Đột phá trong đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp ở Thủ đô

19/06/2023 1:48 PM

(Chinhphu.vn) - Giai đoạn 2023-2025, nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo được gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp được TP. Hà Nội xác định là một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững thời gian tới.

Đột phá trong đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp  - Ảnh 1.

Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp được TP. Hà Nội xác định là một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Ảnh: Internet

TP. Hà Nội luôn có chính sách thu hút người tài, tạo môi trường làm việc thuận lợi để lực lượng lao động trẻ phát huy khả năng, cống hiến cho Thủ đô và đất nước. Do đó, những năm qua, Hà Nội luôn được đánh giá cao với nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng cao...

Hà Nội là Thành phố tập trung hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn, trong đó có nhiều trường đào tạo ngành nghề công nghệ cao, chủ lực... Đây chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc mọi thành phần kinh tế cho Thủ đô.

Giai đoạn 2023-2025, nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo được gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp được TP. Hà Nội xác định là một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững thời gian tới.

Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn Thành phố có 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó 310/360 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề và 128 doanh nghiệp, loại hình khác).

Bà Trần Thị Kim Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp để có những nhân sự chất lượng cao là rất cần thiết. Đây cũng là nội dung của Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài việc, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ người học nghề, đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT theo học tại các trường nghề. Các cơ sở giáo dục dạy nghề cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo khoa học, hiệu quả; ứng dụng công nghệ với doanh nghiệp xây dựng các chương trình đào tạo, thực tập gắn với giải quyết việc làm.

Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp

Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, số lượng lao động tham gia đào tạo cũng được tăng lên, đáp ứng ngay được nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất.

Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, trong những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng lao động Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp  và thị trường lao động.

Một trong những lý do đưa tới tín hiệu vui trong công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng phải nói tới việc những năm gần đây, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tham mưu và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH về phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn kết với thị trường lao động, điển hình là việc thường niên tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động.

Bà Bạch Liên Hương cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây (2019-2023), đã có 4 lần Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động được tổ chức với quy mô lớn, thu hút gần 30.000 học sinh, sinh viên, phụ huynh, người lao động trên địa bàn Thành phố tham gia, hơn 5.000 lao động được tư vấn, tuyển dụng.

Các Ngày hội đã tạo cơ hội gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố.

Tính đến tháng 4/2023 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với 1.150 doanh nghiệp, tiếp nhận hơn 37.246 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; 92 doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng kinh phí trên 7,2 tỷ đồng; 493 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với hơn 135.480 người; 519 doanh nghiệp tuyển dụng hàng chục ghìn học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp với mức lương bình quân từ 8-15 triệu đồng…

Có thể thấy rằng, số lao động qua đào tạo nghề tăng dần và chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao với chuyển biến tích cực ở cơ cấu ngành nghề đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động; giúp người học nghề dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập ổn định.

Diệu Anh

Top