Cảnh báo quản lý thức ăn chăn nuôi từ chuyện tại Phúc Thọ

08/02/2017 4:45 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 1/2 vừa qua tại xã Ngọc Tảo (Phúc Thọ, Hà Nội) , đã xảy ra vụ việc 900 con vịt của gia đình ông Lê Văn Cúc chết đột ngột sau khi ăn thóc. Hiện nay gia đình ông Cúc đã đồng thuận việc đền bù từ đại lý bán thóc, tuy nhiên, đây là câu chuyện cho thấy nguy cơ mất an toàn khi quản lý thức ăn chăn nuôi (TACN) bị buông lỏng.

Quản lý về chất lượng thức ăn chăn nuôi lỏng lẻo sẽ gây hậu quả kinh tế lớn cho nông dân. Ảnh: An Khuê

Tai nạn bất thường

Theo lời kể của ông Cúc: “Khoảng 7 giờ sáng ngày 1/2, như thường lệ tôi cho vịt ăn (tổng đàn 1.100 con). Chỉ khoảng vài phút sau, đàn vịt có biểu hiện không ăn nữa, đi lại khó khăn, cánh rũ xuống, một số con giãy giụa rồi lăn ra chết. Khoảng 10 phút sau thì cả đàn lăn ra chết la liệt. Thấy hiện tượng lạ, tôi vội đuổi số vịt còn lại mới ăn ít thóc sang góc bên không cho ăn nữa. Xem xét các con vịt chết, tôi nghi thức ăn có độc nên đã báo chính quyền và cơ quan chức năng đến lập biên bản”.

Ông Cúc cho biết, bản thân ông đã có kinh nghiệm nuôi vịt đẻ khoảng 20 năm nay và luôn tiêm phòng đầy đủ, do đó chuyện vịt bị dịch bệnh chết là khó xảy ra. “Gia đình làm trang trại, nuôi hàng nghìn con vịt đẻ lấy trứng, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc bất thường này. Sau khi ăn thóc khoảng 10 phút, từng con vịt lăn ra chết, tôi cho rằng số thóc mà gia đình mua cho vịt ăn lần này chứa độc tố cực mạnh” – ông Cúc nói. Ông Cúc cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo cùng Công an xã và cán bộ trạm thú y xã đã có mặt tại trang trại nhà ông để kiểm tra và lập biên bản.

Ông Cúc cho hay, khoảng ngày 15/1, gia đình ông mua hơn 4 tấn thóc tại một đại lý ở xã Phụng Thượng (Phúc Thọ) để cho vịt ăn dần. Sáng 1/2, khi ông lấy thóc cho vịt ăn thì xảy ra sự việc trên. Hiện trong kho còn khoảng hơn 1 tấn thóc.

Theo biên bản làm việc giữa cán bộ Trạm thú y xã và gia đình ông Cúc có ghi: Sau khi Trạm thú y tiến hành mổ khám, thấy vịt xuất huyết não, gan nhiễm sắt, các cơ quan khác không thấy bất thường. Chủ hộ lấy số thóc đã mua cho vịt khỏe mạnh ăn. Sau khoảng 10 phút, vịt tiếp tục chết. Bước đầu, lực lượng chức năng kết luận đàn vịt nhà ông Cúc chết do ngộ độc thức ăn (thóc).

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã niêm phong toàn bộ số thóc dùng để cho vịt ăn tại gia đình ông Cúc, đồng thời lấy mẫu thóc đưa đi giám định. Bên cạnh đó, ngay trong chiều 1/2, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ và hướng dẫn gia đình ông Cúc thu gom số lượng vịt đã chết, chôn lấp dưới bãi đất trống của trang trại để đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh.

Câu chuyện tại Phúc Thọ này mang tính thời sự đồng thời cũng nêu lên hiện tượng khá phổ biến hiện nay là các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành chăn nuôi.

Quản lý vẫn lỏng lẻo

TS Nguyễn Thanh Sơn , Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, hiện còn rất nhiều “ẩn số” trong ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Trong đó, cơ quan nhà nước hầu như không nắm được sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất hàng năm, các con số đưa ra chỉ là ước lượng, dựa trên năng lực của các nhà máy.

Không chỉ sản lượng, ông Sơn còn khẳng định chi phí giá thành, giá bán và mức lợi nhuận của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi hiện cũng không được minh bạch, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy. “Các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hiện cũng là một ẩn số khác của ngành thức ăn chăn nuôi khi Nhà nước vẫn quản lý thức ăn chăn nuôi bằng danh mục, là cách quản lý đã không còn phù hợp. Việc các thông tin về sản lượng, chất lượng, giá thành… không minh bạch cho thấy cơ quan nhà nước đang thiếu công cụ về thống kê và giám sát sản xuất, kinh doanh hiệu quả” - ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cần mở cửa cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm chất lượng đầu vào nguyên liệu. Nguyên liệu tốt - chất lượng thức ăn tốt, nguyên liệu xấu, giá thấp - chất lượng thức ăn kém.

Quản lý Nhà nước chỉ quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra; Đặc biệt, quản lý các chất cấm, quản lý các chất kháng sinh để bảo đảm sản phẩm thịt, trứng không có chất cấm, không có kháng sinh tồn dư trong thịt. Việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi một cách triệt để là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên cũng cần có những chính sách hỗ trợ (vốn, kỹ thuật, thủ tục hành chính…) để các nhà sản xuất nhỏ lẻ có thêm khả năng tồn tại được trong thời kỳ hội nhập. Một bất cập cũng được các chuyên gia và các công ty tham gia khảo sát nêu ra là việc kiểm tra khảo sát nhiều khi được lặp lại quá nhiều trong cùng một thời kỳ (nhiều đoàn khảo sát khác nhau), làm phát sinh những chi phí vô hình cho doanh nghiệp. Đây cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến giá thành thức ăn chăn nuôi hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Trúc nhận định, trong bối cảnh phải cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của hội nhập, ngành chăn nuôi Việt Nam phải đổi mới toàn diện, trong đó có vấn đề về thức ăn chăn nuôi. Nếu không hạ thấp được giá thành thức ăn chăn nuôi thì ngành chăn nuôi khó cạnh tranh với thịt ngoại nhập. Cách tốt nhất là các doanh nghiệp, trang trại lớn nên tự sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế tín dụng phù hợp ngành chăn nuôi.

An Khuê

Top