Chính sách tài chính-ngân sách đặc thù có tác động tích cực tới phát triển Thủ đô

30/06/2022 4:35 PM

(Chinhphu.vn) - Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội trong 2 năm qua đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Chính sách tài chính-ngân sách đặc thù có tác động tích cực tới phát triển Thủ đô - Ảnh 1.

Cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế-xã hội

Theo UBND TP. Hà Nội, trong khi chờ tổng kết để sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đã tạo khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách cho Thủ đô khác so với một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội.

Qua 2 năm tổ chức thực hiện, dưới sự giám sát, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành và TP. Hà Nội, cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng.

Về việc nghiên cứu, xây dựng Đề án ban hành các loại phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố mà chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí (trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách Trung ương hưởng 100%), Thành phố đã xây dựng các bước triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án này.

Cụ thể, triển khai rà soát các khoản phí đang triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố để nghiên cứu, đề xuất danh mục các loại phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố mà chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí (trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách Trung ương hưởng 100%).

Bên cạnh đó, xây dựng các Đề án ban hành một số loại phí mới hoặc điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của địa phương trình HĐND Thành phố.

Thực hiện lấy ý kiến các chuyên gia, đánh giá tác động xã hội và lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành cơ chế; đảm bảo tính khoa học, phát huy trí tuệ tập thể, công khai, minh bạch.

Đối với Đề án "Sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh phục vụ du khách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm" của UBND quận Hoàn Kiếm, UBND Thành phố đã giao UBND quận Hoàn Kiếm rà soát, báo cáo Đề án thí điểm sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh tại một số tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm làm cơ sở đề xuất cơ chế theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 và dự kiến trình HĐND Thành phố tại kỳ họp cuối năm 2022.

Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường" của Sở Giao thông vận tải, Tập thể UBND Thành phố đã tổ chức họp và cho ý kiến lần 1 vào tháng 11/2020 và lần 2 vào tháng 10/2021. Hiện nay, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện Đề án và trình HĐND Thành phố vào thời điểm phù hợp.

Cụ thể hoá các cơ chế, chính sách theo yêu cầu thực tiễn

Theo UBND TP. Hà Nội, các cơ chế, chính sách này đã giúp Thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có như nguồn cải cách tiền lương còn dư; nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn... để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và kịp thời giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông.

Cơ chế cho phép sử dụng ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước".

Ngoài ra, một số quận có điều kiện về nguồn lực ngân sách và cơ sở hạ tầng đã cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu đã thực hiện hỗ trợ kinh phí cho một số huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Việc này đã góp phần chia sẻ khó khăn và tăng cường sự đoàn kết, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, đồng thời cũng góp phần giảm áp lực cho ngân sách cấp Thành phố.

Để tiếp tục thí điểm hiệu quả một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù của Quốc hội, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Nghị quyết số 115/2020/QH14.

Triển khai nghiên cứu, cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Nghị quyết thông qua việc xây dựng các kế hoạch cụ thể, có lộ trình thích hợp và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, trọng tâm là phân công rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo định kỳ tình hình thực hiện.

Ngoài ra, tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù mới để phù hợp với những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước hiện nay và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua; đảm bảo thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ lớn, trọng tâm khác của Thành phố.

Thành phố tiếp tục tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng các Đề án phí đang trong quá trình đề xuất và xây dựng các Đề án phí mới để trình HĐND Thành phố thông qua làm cơ sở để triển khai trong thực tiễn góp phần phát huy hiệu quả của chính sách.

Gia Huy

Top