Cần thiết rà soát, điều chỉnh quy hoạch các tuyến sông có đê
(Chinhphu.vn) - Ngày 6/10, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo khoa học đóng góp ý kiến về Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chương trình do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì.
![]() |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Minh Nhung |
Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, hiện nay Hà Nội có diện tích 332.889 ha, với dân số khoảng 7,3 triệu người. Với vị thế là Thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước nhưng Hà Nội lại có hệ thống sông ngòi chảy qua hết sức phức tạp, với các con sông đại hà như: sông Đà, sông Hồng, sông Đuống và các con sông khác như sông Đáy, sông Tích, sông Cầu, sông Cà Lồ. Hệ thống sông đã mang lại nhiều lợi thế cho Thủ đô trong việc phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên cũng đặt ra cho Thủ đô những thách thức về bảo đảm an toàn phòng chống lụt bão, đặc biệt là bảo vệ cho khu vực đầu não chính trị của cả nước, nơi tập trung dân cư đông đúc, các cơ sở kinh tế quan trọng.
Bên cạnh đó, Hà Nội nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Hồng, được xem là địa phương có hệ thống công trình phòng chống lụt bão lớn nhất nước, với tổng số 626,124 km đê được phân cấp. Dọc các tuyến đê có 151 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn với tổng chiều dài 179,482 km, có 193 cống qua đê... Hệ thống đê điều đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã với 224 xã, phường, thị trấn ven đê.
Việc phòng, chống lũ có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Tình hình phát triển kinh tế-xã hội các vùng bối, vùng bãi sông đã phát triển mạnh mẽ. Các đê bối ngày càng được tôn tạo cao hơn, dân cư vùng bãi sông ngày càng đông đúc, việc xây dựng nhà cửa ngoài bãi sông một cách tự phát không theo quy định phòng chống lũ và việc đổ rác thải, phế thải xây dựng làm co hẹp lòng sông, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, làm gia tăng mực nước lũ. Việc sử dụng khu vực bãi sông để phát triển kinh tế là một nhu cầu không thể thiếu của các địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Khai thác tiềm năng các con sông, đặc biệt là sông Hồng đoạn qua đô thị trung tâm của Thủ đô là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội.
Cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch
Việc lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 đã được duyệt tại nghị quyết số 17/2009/NQ-HĐND. Trong quy hoạch đã xác định các chỉ tiêu phòng chống lũ như tần suất phòng chống lũ; quy định mực nước, lưu lượng lũ thiết kế trên các tuyến sông có đê; xác định hành lang thoát lũ, trong đó có xác định các khu vục dân cư nằm trong hành lang thoát lũ cần phải di dời; xác định các giải pháp phòng chống lũ bao gồm giải pháp công trình và giải pháp phi công trình.
Đánh giá về việc thực hiện quy hoạch, tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, việc lập quy hoạch phòng chống lũ của Thành phố đến nay đã thực hiện được 6 năm, Thành phố đã tiến hành cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ cho các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, hiện đang tổ chức cắm mốc hành lang thoát lũ cho tuyến sông Đáy. Ngoài ra, hàng năm Thành phố đều tiến hành củng cố, nâng cấp hệ thống đê, duy tu sửa chữa thường xuyên. Đê Hữu Đuống đoạn từ cửa Đuống đến cầu Đuống và đê tả Hồng đoạn Thượng Thanh đến Bát Tràng đã được cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang. Tuy nhiên, một số công trình như lòng dẫn sông Đáy chỉ mới nạo vét cho nhu cầu tưới; kè khu vực cửa Đuống, Tình Quang và một số khu vực sạt lở cục bộ khác. Các giải pháp khác như cải tạo công trình đầu mối, kè các khu vực sạt lở, di dân khỏi hành lang thoát lũ, nạo vét lòng dẫn sông Tích, sông Bùi, sông Hồng... vẫn gần như chưa được thực hiện do rất nhiều khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống lụt bão của Thành phố vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, so sánh với Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình được phê duyệt tại quyết định 257/QĐ-TTg, có một số nội dung của quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết Hà Nội cần được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với quyết định 257/QĐ-TTg. Cụ thể, quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của Hà Nội đề xuất di dời toàn bộ dân cư nằm trong chỉ giới thoát lũ, với số lượng dân cư và kinh phí để di dời rất lớn, trong khi đó quyết định 257/QĐ-TTg cho phép các khu dân cư tập trung nằm trên vùng bãi được tồn tại và phát triển; quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1821/QĐ-TTg, đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn phòng chống lũ trên lưu vực, lũ thiết kế tại các vị trí then chốt trên hệ thống. Về không gian thoát lũ cho khu vực lòng hồ Vân Cốc và khu vực bãi sông Đáy nằm ngoài phạm vi thoát lũ được phép khai thác, sử dụng với tỷ lệ xây dựng không vượt quá 15%. Tuy nhiên, quy hoạch chưa nêu cụ thể về mật độ xây dựng hiện tại, cũng như mức độ được phép xây dựng thêm ở từng khu vực để bảo đảm không vượt quá 15%. Đây là một trong những nhiệm vụ cần giải quyết trong quy hoạch chi tiết này.
Kết luận chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, vấn đề quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết trên tuyến sông có đê và sử dụng khu vực đất bãi được Bộ NN&PTNT rất quan tâm. Bộ sẽ có ý kiến sớm để Hà Nội quản lý, kiểm soát khu vực này. Đồng thời cần tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong dư luận, nhân dân.
Trong quá trình thực hiện quyết định 257/QĐ-TTg do kéo dài nên đã tăng lên số khu dân cư, vì vậy Hà Nội cần rà soát lại để báo cáo Thủ tướng.
Song song với việc di dời dân phải bảo đảm nguyên tắc thoát lũ. Trong đó, đối với vùng không được phép có thể sử dụng làm công viên cây xanh. Đối với khu vực cho phép xây dựng, cần nghiên cứu bảo đảm an toàn. Khu vực nào không được phép thì phải để hở. Đối với khu vực sông Đáy phải cân nhắc để tổ chức lại khu dân cư như thế nào cho phù hợp vì nhiều nơi ở khu vực này đã có 17% dân cư sinh sống. Hà Nội phải nghiên cứu để điều chỉnh và quản lý rủi ro.
Như vậy, để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn phòng chống lũ cho Thủ đô; phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 là rất cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ cũng như UBND Thành phố.
Minh Nhung