Xuyên đã phê duyệt 50 đồ án quy hoạch khu trung tâm xã và điểm dân cư xã của 25/25 xã trên địa bàn. Về quy hoạch chung xây dựng tại các xã, huyện đã phê duyệt xong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của toàn bộ 26 xã trên địa bàn.

Cần phủ kín các đồ án quy hoạch chi tiết

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc, các quận, huyện vẫn còn gặp khó khăn, còn nhiều tồn tại. Như tại huyện Hoài Đức, quy hoạch chi tiết còn thiếu, địa bàn huyện chưa phủ kín đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, do đó công tác quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển và quản lý đô thị còn nhiều khó khăn; chất lượng các đồ án quy hoạch cần được cải thiện, nâng cao đáp ứng yêu cầu phát triển huyện trong quá trình đô thị hóa xây dựng huyện thành quận.

Vì vậy, huyện đã có kiến nghị Thành phố tăng cường phân cấp, bổ sung các văn bản hướng dẫn liên quan công tác quản lý kiến trúc cảnh quan đối với nhà ở riêng lẻ bảo đảm phù hợp thực tế, tạo sự đồng bộ về kiến trúc cảnh quan khu dân cư làng xóm cũ. Bên cạnh đó, có hướng dẫn huyện lập thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc quy chế quản lý kiến trúc các khu dân cư làng xóm cũ, các khu đất xen kẹt, lập thiết kế đô thị hai bên đường các tuyến đường trục chính cấp thành phố, cấp huyện để cấp phép xây dựng quản lý đất đai, quy hoạch, kiến trúc.

Đối với huyện Phú Xuyên, công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc vẫn còn gặp nhiều khó khăn như quy hoạch chi tiết còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển và quản lý đô thị; chất lượng các đồ án quy hoạch nhìn chung còn hạn chế, công tác quản lý xây dựng đô thị vẫn chưa làm chủ được tình hình phát triển đô thị; còn tình trạng xây dựng lộn xộn; không có phép hoặc trái phép; di tích lịch sử - văn hóa và cảnh quan bị vi phạm; kết cấu hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ.

Vì vậy, huyện đã có kiến nghị đối với các dự án đã có quyết định giao đất nhưng chậm triển khai giải phóng mặt bằng, chậm triển khai thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư, huyện kiến nghị Thành phố chỉ đạo thực hiện xong các thủ tục điều chỉnh quy hoạch sớm để triển khai. Trường hợp nhà đầu tư không bảo đảm tiến độ, đề nghị Thành phố chỉ đạo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Huyện cũng đã đề nghị Thành phố giao và hướng dẫn UBND huyện lập thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc quy chế quản lý kiến trúc các khu dân cư làng xóm cũ, các khu đất xen kẹt, lập thiết kế đô thị hai bên đường các tuyến đường trục chính cấp thành phố, cấp huyện để cấp phép xây dựng quản lý đất đai, quy hoạch, kiến trúc.

Gia Huy

Top