Cảnh giác với ‘bà hỏa’ mùa nắng nóng

04/05/2022 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản, điều này cho thấy tình hình cháy nổ trên địa bàn đang diễn biến phức tạp. Thực trạng đó sẽ phần nào được ngăn chặn nếu mỗi người dân, chủ doanh nghiệp luôn nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy; cảnh giác với ‘bà hỏa’ mùa nắng nóng đang đến gần.

Cảnh giác với ‘bà hỏa’ mùa nắng nóng - Ảnh 1.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy khẩn trương dập tắt đám cháy tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín xảy ra vào ngày 2/5 vừa qua

Liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại lớn

Trong tháng 4/2022, toàn TP. Hà Nội xảy ra 26 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy lớn, 1 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 11 vụ cháy trung bình, 13 vụ cháy nhỏ.

Điển hình như, khoảng 1h13' ngày 21/4/2022 xảy ra cháy tại nhà số 116 B9 Kim Liên, ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, khiến 5 người trong một gia đình thiệt mạng; tiếp đó vào khoảng 3h20' ngày 25/4/2022 xảy ra cháy tại xưởng cắt vải nhà ông Nguyễn Đức Văn (sinh năm 1960) tại thôn Vân, xã Hợp Thành, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội đã khiến 1 người thiệt mạng (con trai ruột ông Văn).

Hay vụ cháy cửa hàng bán săm, lốp xe của ông Đỗ Thanh Long tại địa chỉ số 63 phố Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội xảy ra vào rạng sáng ngày 27/4/2022 khiến hầu hết hàng hóa của cửa hàng và khu vực lân cận bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại lớn về tài sản…

Gần đây nhất, chỉ trong 2 ngày 1 và 2/5, trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy kho, xưởng lớn với diện tích từ 300m2 đến gần 1.000m2, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Cụ thể, vào lúc 4h15' ngày 1/5, xảy ra vụ cháy tại xưởng sản xuất gỗ dán của Công ty TNHH Hải Nam (thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm). Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an TP. Hà Nội đã điều động lực lượng phòng cháy, chữa cháy huyện Gia Lâm và các quận lân cận nhanh chóng tới dập lửa.

Mặc dù việc chữa cháy được triển khai kịp thời, nhưng do chất cháy chủ yếu là các nguyên liệu dễ bắt cháy, sinh ra nhiều khói khí độc, vận tốc cháy lan nhanh, nên đã nhanh chóng thiêu rụi 800m2 xưởng gỗ.

Tiếp đó, vào 8h30' ngày 2/5 xảy ra cháy tại nhà dân chứa chăn, ga, gối, đệm tại đội 7 (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín). Diện tích cháy khoảng 300m2 của 4 hộ liền kề. Đến khoảng 10h, sau gần 2 tiếng tổ chức chữa cháy, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Cả 2 vụ cháy mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng đều là những vụ cháy lớn tại các nhà xưởng, nơi tập kết hàng hóa vật liệu dễ cháy, nguy cơ cháy lan cao và gây thiệt hại lớn về tài sản. Đáng nói, điểm chung của 2 vụ cháy này đều xuất phát từ sự lơ là, chủ quan của người dân, chủ cơ sở.

Người dân cần nâng cao ý thức phòng "hỏa"

Qua các vụ cháy có thể thấy, nguy cơ cháy nổ tại khu dân cư trên địa bàn Hà Nội luôn ở mức báo động. Đó là thực trạng phố nhỏ, ngõ nhỏ, ý thức người dân về phòng cháy, chữa cháy chưa cao, tại các dãy nhà trọ, chủ nhà hầu như bỏ quên công tác này. Với trên 1.200 tuyến phố, ngõ nhỏ, có những ngõ nhỏ sâu hàng trăm mét, việc tiếp cận của xe chữa cháy là điều không thể.

Trong khi đó, tại các dãy nhà ống, nhà tập thể cũ, tình trạng "chuồng cọp" được hàn kiên cố, không lối thoát nạn, nên khi xảy ra cháy, ngôi nhà gần như bị bịt kín hoàn toàn.

Ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên, quận Đống Đa cho rằng, có nhiều bất cập mà chúng ta phải đồng lòng chung tay để khắc phục về công tác phòng cháy chữa cháy không riêng gì ở phường Kim Liên mà nhiều nơi trên Thành phố.

Bên cạnh nhà dân ở trong ngõ ngách, với tình trạng "chuồng cọp" vây kín thì nhà cao tầng cũng đang là nỗi lo của Hà Nội khi xảy ra hoả hoạn. Thống kê cho thấy, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 1.400 công trình nhà cao tầng, trong đó có nhiều nhà cao từ 30 đến 40 tầng ở khắp các quận, huyện.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nếu xảy ra cháy tại các toà nhà này, nhất là ở các tầng cao thì việc tiếp cận vô cùng khó khăn. Bởi, xe thang chuyện dụng chữa  cháy chỉ có thể vươn tới tầng 14-15 của toà nhà…

Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, các hộ gia đình thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do thiết bị hư hỏng; không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy…

Các gia đình bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt ban thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn, tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy…

Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn để thoát nạn an toàn khi có cháy.

Đối với cơ quan, doanh nghiệp, cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng, bảo đảm khoảng cách an toàn và ngăn cháy theo quy định. Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra…

Bích Phương

Top