Cần thêm chính sách đào tạo phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề

19/06/2024 1:33 PM

(Chinhphu.vn) - Trước tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại, Hà Nội cần có chính sách đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao; đầu tư vật chất cho các trường đào tạo nghề; đổi mới chương trình đào tạo nghề gắn với vị trí việc làm trong các doanh nghiệp…

Cần thêm chính sách đào tạo phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề- Ảnh 1.

Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sáng 19/6, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề "công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố".

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam, công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố được thực hiện chủ động, căn cứ trên tình hình thực tiễn và đặc thù của thành phố, góp phần triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương đã ban hành.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tập trung mọi nguồn lực, tìm mọi biện pháp, không ngừng đổi mới nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bắt kịp xu thế và sự thay đổi của xã hội.

Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên, đa dạng ngành, nghề và doanh nghiệp tham gia với số lượng lớn vị trí việc làm đã góp phần thúc đẩy công tác giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.

Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Cần thêm chính sách đào tạo phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hài cho biết, Hà Nội sẽ xác định đào tạo ngành nghề mũi nhọn - Ảnh: VGP/GH

Tâm lý trọng bằng cấp, không muốn đi học nghề

Tuy nhiên, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.

Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật...

Hoạt động xác định và dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp cũng như hoạt động đánh giá nguồn cung nhân lực và dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động còn hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng; các sản phẩm dự báo thị trường lao động còn ít, đôi khi chưa kịp thời. Công tác báo cáo định kỳ của các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm còn chậm, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác quản lý, phân tích, dự báo về thị trường lao động toàn thành phố.

Cần thêm chính sách đào tạo phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề- Ảnh 3.

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành trả lời ý kiến của cử tri - Ảnh: VGP/GH

Cần có chính sách đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, cử tri cho rằng cần thêm những chính sách phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề.

Theo đó, hiện nay nhiều ngành đào tạo trong các trường đại học sẽ có sự thay đổi về mặt nhu cầu của thị trường lao động, vậy thành phố đã có sự chuẩn bị như thế nào để lao động của thị trường Hà Nội có thể đáp ứng nhu cầu và cạnh tranh với thị trường lớn hơn.

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy điện tử, da giày, thời trang… đặt ở vùng ven Hà Nội hiện đang tìm lao động tại các địa phương nhưng gặp khó do chênh lệch chất lượng. Điều này đặt ra bài toán liên thông, liên kết vùng, cách tiếp cận của người lao động với nghề phù hợp để doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước không còn gặp khó vấn đề tuyển lao động.

Đại diện các trường đào tạo nghề cho rằng, các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhiều ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhưng tuyển dụng tỉ lệ thấp; nhiều ngành nghề về năng lượng thông minh, tái tạo robot không đạt tỷ lệ tuyển dụng tại Hà Nội phải tìm về các tỉnh.

Do đó, Hà Nội cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao. Cùng với đó, cần phân luồng tốt học sinh, để đảm bảo với ngành nghề chất lượng cao thì học sinh phải có chất lượng tương đối đáp ứng đào tạo; cần căn cứ điều kiện gia đình học sinh và theo đối tượng từng vùng miền trong việc đào tạo nghề.

Muốn nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có đội ngũ giáo viên, hệ thống trường chất lượng, vì thế cần đầu tư vật chất cho các trường đào tạo nghề để bắt kịp nhu cầu xã hội.

Cử tri quận Đống Đa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm đề nghị thành phố tăng kinh phí đào tạo, tập huấn an toàn lao động, nhất là ở các làng nghề truyền thống; cần đổi mới chương trình đào tạo nghề gắn với vị trí việc làm trong các doanh nghiệp; thành phố xem xét tăng mức hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo nghề ở các địa phương.

Phát biểu tiếp thu các ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội sẽ xác định đào tạo ngành nghề mũi nhọn đáp ứng xu thế phát triển của Thủ đô; việc này thời gian qua cũng thực hiện, đã đặt hàng các cơ sở giáo dục nhưng kết quả chưa được sắc nét.

Hà Nội hiện đã xây dựng lộ trình mô hình các trường nghề, trong đó có 4 trường đào tạp chất lượng cao, bảo đảm điều kiện vận hành, kiểm định chất lượng; đồng thời trang bị cơ sở vật chất cho các trường nghề công lập, quan tâm xứng đáng qua việc hỗ trợ chính sách đặc thù.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có cơ chế chính sách đặc thù cho từng nhóm đối tượng trong đào tạo, giải quyết việc làm như đối tượng khuyết tật, thanh niên, người chấp hành xong án phạt tù…để kịp thời chính sách tới từng nhóm đối tượng. Sau khi Luật Thủ đô sửa đổi thông qua, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở ngành tham mưu UBND thành phố các dự thảo nghị quyết trình HĐND thành phố để thực hiện các danh mục chính sách liên quan đến lĩnh vực này.

Về những kiến nghị giải quyết việc làm, nhất là lao động phổ thông cần được bồi dưỡng, đào tạo dưới 3 tháng, đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị các địa phương khảo sát đối tượng, xác định nhu cầu để đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đối với đào tạo lao động chất lượng cao yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát thay đổi phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng hiệu quả phiên giao dịch việc làm…để đáp ứng xu thế hiện nay.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, , với vị trí vai trò đặc biệt của Thủ đô, yêu cầu đặt ra về đời sống việc làm rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, từ đó đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chỉ đạo bằng nghị quyết, chương trình công tác tác, tiêu biểu là Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025.

Đồng tình với một số giải pháp của UBND thành phố trong lĩnh vực này, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị khi triển khai thực hiện cần quan tâm về giải pháp, lộ trình; các kế hoạch triển khai phải khoa học, thực chất, hiệu quả, trong đó cần có giải pháp căn cơ, đảm bảo cung -cầu hợp lý; đánh giá kỹ lĩnh vực nào cần để đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển, đời sống.

Gia Huy

.

Top