Chỉ dẫn địa lý cho giống bưởi quý xứ Đoài

31/12/2023 8:14 AM

(Chinhphu.vn) - Hoài Đức là một trong những vùng đất thuộc xứ Đoài xưa. Chỉ trong vòng bán kính khoảng 15 km dọc theo sông Đáy tính từ đập Phùng, huyện Đan Phượng cho đến hết đất huyện Hoài Đức có tới 5 nguồn gen quý được điểm danh vào nguồn gen cây trồng đặc sản quốc gia gồm: Cam Canh, bưởi Diễn, hồng Yên Thôn, quýt Tích Giang và nhãn Đại Thành.

Chỉ dẫn địa lý cho giống bưởi quý xứ Đoài- Ảnh 1.

Bưởi đường La Tinh, huyện Hoài Đức. Ảnh: VGP/TT

Bưởi đường thương hiệu La Tinh

Hương thơm, vị ngọt môi mình, môi ta

Hỡi người du khách gần xa

Có về thưởng thức bưởi La… xin mời.

Theo kết quả điều tra của Trung tâm Tài nguyên Thực vật trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nguồn gen bưởi ở huyện Hoài Đức lưu vực sông Đáy khá phong phú, có tới 21 nguồn gen, trong đó có 14 nguồn gen bưởi địa phương. Nguyên nhân là bưởi rất thích hợp ở những vùng ven sông, gần châu thổ vì sinh khối khá lớn, yêu cầu dinh dưỡng cao. Lưu vực sông Đáy là nơi tụ hợp, làm nên sự đa dạng quỹ gen ấy. Hầu hết các nguồn gen trên do người dân chọn lọc, lưu giữ và phát triển từ cây trồng bằng hạt ban đầu. Qua quá trình chọn lọc tự nhiên lưu vực sông Đáy đã hình thành nên nhiều giống bưởi trong đó có những loại rất quý, và bưởi đường La Tinh là một giống chất lượng cao nhất nhì bởi có độ ngọt vào khoảng 13 - 14.

La Tinh là một trong ba thôn thuộc xã Đông La nằm ở phía nam huyện Hoài Đức, có sông Đáy chảy qua, đất đai màu mỡ. Đây là nơi khởi nguồn của cây bưởi đường La Tinh. Nơi đây còn có một di tích là đình làng La Tinh, nằm ở giữa làng trên một khoảng đất cao ven sông Đáy. Đình La Tinh đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989. Hình ảnh 4 cột đồng trụ trong quần thể đình La Tinh được sử dụng để làm hình ảnh logo nhận diện chỉ dẫn địa lý cho bưởi La Tinh, hình ảnh trái bưởi – đình làng sẽ là một dấu ấn không thể nào nhầm lẫn về quả bưởi đường thôn La Tinh

Theo UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn hiện nay trồng khá nhiều giống bưởi như: Bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, bưởi La Tinh, bưởi đào, bưởi đường chín sớm xã Cát Quế… Trong đó, bưởi đường La Tinh là giống bưởi địa phương được trồng từ lâu đời tại làng La Tinh, xã Đông La.

Hiện tại, bưởi đường La Tinh, Hoài Đức phân bố chủ yếu ở xóm 1, xóm 2, xóm 3 thôn La Tinh, với số lượng khoảng 1.360 cây. Trong đó có hơn 55% các cây có độ tuổi 10 - 20 năm, gần 15% các cây có độ tuổi trên 20 năm.

Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong thôn La Tinh, giống bưởi này có nguồn gốc từ một cây bưởi cành chiết của cụ Bá Diệu từ khoảng những năm 1930. Cây bưởi tổ không còn nhưng các cây bưởi hàng cháu ở trong thôn đã được 60 năm tuổi vẫn phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh và cho quả đều hàng năm. Có những cây bưởi còn có tuổi thọ cao hơn cả tuổi chủ nhân. Điển hình như vườn bưởi nhà ông Nguyễn Ngọc Giàng, cây nào cũng đều đã 50 tuổi nhưng đến vụ vẫn cho quả rất đều, ăn đặc biệt ngon. Bưởi La tinh có khả năng để được dài, hạt của bưởi đường La Tinh không bị mọc mầm trong quả như bưởi Diễn nên chẳng ảnh hưởng gì đến chất lượng bên trong. Đây có thể nói là điểm đặc biệt quý của giống đặc sản này.

Bưởi La Tinh rất phù hợp với vùng đồng nơi đất thịt mà nhất là có sỏi ruồi, còn đất pha cát ngoài bãi thì khi trồng lại cho chất lượng quả kém hẳn. Dù lá có kích cỡ nhỏ nhưng tán lại rất to, cao, chỉ 5 - 6 cây là có thể phủ kín 1 sào Bắc Bộ, cho trung bình 400 - 500 quả/gốc

Với những giá trị sẵn có và nhận thấy được tiềm năng, sự quý giá của nguồn gen bưởi đường La Tinh, suốt nhiều năm qua, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã cùng với huyện Hoài Đức xây dựng chỉ dẫn địa lý cho bưởi đường thôn La Tinh, đồng thời tổ chức tập huấn, làm các mô hình VietGAP, hữu cơ. Vì Hà Nội chưa có một nông sản nào làm chỉ dẫn địa lý nên gặp nhiều khó khăn, hàng năm Trung tâm phối hợp với nhiều đơn vị khoa học, Cục Sở hữu trí tuệ đi khảo sát và từng bước thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý

Cây bưởi đường La Tinh Hoài Đức có đặc điểm sinh trưởng khỏe. Năng suất trung bình từ 250 - 300 quả/cây/năm. Với năng suất này đã mang lại thu nhập cao cho người dân thôn La Tinh so với trồng nhiều loại cây khác. Nếu trồng và chăm sóc tốt thì từ năm thứ 7 trở đi, bưởi đường La Tinh Hoài Đức đã cho thu nhập từ 300 - 400 triệu/ha/năm.

Theo ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, việc đô thị hóa đã làm diện tích trồng bưởi đường La Tinh Hoài Đức có xu hướng giảm. UBND huyện Hoài Đức cũng đã có những chủ trương giúp bảo tồn và nâng cao thương hiệu cho giống bưởi này, như tạo các vùng trồng bưởi tập trung, phát triển theo hướng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Để phát triển bền vững huyện Hoài Đức cũng quy hoạch vùng trồng bưởi ổn định, định hướng kết hợp với du lịch nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, việc được cấp chỉ dẫn địa lý được xem là cơ hội tốt để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu tập thể bưởi đường La Tinh của huyện Hoài Đức. Qua đó, mở ra cơ hội phát triển thị trường, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi đường La Tinh nói riêng, nông sản địa phương nói chung trên thị trường trong và ngoài nước.

Thiện Tâm

Top