Để người dân hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn

30/07/2022 8:05 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/8 tới đây, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực. Theo đó, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ bị phạt tiền. Thành phố Hà Nội sẽ cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để quy định sớm đi vào cuộc sống.

Để người dân hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn - Ảnh 1.

Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Đô thị Hà Nội phối hợp với quận Hoàn Kiếm triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn thông qua hoạt động “Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng”. Ảnh: VGP/Minh Anh

Phân loại rác là việc khá "xa lạ" với người dân 

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Theo thống kê, tính đến năm 2019, Hà Nội có hơn 300.000 căn hộ chung cư. Với lượng lớn cư dân sinh sống, đây là nguồn phát các loại rác thải khổng lồ.

Theo ghi nhận tại các chung cư ở Hà Nội, việc thu gom rác vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống, chưa cơ quan, đơn vị nào tuyên truyền về phân loại rác từ nguồn để tránh xử phạt.

Sinh sống tại một chung cư ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã gần 3 năm, nhưng theo chị Vũ Thị Kim Thúy, tất cả cư dân tại chung cư chưa từng được thông báo về việc phải phân loại rác. Hằng ngày, chị vẫn xách một túi rác lớn xuống sảnh để cho vào thùng rác đặt sẵn. Túi rác lớn chứa đủ các loại rác từ nhựa, thức ăn thừa, giấy, thậm chí cả gốm xứ. Khoảng 17h30 tại chung cư chị Thúy sinh sống sẽ có nhân viên môi trường kéo xe chở rác đến thu gom rồi đẩy về nơi tập kết. Rác từ thùng rác chung cư được chất lên xe, quá trình này các loại rác cũng không được phân loại mà trộn lẫn vào nhau.

Để người dân hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn - Ảnh 2.

Rác thải chưa phân loại tràn ngập đường Phạm Hùng chờ tập kết. Ảnh: VGP/Minh Anh

Anh Phạm Công ở chung cư VOV Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm cho biết, mỗi tầng chung cư nơi a sinh sống được bố trí một khu vực riêng để cư dân đổ rác. Khu vực này được đặt sẵn một đường ống (có nắp đậy), mỗi cư dân khi có rác chỉ cần mang ra khu vực nêu trên để cho rác vào đường ống. Sau đó, rác sẽ được tập kết tại khu vực tầng 1 rồi được vận chuyển đến nơi xử lý, chưa qua phân loại.

Tương tự, bạn Nguyễn Ánh Mai, sống tại chung cư Homeland, quận Long Biên cũng cùng chung thực trạng. Toàn bộ rác sinh hoạt trong gia đình được cho vào một ống chứa rác, từ đây rác sẽ vận chuyển thẳng xuống khu vực tầng 1 - khu vực tập kết rác của tòa chung cư. Theo bạn Mai, ở chung cư chưa có thông báo về việc phân loại rác tại nhà, bản thân gia đình bạn vẫn đang để hỗn hợp các loại rác vào một túi nilon rồi đổ đúng nơi quy định.

Mới đây, sau nhiều lần lỗi hẹn, nhà máy điện rác Thiên Ý tại khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) đã chính thức hòa lưới điện quốc gia để vận hành với công suất xử lý đốt rác là 1.000 tấn/ngày đêm, ở giai đoạn 1. Nhưng đó chỉ là một "điểm sáng" nhỏ nhoi trong khi còn nhiều nhà máy điện rác khác chưa thể hoạt động được hết công suất do chưa có rác đã phân loại để đốt. Phân loại rác tại nguồn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay ở một số đô thị lớn đến nay vẫn chỉ là hoạt động lẻ tẻ, manh mún, chưa đem lại hiệu quả.

Theo TS Vũ Thị Kim Tuyến, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa đến nơi đến chốn, từ phương pháp cho đến đầu tư, coi việc phân loại rác như một "cuộc cách mạng".

Việc phân loại rác cần được tổ chức thực hiện đồng bộ

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Theo quy định, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ chỉ bắt đầu sau ngày 31/12/2024, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và UBND Thành phố quyết định. Dư luận cho rằng, đây là thời gian cần thiết để người dân hình thành thói quen phân loại rác thải và các cấp chính quyền Thành phố cần làm rõ giải pháp, lộ trình để quy định đi vào cuộc sống.

Để người dân hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn - Ảnh 3.

Tập huấn phân loại rác thải tại nguồn cho người dân xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Ảnh: VGP/Minh Anh

Nhiều cư dân sống tại các chung cư ở Hà Nội cho biết, việc phân loại rác từ nguồn cần được triển khai đồng bộ, có quy trình cụ thể và kĩ thuật, hạ tầng thu gom rác phải đáp ứng điều này. Đặc biệt, khi có quy định xử phạt với người không phân loại rác tại nguồn, các cơ quan, chính quyền cần hướng dẫn tới tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, truyền thông để người dân nắm bắt chủ trương, quy định này. Như hiện nay, người dân không biết và cũng không được tuyên truyền, hướng dẫn.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường, mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn đã được triển khai tại hầu hết các nước phát triển và mang lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp giảm lượng rác phát sinh, bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp… mà quan trọng là giúp hình thành ý thức tiết kiệm, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của mỗi người dân. 

"Để triển khai đồng bộ việc phân loại rác thải tại nguồn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chắc chắn khi đẩy mạnh tuyên truyền, nhìn thấy rõ lợi ích từ việc làm này, tôi tin người dân sẽ đồng lòng thực hiện", ông Bùi Duy Cường nói.

TS Vũ Thị Kim Tuyến, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng ý thức người dân chỉ là một phần, bởi vì việc phân loại rác không phải là một công việc phức tạp. Hiện nay, người dân dễ dàng phân loại được đâu là rác hữu cơ, đâu là rác vô cơ. Do đó, việc tuyên truyền cho người dân về quy định không quá khó khăn mà điều quan trọng ở đây là khâu tổ chức thực hiện như thế nào? Tuyên truyền và hướng dẫn như thế nào? Tạo những điều kiện về cơ sở vật chất như thế nào để việc thu gom rác đem lại hiệu quả.

Huyện Đông Anh là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn, trong đó xã Dục Tú hiện đã có 100% hộ dân thực hiện. Ban đầu, nhiều người tỏ ra lo ngại việc phân loại rác sẽ khó thành thói quen vì phức tạp, mất thời gian và không rõ hiệu quả. Nhưng thực tế đã chứng minh những lợi ích mà phân loại rác tại nguồn đem lại... 

Tuy nhiên, về lâu dài, để hình thành thói quen cho người dân, theo bà Nguyễn Thị Nhanh, xã Dục Tú, huyện Đông Anh cho biết: Cách làm đúng đắn nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai theo lộ trình, đồng thời lan tỏa, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt. Việc xử phạt chỉ là "bất đắc dĩ" khi xảy ra trường hợp cố tình không thực hiện và phải được thực hiện nghiêm minh.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nhằm thực thi Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi vừa được ban hành. Theo quy định, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng.

Minh Anh 

Top