Ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực
(Chinhphu.vn) - Trong quá trình phát triển, Hà Nội tạo điều kiện cho mọi ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đầu tư vào địa bàn. Tuy nhiên, Thành phố đang ưu tiên đặc biệt và có chọn lọc cho sản phẩm chủ lực, có sự định hướng, nhằm dẫn dắt đầu tàu cho nền kinh tế.
Có 265 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Nguyễn Kiều Oanh cho biết, xác định công nghiệp chủ lực đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 26/1/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025; Quyết định số 4303/QĐ-UBND ngày 24/9/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thành phố đã tổ chức khởi công, động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 28/43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư, sản xuất và hình thành tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản về lĩnh vực hàng không, vũ trụ tại Khu công nghiệp Hanssip Hà Nội và chuỗi các khu công nghiệp Hanssip tại Việt Nam…
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng triển khai Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn Thành phố, giai đoạn từ năm 2021-2024 đã thu hút được hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, giai đoạn 2018-2024, Thành phố đã công nhận tổng số 265 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội. Trong đó, riêng năm 2024 công nhận 63 sản phẩm của 35 doanh nghiệp, đưa tổng số sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố giai đoạn 2018-2024 lên 289 sản phẩm của 191 lượt doanh nghiệp.
Cuối tháng 12 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức lễ tôn vinh trao danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024 cho 36 sản phẩm của 25 doanh nghiệp, trong đó, 10 sản phẩm được công nhận TOP 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh khẳng định: "Đây là những sản phẩm bảo đảm tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị, định hướng cho các sản phẩm cùng loại, góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và nước ngoài".
Một cái tên góp mặt trong TOP 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024 là sản phẩm đèn LED của Công ty cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông. Sản phẩm này có hiệu suất năng lượng cao, đạt tiêu chí về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... Đại diện Rạng Đông cho biết, danh hiệu Sản phẩm công nghiệp chủ lực là động lực để doanh nghiệp tiếp tục đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Là một trong những doanh nghiệp có sản phẩm đã lọt TOP 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024, Phó Tổng Giám đốc Công ty CADI-SUN Huỳnh Tấn Quyền cho biết: "Cái được lớn nhất của doanh nghiệp khi tham gia chương trình là có được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của thành phố Hà Nội, nhất là các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm công nghiệp vào các chuỗi cung ứng. Thương hiệu CADI-SUN được nhiều đối tác, khách hàng biết đến nhiều hơn. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi hiểu rằng cần phải có trách nhiệm, nỗ lực và đổi mới nhiều hơn nữa để phát huy vai trò tiên phong, đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế Thủ đô".
Ngoài ra, các sản phẩm nổi bật của các doanh nghiệp như Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu, Nhựa Hà Nội, Eurowindow, May 10, MISA, Nutricare, VICOSTONE, Sunhouse, Khóa Việt Tiệp… cũng được xét chọn là Sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024.
Doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực khẳng định chất lượng
Lãnh đạo Sở Công Thương đánh giá, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ngày càng thể hiện và khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô; có tác động lan tỏa mạnh đến kinh tế Thành phố, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng đã nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, nhất là ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao mức độ tự động hóa, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng mô hình nhà máy thông minh (Smart Factory).
"Vì vậy những sản phẩm được công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội bảođảm tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, định hướng cho các sản phẩm cùng loại, góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước" bà Nguyễn Kiều Oanh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội Nguyễn Công Cường cho biết, danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực chỉ có hiệu lực trong hai năm, sau đó phải công nhận lại. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục nỗ lực khẳng định chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Danh hiệu này còn góp phần giúp khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp, tạo niềm tin với đối tác, khách hàng…
Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội như cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; quảng bá, phát triển thị trường; phát triển khoa học công nghệ; Phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ kỹ thuật; kết nối kinh doanh...
Thùy Linh