Chăn nuôi Thủ đô đối mặt với 3 thách thức

13/09/2016 2:28 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay ngành chăn nuôi Hà Nội đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là sức cạnh tranh kém do giá thành chăn nuôi trong nước cao, mất ATVSTP làm mất sức đề kháng trong hội nhập và tình trạng chăn nuôi được mùa rớt giá. Vậy Hà Nội cần tìm ra phương thức nào để vượt qua những thách thức trên?

Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tú Mai

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, những năm qua, với định hướng phát triển chăn nuôi của Trung ương và xu thế hội nhập Quốc tế đã đem lại nhiều thời cơ, vận hội tốt cho phát triển chăn nuôi Thủ đô nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức. Vì vậy, Hà Nội đã xác định hướng đi cụ thể và coi đây là phương thức phù hợp để chăn nuôi phát triển.

Phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao

Để vượt qua được thách thức lớn và chủ động phát triển phù hợp với xu hướng hội nhập Quốc tế,  ngay từ đầu thành phố Hà Nội đã xác định rõ mục tiêu phát triển chăn nuôi và đưa quy hoạch, phát triển chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm giúp khai thác một cách tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương, giúp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, tính đồng đều cao, đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế với thế giới.

Cùng với đó là phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tập trung có khả năng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo tiền đề xây dựng chuỗi giá trị trong chăn nuôi. Đồng thời phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đến năm 2020 hình thành các khu, trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và giá trị từ 1,5-1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống. Xây dựng các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP.

Ông Tạ Văn Tường khẳng định, nếu như Hà Nội triển khai và thực hiện được các vấn đề trên thì ngành chăn nuôi Thủ đô mới giành được thế chủ động trong hội nhập quốc tế. Sản phẩm từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhu cầu của các nhà máy chế biến và xuất khẩu, đồng thời có đủ điều kiện để cạnh tranh được với sản phẩm chăn nuôi của các nước trên thế giới và trong khu vực.

Thực tế cho thấy, hiện nay chăn nuôi của Hà Nội đang rất phát triển và có nhiều dấu hiệu khả quan để giành thế chủ động khi hội nhập TPP. Những tháng đầu năm, dù ngành nông nghiệp gặp khó khăn do nhiều yếu tố nhưng chăn nuôi vẫn tăng trưởng khá. Số đàn, con đều tăng so với cùng kỳ, sản lượng chăn nuôi 6 tháng đầu năm cũng cao hơn so với cùng kỳ năm 2015: sản lượng thịt trâu tăng 3,9%; sản lượng thịt gà tăng 2,6%, sản lượng thịt gia cầm khác tăng 4,5%; sản lượng trứng gà tăng 6,2%, sản lượng trứng gia cầm khác tăng 8,4% và sản lượng sữa tăng 2,8%.

Bên cạnh đó, thông qua việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và những giống mới có năng suất, chất lượng cao, hiện nay Hà Nội cơ bản đã đưa thụ tinh nhân tạo vào sản xuất giống bò, giống lợn và bước đầu thử nghiệm thành công thụ tinh nhân tạo trên đàn gà; các giống mới đưa vào đã khẳng định được về tính thích nghi, hiệu quả kinh tế như đối với bò thịt là giống Blanc Blue Belge (BBB) của Bỉ, đối với gà là giống D300 của Cộng hòa Czech, đối với lợn là giống Pietrain kháng Strees của Vương Quốc Bỉ…

Đồng thời xác định được 8 vùng với 8 sản phẩm chủ lực để tổ chức sản xuất, xây dựng liên kết, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực, gồm: sữa Ba Vì, thịt bò Hà Nội, gà đồi Ba Vì, trứng vịt Liên Châu, Vịt Vân Đình... Ngoài ra, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đã phát huy lợi thế vùng và năng lực của doanh nghiệp mình để đi theo định hướng phát triển chuỗi giá trị và xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm. Đặc biệt, trong năm 2016, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã đăng ký Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sản phẩm an toàn sản xuất theo chuỗi – truy xuất được nguồn gốc”. Theo đó, các chuỗi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sẽ phải tuân thủ các tiêu chí về ATTP; có hợp đồng sản xuất theo chuỗi; có quy trình quản lý chuỗi, biểu mẫu ghi chép và lưu mẫu sản phẩm.

Như vậy có thể thấy, việc quy hoạch ngành chăn nuôi của Thủ đô đã tạo nên được diện mạo chăn nuôi một cách rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi và phát triển các cơ sở sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các sản phẩm chủ lực của ngành.

Mặt khác, Hà Nội cũng có thị trường trong nước và các nước láng giềng rất lớn. Lợi thế điều kiện tự nhiên và thời tiết khí hậu thuận lợi hơn các nước trên thế giới có ngành chăn nuôi phát triển như Pháp, Đan Mạch... nên đây chính là điều kiện tốt để thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi.

Kiên trì mục tiêu

Tuy nhiên hiện nay, chăn nuôi của Hà Nội cũng còn rất nhiều hạn chế và khó khăn. Đó là giá thành sản xuất cao, năng suất chăn nuôi thấp do năng suất sinh sản của các giống vật nuôi trong nước thấp hơn so với các nước. Chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều và việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế.

Về cơ bản các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn qua khâu trung gian (thương lái). Chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc của lợn/gia cầm. Tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, thủ công còn phổ biến. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ công nghiệp với dây truyền công suất lớn, hiện đại được nhập khẩu từ các nước phát triển đến nay không hoạt động được do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...

Vì vậy, để giải quyết khó khăn và bước vào thời kỳ hội nhập một cách vững vàng, ông Tạ Văn Tường cho rằng, trong thời gian tới ngành chăn nuôi Thủ đô cần phải phát triển theo quy hoạch, chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời phát triển sản xuất giống, nâng cao năng suất chăn nuôi và phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Song song thực hiện tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất lâu dài cho chăn nuôi và thủ tục pháp lý đất chăn nuôi đảm bảo để chủ trại yên tâm đầu tư, lập dự án thu hút vốn đầu tư. Thu hút nhà đầu tư xây dựng tháp giống và áp dụng chăn nuôi công nghệ cao để nâng cao sức cạnh tranh của nghành chăn nuôi.

Do Hà Nội đang thiếu những doanh nghiệp đầu mối của chuỗi để xác lập nên chuỗi hoàn chỉnh, vì vậy cần phải bồi dưỡng, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư lấp vào khoảng trống hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ. Thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích ở cả vùng thành thị và nông thôn.

Tổ chức tuyên truyền thay đổi tập quán thói quen người tiêu dùng để sử dụng thịt mát, thịt cấp đông. Các doanh nghiệp cũng cần phải tiếp cận ngay công nghệ sản xuất này, hiện nay các sản phẩm thịt mát và thịt cấp đông trên thị trường còn cơ bản sản xuất chưa theo đúng theo quy trình, các siêu thị vẫn mua thịt tại các lò mổ thủ công về tự pha lóc, đóng gói.

Phát triển nhãn hiệu chứng nhận để giúp người tiêu dùng không phải mua sản phẩm an toàn bằng lòng tin nữa mà có cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn đâu là sản phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng nhận diện.

Tú Mai

Top