Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 5,9%
(Chinhphu.vn) - Năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội có xu hướng phục hồi tích cực, với 4/4 ngành công nghiệp cấp một tăng so với năm trước, nhiều đơn hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tăng khá.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính chung cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội tăng 5,9% so với năm 2023. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; chỉ số tiêu thụ tăng 8,2%; chỉ số tồn kho cuối năm 2024 giảm 11,5% so với cuối năm 2023. Riêng trong tháng 12/2024 vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 12 trên địa bàn Hà Nội ước tính tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6% và tăng 7,2%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,3% và tăng 7,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 0,4% và tăng 8,4%; ngành khai khoáng tăng 0,4% và giảm 0,9%.
Ước tính quý IV/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,9%; khai khoáng tăng 0,7%. Một số ngành IIP quý IV tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 35,5%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 14,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 12,7%; dệt tăng 8,8%. Hai ngành IIP giảm so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 1,5%; in, sao chụp bản ghi giảm 0,6%.
Tính chung cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9% so với năm 2023, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,6%; khai khoáng tăng 0,5%. Trong năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng khá so với năm trước: Sản xuất máy móc thiết bị tăng 27,4%; sản xuất trang phục tăng 9,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 8%. Tuy nhiên, một số ngành chế biến, chế tạo chỉ số IIP giảm so với năm trước: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 3,9%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 0,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc giảm 0,1%.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười Hai tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024 chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 8,2% so với năm 2023, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng: Máy móc, thiết bị tăng 30%; dệt tăng 29,3%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,7%; sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 9,2%; xe có động cơ tăng 8,2%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,2%; trang phục tăng 6,4%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: Gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 31,8%; da và sản phẩm liên quan giảm 20,5%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 7,9%; giấy và sản phẩm từ giấy giảm 1,7%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm cuối năm 2024 giảm 11,5% so với cuối năm 2023, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: In, sao chép bản ghi; da và sản phẩm liên quan; đồ uống; thuốc, hóa dược và dược liệu; dệt. Một số ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho tăng: Sản phẩm từ kim loại; thuốc lá; sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng; giường, tủ, bàn, ghế.
Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, dù chỉ số công nghiệp tăng, song số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tính chung cả năm 2024 lại giảm nhẹ so với năm trước. Trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước đều giảm, còn lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng.
Bước sang năm 2025, TP. Hà Nội phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.
Đồng thời, Thành phố chú trọng triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên... Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng; đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.
Thành phố đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước. Việc kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm... cũng là những giải pháp quan trọng được thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho.
Minh Anh