Cần xây dựng lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

18/06/2024 1:44 PM

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, TP. Hà Nội cần xây dựng lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nghiên cứu xác định quy mô khu xử lý chất thải tập trung trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Lợi ích to lớn về môi trường, kinh tế xã hội

Rác thải hiện nay vẫn là mối đe dọa lớn đến đời sống con người, do vậy, rác thải được phân loại, thu gom và xử lý một cách triệt để, đúng quy định sẽ đem lại lợi ích to lớn trong đời sống con người.

Cần xây dựng lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn- Ảnh 1.

Phân loại chất thải sinh hoạt giúp tạo nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất phân compost, giảm khối lượng rác mang đi chôn lấp. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Trong những năm gần đây, quá trình phát triển và hội nhập kinh tế cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã tạo ra một số lượng lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp, hình thành nhiều khu công nghiệp và khu dân cư đô thị tập trung đã tạo ra lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường làng, ngõ xóm, bờ sông, ao hồ, kênh mương; những bãi rác lộ thiên, không được xử lý hợp vệ sinh là nơi ẩn chứa những nguy cơ lớn về sức khỏe và môi trường.

Để giảm phát thải khí từ các bãi rác, chúng ta cần phải phân loại và để riêng các loại rác có thể tái chế, tái sử dụng, rác thải nguy hại, rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ khác, tránh thu gom tất cả các loại rác thải với nhau để tránh một phần sự phát sinh khí thải hoặc sinh ra một chất ô nhiễm mới.

Việc phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, đồng thời đem lại lợi ích to lớn về môi trường, kinh tế xã hội.

Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn làm giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm. Nhờ đó, các tác động tiêu cực đến môi trường cũng sẽ giảm đáng kể như: giảm rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt... Việc tận dụng các chất thải sinh hoạt có thể tái sinh tái chế giúp bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Phân loại chất thải sinh hoạt mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Trước hết, nó tạo nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất phân compost. Đồng thời giảm khối lượng rác mang đi chôn lấp, diện tích đất phục vụ cho việc chôn lấp rác cũng sẽ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, cũng sẽ giảm được gánh nặng chi phí trong việc xử lý nước rỉ rác cũng như xử lý mùi phát sinh từ rác thải.

Phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cũng như sử dụng tài nguyên hợp lý. Rác thải là nguồn tài nguyên tái chế để có thể phục vụ cho cuộc sống con người. Tiến đến xây dựng xã hội với môi trường xanh – sạch – đẹp. Vì vậy quy trình phân loại – thu gom – vận chuyển – xử lý phải được thực hiện một các bài bản, đồng bộ.

Cần có lộ trình phù hợp

Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, vấn đề phân loại rác tại nguồn ngày càng được cử tri cả nước, đặc biệt là cử tri ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM … quan tâm. Tại kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2016, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác phân loại rác thải tại nguồn để bảo đảm, hiệu quả cho việc xử lý, tái chế rác thải trên địa bàn thành phố.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện chậm nhất trước 31/12/2024. Căn cứ quy định của luật, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận huyện thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030.

Đề án nêu rõ lộ trình, tiến độ, nguồn kinh phí, chú trọng trách nhiệm của các quận, huyện, thị xã và người dân nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, phù hợp với định hướng phát triển môi trường bền vững của thành phố để triển khai đồng bộ từ năm 2025.

Đồng thời, TP. Hà Nội cũng có văn bản số 696/UBND-TNMT ngày 16/3/2023 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị sớm ban hành hướng dẫn về kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt buộc phân loại rác tại nguồn thực hiện đồng bộ trên cả nước từ ngày 1/1/2025 sẽ là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như vận hành triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, để công tác phân loại rác tại nguồn đi vào cuộc sống cần phải có một lộ trình phù hợp.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 3293/VP-TNMT ngày 31/3/2023, để dần tiếp cận với các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên đôn đốc Công TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội xây dựng phương án thí điểm "kiểu mẫu về môi trường triển khai công tác phân loại rác tại nguồn đồng bộ với hoạt động duy trì vệ sinh môi trường" tại UBND 05 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm) và UBND huyện Gia Lâm; trong đó nghiên cứu, đề xuất thí điểm mỗi địa bàn quận/huyện lựa chọn 01 phường/xã có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội và đặc điểm về dân cư khác nhau làm cơ sở xây dựng phương án.

Ngoài ra, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp rà soát tổng thể Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cập nhật các nội dung để đề xuất nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung tích hợp trong quá trình rà soát Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; trong đó sẽ rà soát để bổ sung hạ tầng đồng bộ phục vụ cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sau phân loại.

Mặt khác, khi Luật bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua đã có một số quận huyện đã chủ động tiến hành thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt như quận/huyện: Hoàn Kiếm, Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai, Long Biên… Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức, chuyên gia về môi trường để hướng dẫn các quận huyện bước đầu triển khai thí điểm phân loại rác thải tại nguồn.

Xóa bỏ vùng ảnh hưởng môi trường các khu xử lý chất thải rắn tập trung

Theo số liệu thống kê, khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện nay khoảng 7.500 tấn/ngày và chủ yếu được xử lý tại hai khu xử lý chất thải rắn là Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây). Riêng Nhà máy Điện rác Sóc Sơn thuộc Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn (Sóc Sơn) do Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư đã đi vào vận hành 5 lò đốt rác với công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện là 90MW.

Việc đưa vào vận hành Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã góp phần giải quyết hơn 70% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong ngày tại địa bàn Thủ đô Hà Nội, góp phần giảm áp lực việc mở rộng các khu chôn lấp rác ở 2 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn. Đặc biệt, khi đi vào vận hành ổn định, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do ùn ứ rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội và lượng nước rỉ rác phát sinh do phải chôn lấp.

Tuy nhiên, công tác xử lý chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập khi chưa thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, dẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo dữ liệu thống kê tại dự thảo Quy hoạch Thủ đô, thành phần rác thải sinh hoạt gồm: Chất thải thực phẩm và hữu cơ chiếm tỷ lệ từ 62%-78% (trung bình khoảng 70%); chất thải có thể tái chế chiếm từ 15-25% (trung bình 20%). Như vậy nếu làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn thì lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh cần xử lý chỉ chiếm 10%. Dự báo, tỉ lệ rác thải sinh hoạt phát sinh trong ngày của Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 khoảng 15.000 tấn/ngày. Vậy nếu làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn thì lượng rác thải sinh hoạt cần xử lý (đốt) chỉ còn từ 1.500 - 2.000 tấn/ngày.

Đối chiếu với công suất các nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn Thành phố đã, đang và sẽ hoàn thành theo quy hoạch thì với lượng rác thải sinh hoạt đã qua phân loại sẽ chỉ là khối lượng nhỏ so với công suất của các nhà máy như: Nhà máy Điện rác Sóc Sơn: 4000 tấn/ngày; nhà máy đốt rác phát điện Hà Nội: 2.500 – 3.000 tấn/ngày; Phù Đổng: 1.200 tấn/ngày; Việt Hùng: 600 tấn/ngày; Cầu Diễn 200 tấn/ngày; Châu Can: 1.000 tấn/ngày; Xuân Sơn 3.000 tấn/ngày…

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy nếu làm tốt phân loại rác sinh hoạt tại nguồn thì áp lực công tác xử lý chất thải rắn phát sinh của Thủ đô sẽ giảm đi đáng kể. Việc dư thừa công suất các nhà máy xử lý rác sẽ phục vụ cho mục tiêu phục hồi hố chôn lấp (rác đã chôn lấp) tiến tới xóa bỏ vùng ảnh hưởng môi trường, sử dụng quỹ đất vùng ảnh hưởng môi trường cho mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần quan trọng để đạt được các mục tiêu trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết: Theo Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sóc Sơn được định hướng cùng với Đông Anh, Mê Linh trở thành thành phố phía Bắc của Thủ đô. Định hướng này đang được cụ thể hóa lộ trình thực hiện tại các đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến 2065. Trong đó, huyện Sóc Sơn được quy hoạch thành trung tâm kết nối vùng, liên vùng và quốc tế của Thủ đô, là động lực phía Bắc thúc đẩy phát triển Thủ đô. Xây dựng đô thị Sóc Sơn trở thành đô thị phát triển về dịch vụ, công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hướng tới mục tiêu thu hút dân cư, giảm áp lực cho đô thị trung tâm, đảm bảo sự cân đối, hài hòa vì mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô.

Để từng bước cụ thể hóa các mục tiêu theo quy hoạch, bên cạnh huy động nguồn lực ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng, huyện xác định đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đồng thời, kiến nghị giảm quy mô Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (không mở rộng giai đoạn 3), giữ nguyên diện tích hiện trạng khoảng 157,23ha và không bố trí Khu xử lý chất thải cấp Quốc gia tại huyện Sóc Sơn, chỉ xác định phục vụ cho khu vực phía Bắc Thủ đô.

Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình phục hồi hố chôn lấp rác để xác định thời hạn xóa bỏ vùng ảnh hưởng môi trường; sử dụng hiệu quả quỹ đất đã phục hồi, quỹ đất vùng ảnh hưởng môi trường cho nhiệm vụ phát triển kinh tế (kêu gọi đầu tư trồng cây xanh, sân golf, vườn ươm... tiến tới không tiếp tục đầu tư từ nguồn ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng di dân vùng ảnh hưởng môi trường đến 1000m.

Để nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn, chính quyền các cấp cần phải triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động từ việc phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải tăng cường tuyên truyền về mục đích, lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, hướng dẫn cho cộng đồng biết cách thức phân loại cho đúng. Lâu dần, mỗi người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác cũng như lợi ích của việc đó đối với môi trường sống.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng. Thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Chế tài xử phạt hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ góp phần thúc đẩy người dân thay đổi hành vi, tăng tính răn đe trong xã hội đối với người không tuân thủ.

Thùy Chi

Top