Chính quyền hai cấp vận hành: Cú hích mạnh mẽ thúc đẩy quản lý đất đai tại Hà Nội

14/07/2025 5:36 PM

(Chinhphu.vn) - Sau khi vận hành mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 1/7/2025, Hà Nội đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Từ xử lý vi phạm dứt điểm, tăng cường giám sát đến công khai minh bạch, các địa phương đang dần thiết lập lại kỷ cương, nền nếp trong quản lý đô thị.

Chính quyền hai cấp vận hành: Cú hích mạnh mẽ thúc đẩy quản lý đất đai tại Hà Nội- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại TP. Hà Nội từ ngày 1/7/2025 không chỉ là sự kiện hành chính quan trọng mà còn đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên toàn địa bàn. Trước bối cảnh nhiều vi phạm còn tồn đọng kéo dài trong công tác xây dựng, việc tổ chức lại bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, phân cấp rõ ràng đã tạo ra bước ngoặt về hiệu lực, hiệu quả quản lý tại cấp cơ sở.

Sự chuyển động đồng bộ từ cấp thành phố đến cơ sở

Ngay sau khi mô hình chính quyền hai cấp được vận hành, TP. Hà Nội đã ban hành hàng loạt văn bản quan trọng nhằm bảo đảm hoạt động thống nhất và hiệu quả. Trong đó, Công văn số 3966/UBND của UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện việc rà soát, xử lý các công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra buông lỏng quản lý.

Cùng thời điểm, các cơ quan chuyên môn như Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng nhanh chóng triển khai các hướng dẫn thực hiện theo tinh thần Nghị định 151/2025/NĐ-CP và Thông tư 23/2025/TT-BTNMT. Việc phân cấp, phân quyền đi đôi với cải cách thủ tục hành chính giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đất đai, đồng thời tạo điều kiện để cấp xã, phường chủ động hơn trong kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, việc phân cấp, phân quyền theo mô hình chính quyền hai cấp đã trao thêm thẩm quyền, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực của cán bộ cấp xã, phường. Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng hiện nay đã rõ ràng hơn, quy trình xử lý nhanh gọn hơn, nhờ đó mà hiệu quả quản lý trật tự xây dựng đã có bước chuyển biến rõ rệt.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, TP. Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện và xã, phường mới sáp nhập khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức, chủ động ra quân xử lý ngay những điểm nóng, vi phạm tồn đọng kéo dài. Tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong xử lý vi phạm đã được quán triệt sâu rộng từ thành phố tới cơ sở.

Trong thời gian ngắn sau khi triển khai mô hình mới, hàng loạt địa phương đã thể hiện sự chuyển biến rõ rệt, cả về tốc độ xử lý lẫn tính minh bạch trong quản lý.

Tại phường Định Công, cấp ủy chính quyền đã họp bàn đưa ra các biện pháp giải quyết các vi phạm trật tự xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp, ra quân xử lý trật tự văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp, hồ ao trên địa bàn phường, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị.

Chủ tịch UBND phường Định Công Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Đảng ủy phường, UBND phường Định Công sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền và vận động nhân dân; rà soát, cập nhật hồ sơ đất đai; nâng cao năng lực cán bộ và cải cách hành chính; triển khai đúng, kịp thời các chỉ đạo của Thành phố về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

Theo đó, phường sẽ tập trung phương tiện, nhân sự xử lý dứt điểm các vi phạm về quản lý đô thị tại hồ Định Công, khu vực Định Công Hạ, hồ Dọc Ngang, Đầm Đỗi, gò Cây táo và một số vi phạm khác. Công an phường Định Công, Ban Chỉ huy Quân sự phường, công chức phường, Đoàn thanh niên, y tế được huy động tham gia, với quân số hơn 70 người cùng các trang thiết bị. Các lực lượng tham gia đã tháo dỡ nhà tôn mới dựng tại khu vực hồ Định Công, cắm biển cảnh báo "Đất công do UBND phường quản lý"...

Cán bộ phường Định Công sẽ phối hợp với các chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể để tuyên truyền về quy định pháp luật liên quan đến đất đai và xây dựng. Tổ chức các buổi đối thoại cộng đồng để lắng nghe ý kiến người dân, giải thích rõ ràng về quyền sử dụng đất và trách nhiệm công dân. Phường Định Công sẽ tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ địa chính, xác định rõ ranh giới đất công, đất nông nghiệp và đất ở.

Tương tự, tại xã Hồng Vân, sau sáp nhập, UBND xã đã ra quân, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát. Từ 1/7 đến nay xã đã phát hiện và bước đầu xử lý 30 trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng. Đáng chú ý, công tác tuyên truyền pháp luật được địa phương đẩy mạnh thông qua hình thức lưu động, giúp người dân hiểu rõ hơn quyền và trách nhiệm của mình trong sử dụng đất.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Duy Hiển cho biết, song song nhiệm vụ ngăn chặn vi phạm mới phát sinh, xã tập trung, quyết liệt xử lý các vi phạm cũ, đồng thời giao phòng chuyên môn tiến hành rà soát tổng thể về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn để có kế hoạch kiểm tra, giám sát, siết chặt quản lý về đất đai và trật tự xây dựng.

Ở xã Ứng Thiên, từ những ngày đầu tháng 7, xã đã tổ chức đợt cao điểm xử lý vi phạm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Sự kết hợp linh hoạt giữa tuyên truyền và xử lý hành chính đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Một số vụ việc vi phạm như đổ đất trái phép, dựng công trình trên đất nông nghiệp trên địa bàn đã được ngăn chặn kịp thời. Đây là minh chứng cho việc chính quyền xã, phường đang từng bước chuyển từ bị động sang chủ động, từ xử lý theo vụ việc sang phòng ngừa rủi ro.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ứng Thiên: Đợt ra quân lần này thể hiện quyết tâm cao của chính quyền xã trong việc lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhất là sau khi chính quyền địa phương hai cấp được vận hành. Chúng tôi xác định, phải làm dứt điểm, đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến rõ nét. Chính quyền đặt trọng tâm vào công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấu hiểu, đồng thuận. Đối với những trường hợp chây ì, cố tình vi phạm, chúng tôi kiên quyết xử lý.

Cũng theo lãnh đạo xã Ứng Thiên, việc thiết lập trật tự quản lý đất đai là điều kiện tiên quyết để xã phát triển bền vững, bảo đảm giữ gìn quỹ đất nông nghiệp, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đây cũng là hành động cụ thể thể hiện cam kết xây dựng một chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong khuôn khổ chính quyền hai cấp.

Tại xã Quốc Oai, nhiều vi phạm cũng được xử lý nhanh chóng. Trong tuần đầu tháng 7, xã Quốc Oai phát hiện và xử lý dứt điểm 10 trường hợp vi phạm, nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng chức năng. Lãnh đạo xã Quốc Oai đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa tại những điểm nóng. Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai Nguyễn Hữu Sơn cho biết, xã quyết tâm siết chặt quản lý, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhằm bảo đảm phát triển bền vững và tuân thủ theo đúng pháp luật.

Tăng cường giám sát, công khai minh bạch và phối hợp liên ngành

Một trong những dấu ấn rõ nét nhất của giai đoạn sau ngày 1/7/2025 chính là việc Hà Nội không chỉ tập trung xử lý vi phạm mà còn từng bước nâng tầm quản lý đất đai và trật tự xây dựng theo hướng chủ động, minh bạch và phối hợp liên ngành hiệu quả.

Thứ nhất, về công tác giám sát, TP. Hà Nội đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của người dân, tổ dân phố và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện và phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm. Tại nhiều địa phương như phường Định Công, xã Hồng Vân, Quốc Oai…, mô hình "giám sát cộng đồng" bước đầu phát huy hiệu quả. Người dân không còn thờ ơ mà chủ động gửi ảnh, video phản ánh về vi phạm lên các nhóm zalo của tổ dân phố hoặc báo trực tiếp cho UBND xã, phường. Cơ chế tiếp nhận và phản hồi thông tin được rút gọn tối đa, nhờ đó chính quyền cơ sở xử lý nhanh, kịp thời ngay từ khi công trình có dấu hiệu vi phạm.

Song song với đó, việc công khai minh bạch danh sách các trường hợp vi phạm và tiến độ xử lý cũng được yêu cầu thực hiện thường xuyên trên các cổng thông tin điện tử cấp xã, cấp quận. Một số địa phương thí điểm tích hợp bản đồ số, mã QR vào công trình xây dựng để người dân dễ dàng tra cứu thông tin pháp lý, từ đó góp phần hạn chế tình trạng làm sai, làm ẩu hoặc "nhắm mắt cấp phép".

Thứ hai, về phối hợp liên ngành, các tổ công tác xử lý vi phạm tại địa phương đều có sự tham gia của công an xã, cán bộ địa chính, xây dựng, môi trường và các đoàn thể. Nhờ cơ chế phân cấp rõ ràng trong mô hình chính quyền hai cấp, từng khâu trong quy trình kiểm tra – lập biên bản – ban hành quyết định cưỡng chế – giám sát tháo dỡ được phối hợp nhịp nhàng, không còn tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm như trước.

Tại một số điểm nóng như xã Ứng Thiên hay xã Hồng Vân, khi phát hiện dấu hiệu lấn chiếm đất công, cán bộ chuyên môn chỉ mất 24–48 giờ để xác minh hiện trạng, lập biên bản và trình lãnh đạo xã ra quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu tự tháo dỡ hoặc cưỡng chế nếu chủ đầu tư không hợp tác.

Đặc biệt, các lực lượng công an vào cuộc ngày càng mạnh mẽ, không chỉ tham gia hỗ trợ cưỡng chế mà còn điều tra, xử lý hình sự với các hành vi cố tình vi phạm, tái phạm hoặc có dấu hiệu "bảo kê". Cơ chế phối hợp hiện nay đã giúp địa phương "phản ứng nhanh hơn, xử lý dứt điểm hơn, và quan trọng là người dân nhìn thấy rõ sự thay đổi trong hành vi của chính quyền cấp cơ sở".

Không dừng lại ở đó, Hà Nội còn lên kế hoạch triển khai hệ thống giám sát bằng công nghệ số, bao gồm việc áp dụng camera giám sát tại khu vực đất nông nghiệp dễ bị lấn chiếm, tích hợp bản đồ địa chính số theo thời gian thực, tạo nền tảng cho việc giám sát không gian xây dựng toàn thành phố một cách trực tuyến và tức thời.

Trong dài hạn, việc công khai quy hoạch, kết nối dữ liệu giữa Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND các quận, huyện và phường, xã sẽ trở thành điều kiện bắt buộc, không chỉ để phục vụ giám sát mà còn góp phần minh bạch hóa thông tin thị trường bất động sản, hạn chế khiếu kiện và tiêu cực phát sinh từ sự thiếu rõ ràng.

Tổng thể, nhờ kết hợp đồng bộ giữa giám sát cộng đồng, công khai minh bạch và cơ chế phối hợp liên ngành rõ ràng, công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại Hà Nội sau ngày 1/7/2025 không chỉ dừng lại ở việc "dập lửa" các điểm nóng, mà đang chuyển dần sang thế chủ động, phòng ngừa từ gốc và thiết lập một nền tảng quản trị đô thị bền vững hơn.

TS. Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản nhận định, việc Hà Nội triển khai đồng bộ mô hình chính quyền hai cấp là bước đi tất yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, mô hình này sẽ phát huy hiệu quả sức mạnh khi đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, đủ năng lực và đặc biệt là không dung túng cho sai phạm. Việc xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm là thông điệp rõ ràng cho sự thay đổi mang tính hệ thống.

Bước ngoặt trong cách thức quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại cơ sở

Việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp tại TP. Hà Nội từ ngày 1/7/2025 không chỉ mang tính hành chính – tổ chức đơn thuần mà thực sự là một bước ngoặt trong cách thức quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại cơ sở. Từ mô hình này, hàng loạt chuyển biến tích cực đã diễn ra đồng loạt ở nhiều xã, phường – từ việc xử lý hàng chục công trình vi phạm chỉ trong vài ngày, cho đến việc chủ động ngăn ngừa sai phạm thông qua tuyên truyền, giám sát và ứng dụng công nghệ.

Thành công bước đầu có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ thành phố, sự phân cấp rõ ràng về thẩm quyền, quy trình và trách nhiệm, cùng với sự chủ động, linh hoạt của chính quyền cấp xã, phường – những đơn vị trực tiếp va chạm với thực tiễn phức tạp tại cơ sở. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của người dân, báo chí và các tổ chức xã hội chính là "lực đẩy mềm" quan trọng giúp mô hình quản lý mới nhanh chóng đi vào chiều sâu.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, vẫn còn không ít thách thức phía trước: Từ những vi phạm tồn đọng kéo dài chưa thể xử lý dứt điểm, đến tâm lý e dè trong một bộ phận cán bộ khi thực thi nhiệm vụ. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình chính quyền hai cấp, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần chú trọng hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, bảo đảm họ không chỉ nắm vững pháp luật mà còn có đủ bản lĩnh và kỹ năng ứng xử với các tình huống phức tạp về đất đai, xây dựng.

Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, cập nhật hướng dẫn cụ thể hóa các quy định mới phù hợp với thực tiễn quản lý tại địa phương; Mở rộng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là bản đồ số, camera giám sát và dữ liệu liên thông về đất đai, quy hoạch để tăng tính minh bạch và hiệu quả giám sát.

Duy trì kỷ cương trong xử lý vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân – tổ chức cố tình bao che, làm ngơ trước sai phạm, bảo đảm nguyên tắc "không có vùng cấm"…

Mô hình chính quyền hai cấp mới chỉ bắt đầu, nhưng nếu được triển khai bài bản, đồng bộ và quyết liệt như hiện nay, Hà Nội hoàn toàn có thể hướng tới một hệ thống quản trị đất đai, trật tự xây dựng hiện đại, minh bạch, hiệu quả, góp phần xây dựng một đô thị phát triển bền vững, văn minh, đáng sống trong tương lai gần.

Thùy Chi

Top