Cảnh giác phòng bệnh thủy đậu thời điểm giao mùa
(Chinhphu.vn) - Hiện nay tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh thủy đậu, số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ. Vì vậy, người dân cần tiêm vaccine để phòng bệnh hiệu quả.
Cụ thể, tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong thời gian gần đây, bệnh nhân mắc thủy đậu đang gia tăng. Theo BSCKII. Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới, nếu trước đây vài tháng, bệnh viện chỉ tiếp nhận 1 ca bệnh thủy đậu nhưng nay số ca bệnh đã tăng lên. Cách đây một tuần, khoa đã tiếp nhận 10 ca bệnh thủy đậu phải điều trị nội trú.
Bệnh nhân xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Như trường hợp của nam thanh niên N.T.M (18 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, các vết phỏng mọc toàn thân kèm theo ho nhiều, tức ngực, kém ăn. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc thủy đậu biến chứng viêm phế quản phổi, nằm điều trị kéo dài 3 tuần.
Khi mắc bệnh, theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, nhiều người dân vẫn thực hiện kiêng nước, kiêng gió nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Theo các bác sĩ đều khuyến cáo, người bệnh cần giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín. Nếu bệnh nhân mắc thủy đậu không giữ gìn vệ sinh tốt, các vết phỏng dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì, để lại sẹo cho bệnh nhân. Hoặc có nhiều gia đình tự ý bôi thuốc gây bít tắc, nhiễm khuẩn vết phỏng.
Nếu chăm sóc không đúng cách, ngoài việc nhiễm khuẩn từ các thương tổn da, thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng về tim mạch, viêm tinh hoàn, viêm phổi và các biến chứng hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não..., có thể dẫn tới tử vong.
Tương tự, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận gần 30 trường hợp mắc thủy đậu, so với cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.
Theo bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, thuỷ đậu là loại bệnh truyền nhiễm thường thấy do virus gây nên, có thể mắc ở cả người lớn và trẻ em. Nếu không có cách xử lý đúng sẽ dẫn đến nhiễm trùng, nốt thuỷ đậu có mủ, để lại sẹo về sau.
Đáng chú ý, nếu mắc thuỷ đậu chỉ bôi thuốc Xanh methylen thì không đúng và đủ theo phác đồ điều trị. Vì vậy, người bệnh cần đến khám, điều trị sớm theo đúng phác đồ thì có thể ngăn ngừa các biến chứng; biết cách chăm sóc giảm thiểu bội nhiễm viêm mủ tổn thương, tránh để lại sẹo về sau...
Bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm số người mắc bệnh thường tăng cao là từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Vào thời gian này, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Phạm Thị Thảo, bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, ngay từ giai đoạn thời kỳ ủ bệnh. Vì vậy, khi bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng, nguy cơ lây cho mọi người trong nhà là rất cao. Đặc biệt, trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất, ngoài ra, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Người lớn mắc thủy đậu thì lâm sàng sẽ nặng hơn trẻ em và dễ có nguy cơ bị bội nhiễm.
Vì vậy, để tránh mắc thủy đậu, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vaccine. Đồng thời cần thường xuyên vệ sinh tay sạch bằng xà phòng, hướng dẫn trẻ không đưa tay lên mắt mũi miệng. Khi nhà có trẻ bị bệnh, nên hạn chế tiếp xúc gần, không dùng chung dụng cụ và thức ăn chung với trẻ khác. Cho trẻ nghỉ học cho đến khi mụn nước khô đóng vẩy; cần vệ sinh đồ dùng, các bề mặt trẻ hay chạm vào để làm sạch virus gây bệnh.
Việc tiêm vaccine phòng thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Nếu gia đình có trẻ nhỏ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo dõi đúng liều lượng quy định. Lịch tiêm gồm: Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi; Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: Tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng. Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm ngừa vaccine thủy đậu, cần tiêm chủng trong 3 ngày sau đó...
Theo TS.BS. Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Hiện tại, không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Theo đó, việc chăm sóc người bệnh đóng vai trò rất quan trọng, bệnh nhân cần bảo đảm ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Cùng với việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.
Thiện Tâm