Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt 7.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

14/10/2022 9:59 AM

(Chinhphu.vn) - Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội, trong hơn 3 tháng cao điểm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an (từ 20/6/2022 đến 20/9/2022), lực lượng Cảnh sát giao thông toàn thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 7.323 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt 7.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn  - Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt 7.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: VTV

Trong 3 tháng thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an (20/6 - 20/9), lực lượng chức năng đã xử lý 76.274 trường hợp, ra quyết định xử phạt 85 tỷ 128 triệu đồng; tước hơn 8.000 giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 537 ô tô, hơn 8.000 xe máy.

Trong đó, về xử lý vi phạm liên quan nồng độ cồn, đã phát hiện 7.323 trường hợp, phạt tiền 35,136 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 4.131 trường hợp, tạm giữ 7.323 phương tiện các loại.

Lực lượng chức năng đã tuyên truyền tại hơn 2.000 nhà hàng, quán bar, vũ trường thực hiện việc nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia.

Về xử lý vi phạm tốc độ, đã phát hiện 2.484 trường hợp, phạt tiền 3,546 tỷ đồng. Về chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện, đã phát hiện 3.243 trường hợp, phạt tiền 11,108 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 814 trường hợp, tước kiểm định phương tiện 126 trường hợp; tước phù hiệu phương tiện 166 trường hợp, tạm giữ 52 phương tiện.

Đáng lưu ý, Công an thành phố đã cưỡng chế việc tháo, cắt thùng xe 783 trường hợp, thông báo tới cơ quan đăng kiểm 61 trường hợp, buộc hạ tải 749 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng.

Các hành vi vi phạm khác cũng bị xử lý nghiêm như đi sai phần đường, làn đường (613 trường hợp), tránh, vượt sai quy định (374 trường hợp), không chấp hành tín hiệu giao thông, hiệu lệnh dừng xe (7.483 trường hợp).

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng đã xử phạt 586 trường hợp phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, cảng, bến thủy nội địa không phép.

Trong đó, tập trung rà soát các kho bãi, mỏ khai thác khoáng sản, cảng hàng hóa, các cơ sở, cá nhân, chủ phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, các điểm xuất phát, tuyến đường của các xe quá tải; các tuyến, khung giờ thường xảy ra vi phạm về tốc độ; các nhà hàng, quán bar, vũ trường, khu du lịch, các địa điểm tổ chức ăn uống, liên hoan… từ đó có biện pháp bố trí lực lượng, phương tiện kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trọng tâm theo nội dung kế hoạch.

Đáng chú ý, trong 3 tháng triển khai kế hoạch cao điểm, trên toàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông do người điều khiển vi phạm về tốc độ, đường thủy và không xảy ra tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân phương tiện chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thành thùng.

Báo cáo cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm, lực lượng CSGT Hà Nội gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các trang thiết bị máy móc chưa đáp ứng được yêu cầu công tác. Máy đo nồng độ cồn, cân tải trọng còn thiếu, hỏng hóc, không còn hoạt động hoặc bị sai số… Ngoài ra, vẫn còn sự "can thiệp, xin xỏ" đối với người vi phạm, ảnh hưởng đến công tác xử lý của cán bộ chiến sĩ.

Từ nay đến cuối năm 2022, để bảo đảm an toàn giao thông trật tự, Công an thành phố Hà Nội giao các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì kết quả đạt được sau 3 tháng thực hiện cao điểm của Bộ Công an với tinh thần quyết liệt, "không có vùng cấm".

Trước đó, từ 20/6, Công an thành phố Hà Nội mở đợt cao điểm nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; các hành vi gây mất trật tự, an toàn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, cơi nới thùng xe, chở quá tải, quá khổ… để kiềm chế đến mức thấp nhất xảy ra các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Tuyên truyền, vận động chủ các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar, vũ trường nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia…

(t/h)

Top