Cấp mã vùng trồng hướng tới xuất khẩu

10/06/2024 5:37 PM

(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm nông sản đặc sản, Hà Nội đang tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc cấp mã số vùng trồng là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm.

Cấp mã vùng trồng hướng tới xuất khẩu- Ảnh 1.

Việc cấp mã số vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm đạt chất lượng cao của Thủ đô mở rộng đến thị trường quốc tế. Ảnh: VGP/TT.

Để nâng cao giá trị kinh tế, trên diện tích 15ha tại xứ đồng bãi xa bồi, hợp tác xã sản xuất và cung ứng rau quả sạch Thắng Lợi, xã Văn Khê, huyện Mê Linh với 4 thành viên đã thống nhất mục tiêu phát triển mô hình chuối phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trước những yêu cầu khắt khe về chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm, anh Nguyễn Văn Nhập, thành viên hợp tác xã Thắng Lợi đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc chuối xuất khẩu, sử dụng phân bón hữu cơ, cách bón phân và các thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép để phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chuối.

Từ năm 2021 đến nay, để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, hợp tác xã Sản xuất và cung ứng rau quả sạch Thắng Lợi đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp mã số vùng trồng, sản phẩm chuối xuất khẩu được cấp giấy chứng nhận an toàn VietGAP. Ông Trương Văn Thường, Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi cho biết, việc cấp mã vùng trồng, quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đạt chuẩn VietGAP đã giúp hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng. Hằng năm, hợp tác xã đã tiêu thụ được từ 600-800 tấn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản.

Tính đến tháng 4/2024, Hà Nội đã cấp được 16 mã số vùng trồng xuất khẩu và 133 mã số vùng trồng trong lĩnh vực trồng trọt. Sau khi được cấp mã vùng trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện để tiếp tục duy trì mã số đã được cấp. Các vùng trồng đã được cấp mã duy trì các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU, Anh, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, từ việc cấp mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản đạt chuẩn xuất khẩu, trong năm 2023, các sản phẩm của ngành nông nghiệp của Hà Nội đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đạt trên 1 tỷ USD.

Mặc dù là Thủ đô của cả nước nhưng hiện nay Hà Nội là một trong 3 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Hà Nội có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu trong lĩnh vực trồng trọt, cây ăn quả và hoa cây cảnh. Vì vậy, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm. Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những khu vực có điều kiện sản xuất khó khăn về nguồn nước, những vùng trũng thấp khắc phục được tình trạng bỏ ruộng không canh tác của người dân trong đó đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng có chất lượng cao, sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường. Chú trọng những sản phẩm cây trồng, dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với nhu cầu và phục vụ phát triển đô thị, phù hợp với tính chất, đặc điểm khu vực đô thị, khu vực ven đô, phát triển các mô hình trang trại nông nghiệp trong đô thị.

Trên cơ sở nền tảng phát triển thế mạnh nông nghiệp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên.

Thiện Tâm

Top