Cần tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch của Thủ đô

14/12/2022 12:31 PM

(Chinhphu.vn) - Bức tranh du lịch Hà Nội đã có tổng thể, nhưng thiếu quy hoạch cụ thể, thiếu cơ chế cho các đơn vị khai thác. Điều này khiến nhiều điểm du lịch có sản phẩm tốt nhưng chưa xây dựng được các tour du lịch mang tính bài bản, qua đó làm giảm thu hút du khách đến tham quan.

Cần tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch của Thủ đô - Ảnh 1.

Hà Nội có hơn 130 khu, điểm du lịch, trong đó 28 khu, điểm đã được thành phố công nhận là khu, điểm du lịch cấp thành phố. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đó là một trong những phân tích, nhận định chung của một số nhà quản lý, chuyên gia và doanh tại cuộc Tọa đàm "Kết nối các khu, điểm du lịch và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022" được Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 13/12.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện Hà Nội có hơn 130 khu, điểm du lịch, trong đó 28 khu, điểm đã được thành phố công nhận là khu, điểm du lịch cấp thành phố. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn còn loay hoay trong việc thu hút khách du lịch. Đặc biệt, sau dịch COVID-19, mặc dù đã có những kế hoạch kích cầu, song nhiều điểm du lịch của Hà Nội chưa tạo được điểm nhấn cho sản phẩm du lịch của Thủ đô.

Để khai thác tiềm năng điểm đến qua đó phục hồi ngành du lịch hậu COVID-19, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, cần xây dựng các trục du lịch chính cho Hà Nội.

Theo ông Thắng, trước mắt, có thể phân định 3 không gian du lịch theo 3 trục lớn: Từ trung tâm Hà Nội - Ba Vì - Sơn Tây; nội thành Hà Nội - Đông Anh - Sóc Sơn; tuyến nội thành - Mỹ Đức (chùa Hương)… Thông qua hoạt động này đơn vị lữ hành khai thác có thể xây dựng các sản phẩm khác nhau, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch học đường, nghỉ dưỡng, cộng đồng…

Còn theo Giám đốc Công ty du lịch Thế Anh Nguyễn Gia Thế, cần có sự chung tay từ cơ quan quản lý, đơn vị lữ hành, điểm đến. Với tiềm năng sẵn có, trước mắt có thể làm các chương trình 2 ngày 1 đêm kết nối những điểm du lịch mới của Hà Nội, điển hình như: Điểm du lịch Dương Xá - Bát Tràng - Ecopark… hoặc kết nối các điểm: Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam - chùa Thầy, chùa Tây Phương …

Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu cho biết, Sở tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thu hút và khuyến khích doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng. "Cần thay đổi cách làm, từ việc chỉ đưa khách tham quan những điểm đến quen thuộc, các đơn vị nên quảng bá, giới thiệu những điểm đến mới, xây dựng được những sản phẩm thực sự hấp dẫn, cạnh tranh, mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Hà Nội. Sản phẩm tour mới phải "kể" những câu chuyện để du khách cảm nhận được sự gần gũi của thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội", ông Trần Trung Hiếu gợi ý.

Cần tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch của Thủ đô - Ảnh 2.

Festival Hoa Mê Linh lần đầu tiên được tổ chức là một chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, đã thu hút hàng trăm nghì khách tham quan. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo báo cáo Sở Du lịch Hà Nội, 11 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 17,02 triệu lượt, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 15,75 triệu lượt và khách quốc tế ước đạt 1,27 triệu lượt khách. Như vậy, đến thời điểm này, Hà Nội đã vượt xa mục tiêu đề ra từ đầu năm là đón 9-10 triệu khách trong năm 2022. Có được kết quả này là nhờ Hà Nội có sự chuẩn bị chu đáo trong đón khách du lịch sau một thời gian dài bị tạm dừng hoạt động. Cụ thể, ngay từ dịp nghỉ lễ 30/4 và mùng 1/5, Thành phố đã đưa vào khai thác hàng loạt sản phẩm mới, hoặc nâng cấp một số sản phẩm đặc trưng bị tạm dừng do dịch bệnh. Điển hình trong số đó là các sản phẩm: Tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long về đêm, Tour đạp xe khám phá làng gốm Bát Tràng, không gian đi bộ thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn…

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, do sự phát triển của đô thị mạnh mẽ hiện nay, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân vào dịp cuối tuần rất cao. Do đó, Hà Nội cần phát triển mô hình trang trại sinh thái gắn với nghỉ dưỡng; khai thác các giá trị thiên nhiên để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khám phá... Ba Vì từ một khu vực "vùng sâu", nay, trở thành một điểm sáng về du lịch nhờ tận dụng tốt yếu tố này, kết hợp khai thác các giá trị văn hóa đặc thù của đồng bào Mường, Dao.

Hà Nội đang đặt các mục tiêu lớn, đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế), đóng góp vào GRDP thành phố đạt trên 8%. Hà Nội cũng từng bước phấn đấu nằm trong nhóm thành phố có ngành du lịch chuyên nghiệp, có những sản phẩm du lịch đặc sắc mang tính cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều này, Hà Nội cần phát huy tốt hơn nữa tiềm năng các điểm đến trên địa bàn, tạo được nhiều tour, tuyến hấp dẫn cả khách nội địa và quốc tế.

Minh Anh

Top