Chăn nuôi đảm bảo văn minh đô thị-Đáp ứng yêu cầu của Luật Chăn nuôi

02/07/2024 4:11 PM

(Chinhphu.vn) - Từ khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02 quy định không chăn nuôi tại các quận nội thành; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây và thị trấn của 5 huyện. Điều này sẽ tạo nên các vùng chăn nuôi an toàn, bảo đảm vệ sinh và văn minh đô thị.

Chăn nuôi đảm bảo văn minh đô thị-Đáp ứng yêu cầu của Luật Chăn nuôi- Ảnh 1.

Chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư để bảo đảm an toàn vệ sinh và văn minh đô thị. Ảnh: VGP/TT.

Là Thủ đô song Hà Nội luôn có tổng đàn gia súc gia cầm lớn, đứng tốp đầu cả nước, nhất là đàn gia cầm và đàn lợn, đàn gia cầm hiện có 41,9 triệu con, đàn lợn 1,5 triệu, đàn trâu bò 158.5 ngàn con. Số lượng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện có 130 trang trại quy mô lớn, 1.593 trang trại quy mô vừa, 4.658 trang trại quy mô nhỏ, 173.708 hộ chăn nuôi.

Những năm qua tốc độ đô thị hoá quá nhanh, đặc biệt 5 huyện đã có lộ trình lên quận (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) đồng nghĩa với việc chăn nuôi sẽ phải có bước chuyển mạnh đáp ứng yêu cầu cấp bách theo Luật Chăn nuôi.

Theo quy định tại Điều 61 Luật Chăn nuôi 2018, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường), gồm các khu đô thị, khu dân cư tập trung; khu vực xung quanh các cơ sở y tế, trường học, cơ sở văn hóa, du lịch, danh lam thắng cảnh; khu vực xung quanh các nguồn nước, ao hồ, sông suối, kênh rạch, mương máng; khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; các khu vực khác theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Để đẩy nhanh tiến độ theo Luật Chăn nuôi, Hà Nội là thành phố đi đầu trong việc ban hành Nghị quyết quy định vùng không được phép Chăn nuôi (Nghị quyết 02/2020/NQ HĐND ngày 7/7/2020 cùa HĐND Thành phố). Theo đó có 4 vùng quy định không được phép chăn nuôi đó là các phường của các quận thuộc Thành phố; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền và Lê Lợi); các thị trấn của 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng); các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời Thành phố cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đối với các khu vực nêu trên.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, qua rà soát thị trấn có 31 hộ chăn nuôi, với tổng đàn hơn 100 con lợn và trên 15.000 con gia cầm. Căn cứ Luật Chăn nuôi và Nghị quyết của Thành phố, thị trấn Phùng đã tuyên truyền đến các hộ dừng chăn nuôi và đến nay các hộ cũng đã chấp hành nghiêm quy định của thành phố.

Theo ông Đỗ Văn Lạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, tuy đã được tuyên truyền về Luật Chăn nuôi nhưng suốt nhiều năm qua ông chỉ biết làm nông nghiệp, hiện chưa biết chuyển đổi sang nghề gì khác. Vì vậy, ông vẫn đang tận dụng thời gian này để chăn nuôi đảm bảo sinh kế cho gia đình. Ông cũng cam kết hết năm 2024, gia đình ông sẽ không chăn nuôi nữa theo chỉ đạo của Thành phố và quận.

Còn theo ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, hiện quận Long Biên có hơn 122 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để các hộ nắm được quy định của Luật Chăn nuôi và chủ trương của Thành phố, quận Long Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu rõ mốc thời gian ngày 1/1/2025 sẽ chấm dứt chăn nuôi tại các phường trên địa bàn quận. Hộ nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, quận cũng sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp theo Nghị định 02 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Theo số liệu thống kê tại thời điểm tháng 3/2020, toàn Thành phố Hà Nội có khoảng 206.800 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, Chăn nuôi ở các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, 6 thị trấn thuộc 5 huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì): Tổng số hộ chăn nuôi là gần 2.600 hộ, với hơn 204.100 con gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội cho biết, thông qua quá trình tuyên truyền, vận động người dân, đến nay có 4 địa phường không còn hoạt động chăn nuôi, gồm: 4 phường của thị xã Sơn Tây, thị trấn Yên Viên, Trâu Quỳ huyện Gia Lâm; thị trấn Phùng huyện Đan Phượng; thị trấn Văn Điển huyện Thanh Trì. Tổng số hộ còn hoạt động chăn nuôi hiện nay còn 454 hộ, với tổng đàn hơn 47.400 gia súc, gia cầm, giảm rất nhiều về tổng đàn và số hộ chăn nuôi so với khi chưa có Luật Chăn nuôi và Nghị quyết 02 của HĐND Thành phố.

Có thể thấy, việc dừng chăn nuôi tại các phường, thị trấn là chủ trương đúng đắn vì cảnh quan, môi trường sống đô thị xanh, sạch, đẹp. Không gian đô thị đang từng ngày được định hình bằng những vùng xanh đô thị, vùng nông nghiệp sinh thái thân thiện với môi trường.

Thiện Tâm

Top