Tích cực thực hiện các tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng
(Chinhphu.vn) - Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nâng cao giá trị của nhiều loại cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.
Xác định rõ tầm quan trọng và những lợi ích của mã số vùng trồng mang lại cho người sản xuất và người tiêu dùng, Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện các tiêu chuẩn về điều kiện canh tác để được cấp mã số vùng trồng.
Ðể được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất các sản phẩm cây trồng cần bảo đảm các yêu cầu như bảo đảm có quy trình kiểm soát được sinh vật gây hại ở mức độ thấp và được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu; vùng trồng phải được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước thời điểm thu hoạch; vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất…
Chia sẻ về tình hình xây dựng mã số vùng trồng nông sản trên địa bàn thành phố thời gian qua, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, đến nay Hà Nội đã được cấp và duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300 ha, trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi diễn phục vụ cho xuất khẩu.
Hiện nay, bưởi diễn tôm vàng cũng được đánh giá cao về chất lượng thơm ngon và hình thành vùng sản xuất tập trung ở huyện Đan Phượng. Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Bùi Tất Thêm cho biết, toàn xã có trên 150 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 45 ha trồng bưởi, cho giá trị khoảng 250-300 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được dán nhãn QRCode truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội và hướng tới xuất khẩu.
Không chỉ bưởi diễn, Hà Nội đã hình thành các vùng trồng chuối chuyên canh, chất lượng cao đủ điều kiện xuất khẩu tới một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện tại, diện tích trồng chuối của Hà Nội đã lên tới gần 4.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện như Phúc Thọ, Gia Lâm, Ba Vì với hơn 70% diện tích trồng các giống chuối nuôi cấy mô. Điển hình như tại xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh với 270ha trồng chuối, đây được coi là thủ phủ trồng chuối của Hà Nội. Ông Sái Văn Triệu ở xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, thời gian qua gia đình đã được các ngành chức năng hỗ trợ về kỹ thuật trồng 70ha chuối tây theo hướng an toàn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch và xuất bán 280 tấn chuối, trừ các khoản chi phí, cho thu lãi 1 tỷ đồng.
Việc xây dựng mã số vùng trồng có vai trò quan trọng, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho rằng, xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nâng cao giá trị của nhiều loại cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.
Đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng
Thời kỳ 4.0, bối cảnh phát triển, sự cạnh tranh của các mặt hàng nông sản ngày càng tăng và bên cạnh chất lượng, vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm... ngày càng trở nên quan trọng. Ðăng ký mã số vùng trồng là một cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản, qua đó, xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, việc xây dựng và quản lý mã số vùng trồng còn khó khăn do nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích của việc tuân thủ quy định trong sản xuất còn khá mơ hồ. Việc áp dụng công nghệ thông tin với các địa chỉ đề nghị cấp vẫn còn hạn chế, do chủ thể được cấp chủ yếu là nông dân; việc tích hợp thông tin điện tử trên máy tính hay trên điện thoại đều gặp khó khăn.
Tháo gỡ những khó khăn, đẩy mạnh việc xây dựng hiệu quả mã số vùng trồng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, các địa phương hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh. Đối với cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật để kiểm soát được từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để mở rộng các mặt hàng nông sản được xuất khẩu, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục cập nhật thông tin đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đồng thời, tiến hành tập huấn cho người dân, bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu quy định. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên..
Thiện Tâm