Giảm ùn tắc giao thông: Cần đồng bộ hạ tầng, quy hoạch
(Chinhphu.vn) - Từ hiện trạng giao thông Thủ đô, có thể thấy, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song kết quả chống ùn tắc chưa như mong muốn. Nguyên nhân được cho là do thiếu những biện pháp mang tính căn cơ, quyết liệt để xử lý tận gốc vấn đề, đặc biệt là về quy hoạch, phân bổ dân cư…
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2029 của HĐND TP. Hà Nội, các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết đặt ra đã cơ bản hoàn thành. Ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT của người dân đã từng bước được cải thiện.
Kết quả chống ùn tắc giao thông chưa bền vững
Nhiều công trình hạ tầng giao thông khung của Thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi kết nối các khu vực, góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với diện tích xây dựng đô thị bình quân tăng khoảng 0,3%/năm.
HĐND TP. Hà Nội cũng đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu mỗi năm xử lý từ 7-10 điểm "đen" ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm mới; không để xảy ra các điểm ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5% đến 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Trong đó, có đưa ra việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP. Hà Nội. Đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất phục vụ giao thông. Đây là giải pháp cơ bản, mang tính đột phá, có vai trò cực kỳ quan trọng với chương trình.
Cùng với đó là vấn đề quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực mạng lưới giao thông hiện có; mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân…
Tuy nhiên, từ hiện trạng giao thông Thủ đô, có thể thấy, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song kết quả chống ùn tắc chưa bền vững. Ùn tắc giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp.
Minh chứng là trong năm 2019, Hà Nội xóa được 10 điểm ùn tắc nhưng lại xuất hiện thêm 10 điểm ùn tắc mới. Năm 2020, Hà Nội tồn tại 33 điểm ùn tắc rồi tăng lên thành 37 điểm ùn tắc vào đầu năm 2021. Cả năm 2021, Hà Nội xử lý được 8/37 điểm ùn tắc nhưng đến cuối năm này lại phát sinh thêm 6 điểm, nâng tổng số thành 35 điểm.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, chỉ có 1 điểm ùn tắc là nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) được xử lý triệt để thông qua việc lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông, cải tạo vỉa hè và mở thông nút giao Hoàng Liệt - Giải Phóng nhằm tăng tính kết nối cho người dân trong khu đô thị Linh Đàm đi hướng Pháp Vân - Giải Phóng.
Cần đồng bộ các giải pháp chống ùn tắc giao thông
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, hiện Sở đang tích cực phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm xử lý 10/34 điểm ùn tắc còn tồn tại, trong đó đặc biệt lưu ý một số điểm như: Lối lên Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One, nút giao Bạch Mai - Trương Định, nút giao Đại La - Trần Đại Nghĩa, nút giao Đại La - Ngã Tư Vọng - Giải Phóng, nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, ngã tư Sa Đôi - đường 70... Với mỗi điểm ùn tắc, cơ quan chức năng đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, để chống ùn tắc giao thông cần đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên giải pháp mang tính chiến lược, nhằm phân bổ dân cư hợp lý, giảm áp lực cho hạ tầng giao thông đã được đề ra, đó là tạo sự đồng bộ từ cơ chế chính sách đến hệ thống khung để thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô hay thu phí phương tiện nội đô.
Việc thu phí vào nội đô phải là điểm đột phá và cần được triển khai sớm. Ông Nguyễn Xuân Tân, chuyên gia giao thông cho rằng, chỉ có khoảng 15% đến 20% người sử dụng ô tô cá nhân chịu tác động nhưng toàn bộ người dân Thủ đô sẽ được hưởng lợi từ chủ trương này. Do đó, các cơ quan chức năng cần lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các chuyên gia và nhân dân trên tinh thần "Vì Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh".
Ngoài ra, các chuyên gia giao thông cũng lưu ý là hiện nay, ùn tắc đã lan ra các khu vực cửa ngõ của Thành phố và diễn biến ngày càng phức tạp. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này xuất phát từ việc chậm trễ xây dựng hoàn chỉnh đường Vành đai 3 và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chưa được đầu tư.
Để giải quyết tình trạng lỗi nhịp của tuyến đường Vành đai 3, đặc biệt là sự quá tải trên cầu Thanh Trì và các tuyến trong nội đô, giải pháp lâu dài là tức tốc làm đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội…
Diệu Anh