Cẩn trọng khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà
(Chinhphu.vn) - Khi bị mắc sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cần hết sức lưu ý, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, theo sát các dấu hiệu để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường (nếu có). Nếu tự ý điều trị sẽ rất nguy hiểm.
Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc. Số ca mắc tiếp tục có xu hướng tăng nhanh. Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 18/11 đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị khó khăn, có thể gây tử vong. Hiện tại nhiều bệnh viện quá tải và buộc phải cho một số ca nhẹ hơn theo dõi tại nhà, Nhưng người bệnh cần hết sức lưu ý, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, theo sát các dấu hiệu để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường (nếu có). Nếu tự ý điều trị sẽ rất nguy hiểm.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì vậy người dân không được chủ quan. Khi sốt đến ngày thứ 2 không rõ nguyên nhân cần đến cơ sở y tế thăm khám, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn: Sốt của sốt xuất huyết có thể khiến sốt rất cao không hạ nhưng chúng ta cần phải kết hợp các cách hạ sốt khác như chườm ấm, bởi nếu không đủ giờ mà người bệnh vẫn uống thuốc sẽ khiến cho men gan tăng rất cao. Chuyên gia khuyến cáo, sau khi hết sốt, người bệnh cần được chăm sóc chu đáo và nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, đặc biệt là theo dõi những thay đổi của cơ thể. Bởi đây là giai đoạn nguy hiểm, tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Khi có dấu hiệu bất thường cần đưa ngay tới cơ sở y tế thăm khám.
Còn bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi người bệnh sốt cao bất thường, đau tức vùng gan, nôn nhiều có những biểu hiện xuất huyết từ ngày thứ 4 cần được đưa đến bệnh viện ngay để thăm khám, điều trị kịp thời.
TS, bác sĩ Trần Thị Nguyệt Nga, Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cho biết: Dịch bệnh sốt xuất huyết cần phải được chẩn đoán rõ, đặc biệt từ ngày thứ 3 trở đi phải được theo dõi sát, chính vì vậy sốt xuất huyết là bệnh không được tự điều trị. Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân chỉ có phản ứng sốt, cần được theo dõi thường xuyên. Người nhà cần cho bệnh nhân uống parcetamol đúng chỉ định để hạ sốt. Không dùng bừa bãi các loại thuốc hạ sốt khác nhau liên tục, vì có thể dẫn đến ngộ độc.
Ngoài ra, chế độ đinh ưỡng rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân giai đoạn đầu không muốn ăn nhưng trong giai đoạn này, bệnh nhân cố gắng ăn được sẽ đỡ biến chứng và hạ tiểu cầu. Bên cạnh đó, người bệnh nên bổ sung oresol, trường hợp bệnh nhân không thể uống được thì nên đến cơ sơ y tế để được truyền dịch. Nhưng đặc biệt lưu ý là khi truyền dịch cần có chỉ định của bác sĩ, chính vì vậy không được tự ý truyền dịch tại nhà dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Thiện Tâm