Chăn nuôi an toàn, chủ động nguồn cung thịt lợn

05/08/2022 3:34 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện giá thịt lợn đang tăng cao, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, các trang trại chăn nuôi cần chủ động phối trộn thức ăn để giảm chi phí đầu vào. Đồng thời hướng tới chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học, cũng như đẩy mạnh tái đàn và kiểm soát chặt chẽ khâu trung gian.

Chăn nuôi an toàn, chủ động nguồn cung thịt lợn - Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi lợn của HTX chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai). Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Trong những tuần gần đây, tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước giá thịt lợn hơi tăng cao, khoảng 70.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nhu cầu của các nhà hàng, quán ăn, du lịch phát triển trở lại. Bên cạnh đó do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao cộng các chi phí khác nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã không tiếp tục chăn nuôi, dẫn đến giảm nguồn cung thịt lợn.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) cho biết, hiện giá thịt lợn hơi tăng mạnh, trang trại đã bán với giá 72.000 đồng/kg. Nhưng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên trang trại vẫn không có lãi, thậm chí là còn thua lỗ.

Theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho biết, trước thực trạng chi phí chăn nuôi lợn tăng cao và nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn, để bảo đảm nguồn cung trên thị trường các trang trại cần chủ động phối trộn thức ăn để giảm chi phí đầu vào. Đặc biệt cần hướng tới chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật… để các trang trại chăn nuôi mở rộng quy mô sản xuất, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Như vậy vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh vừa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tương tự, hộ chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) có diện tích hơn 1,3 ha. Trang trại của ông đang phát triển mô hình VAC, có đầu tư xây dựng 2 khu chăn nuôi lợn quy mô hơn 100 lợn nái và 600 lợn thịt/lứa. Trước bão giá và nguy cơ dịch bệnh bùng phát, do nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khép kín nên đã hạn chế được dịch bệnh. Đay là hướng phát triển bền vững nên trong thời gian tới, trang trại sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội-chia sẻ, theo các hộ chăn nuôi, chi phí nuôi lợn của các doanh nghiệp lớn, có hệ thống chuồng trại khép kín, chủ động con giống là khoảng 53.000 - 55.000 đồng/kg, còn với trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg. Trong 6 tháng đầu năm, giá thức ăn chăn nuôi tăng 4-6 lần đã đẩy giá thành sản xuất tăng vọt nên khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Hiện nay Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm với 13 xã chăn nuôi lợn tại các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì, thị xã Sơn Tây..., đồng thời tập trung phát triển ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, tổng đàn lợn toàn thành phố đạt gần 1,5 triệu con, gần bằng với trước khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để bảo đảm tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố đạt 1,6-1,8 triệu con, Hà Nội tập trung vào phát triển con giống, bảo đảm mỗi năm sản xuất ra hơn 4 triệu con lợn giống để cung cấp cho người chăn nuôi tái đàn từ nay đến cuối năm. Đồng thời ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, quy mô lớn khép kín, hướng dẫn người chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để thay thế một phần thức ăn công nghiệp, giảm chi phí đầu vào.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục khuyến khích chăn nuôi lợn theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư và tập trung hỗ trợ cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn nằm trong vùng quy hoạch của địa phương. 

Đồng thời ngành nông nghiệp sẽ tham mưu Thành phố có chính sách hỗ trợ về giống, vaccine... để người chăn nuôi giảm giá thành sản xuất, bảo đảm tổng đàn lợn duy trì ổn định hơn 1,8 triệu con, qua đó chủ động nguồn cung cho thị trường Hà Nội.

Theo Bộ NN&PTNT, tuy giá thịt lợn đang có xu hướng tăng nhưng người dân cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình thị trường để có phương án tăng đàn và sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó cần tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế.

Thiện Tâm

Top