Chỉnh trang hồ Thiền Quang hiệu quả và tiện ích cho người dân
(Chinhphu.vn) - Đồ án thiết kế đô thị xung quanh khu vực hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng) tỉ lệ 1/500 đang thu hút nhiều chuyên gia quy hoạch - kiến trúc và người dân đóng góp ý kiến để mang lại hiệu quả thiết thực với sự phát triển của địa phương và tiện ích cho người dân.
Cần lấy người dân làm trung tâm
Cho ý kiến về đồ án thiết kế đô thị xung quanh khu vực hồ Thiền Quang, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức tái khởi động việc lập thiết kế đô thị xung quanh khu vực là cần thiết. Trong quá trình triển khai cần lưu ý đến tính đặc thù của khu vực này, bởi đây là khu vực có dấu ấn của các công trình di tích văn hóa trong nhiều giai đoạn lịch sử. Điển hình là các ngôi chùa từ lâu đời, công trình Nhà văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội thuộc giai đoạn sau hòa bình lập lại…
Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực liên kết với Công viên Thống Nhất, biểu tượng thể hiện mong muốn của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng về thống nhất ba miền Bắc - Trung - Nam và cũng là nơi Bác Hồ trồng cây xanh đầu tiên phát động "Tết trồng cây".
Gần đây nhất, trong khu vực này đã xây dựng cụm tượng đài tôn vinh lực lượng Công an nhân dân. Trong khu vực cũng tập trung một số khu dân cư cần được quan tâm đặc biệt để đảm bảo an ninh chính trị. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, với những đặc thù như vậy, khi lập đồ án, quận Hai Bà Trưng cần hết sức lưu tâm để lúc đưa vào khai thác sử dụng có thể đạt được đa mục tiêu chứ không chỉ nhằm tạo không gian vui chơi, giải trí. Đặc biệt, cần lấy người dân làm trung tâm trong khai thác sử dụng và cần quan tâm đến ý kiến người dân sống trong khu vực, coi đó là yếu tố cơ bản, quyết định phương án thiết kế.
Trong khi đó, KTS Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, đồ án đã được thực hiện bài bản và có chất lượng tốt trên cơ sở nhận diện rõ các tồn tại như thiếu tính kết nối về không gian và tính nhận diện đóng góp có hiệu quả cho bản sắc tổng thể đô thị chung.
Theo KTS Phạm Hoàng Phương, sự xuống cấp về không gian và trang thiết bị đô thị dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu dân sinh. Do đó, hệ thống các giải pháp từ cấp độ tổng thể đến chi tiết trong đồ án đã cơ bản được giải quyết đồng bộ và hiệu quả. Tuy nhiên, theo các tiêu chí mục tiêu phát triển đô thị chung của thành phố đã đề ra cho giai đoạn phát triển tới, một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu.
Đặc biệt, về kiến trúc, cảnh quan, để tạo dựng bản sắc kiến trúc, do không gian hồ Thiền Quang nằm gần kề với khu vực phố cũ (mặt phố Quang Trung và Nguyễn Du) với nhiều đặc điểm công trình biệt thự cũ rất đặc trưng, nhiều hình ảnh đã đi vào thơ ca nên các nội dung thiết kế đô thị cần kế thừa và phát huy có chọn lọc bản sắc kiến trúc này đối với các hạng mục công trình xây dựng, đặc biệt đối với các công trình có quy mô lớn.
Tăng không gian xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
Theo phương án thiết kế đang được đưa ra lấy ý kiến, sẽ có 5 quảng trường tại khu vực chỉ rộng 5ha. Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại việc này sẽ khiến cảnh quan hồ Thiền Quang bị chia nhỏ, không có điểm nhấn. Bên cạnh đó, không gian xanh cũng có nguy cơ bị biến mất, thay vào đó là tình trạng bê tông hóa quanh hồ.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề này, bởi nếu trong một không gian không lớn thì cần xác định trọng tâm, không nên phân tán với nhiều quảng trường. Đồ án nên quan tâm đến trục trung tâm liên kết với khu vực Công viên Thống Nhất; có giải pháp khai thác hiệu quả mặt nước hồ Thiền Quang; chú trọng đến thiết kế chiếu sáng để liên kết được các di tích văn hóa với nhau.
Đặc biệt, cần có giải pháp liên kết với giao thông xung quanh khu vực, nhất là giao thông công cộng như bãi đỗ xe phục vụ phố đi bộ, phân luồng các tuyến buýt…
Đồng quan điểm với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, việc chỉnh trang lại hồ Thiền Quang là cơ hội tốt để thành phố Hà Nội cũng như quận Hai Bà Trưng cải tạo những công trình xuống cấp, cảnh quan thiếu điểm nhấn và không gian thiếu tính kết nối tại khu vực. Tuy nhiên, đồ án thiết kế không gian đô thị quanh hồ Thiền Quang còn nhiều chi tiết cần lưu tâm bởi chưa xứng tầm trung tâm văn hóa - xã hội. Bởi đây là không gian xanh có giá trị rất lớn, việc cải tạo không gian hồ cần hạn chế xây dựng các công trình mà phải tăng cường vườn hoa, cây xanh để nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Vì thế, đồ án nên coi cả khu vực hồ Thiền Quang là một quảng trường lớn, không nên chia nhỏ thành nhiều quảng trường và hạn chế xây dựng công trình bê tông, cốt thép xung quanh hồ.
Ngoài ra, do được bao quanh bởi các trục đường có giao thông cơ giới thường xuyên đi lại với mật độ cao nên phương án thiết kế cần xác định rõ một số loại hình lễ hội, hoạt động văn hoá cộng đồng sẽ được tổ chức định kỳ, xây dựng rõ các kịch bản đóng/mở một phần hay toàn bộ các tuyến giao thông.
Để gia tăng chất lượng tiện nghi sử dụng, cần nghiên cứu làm rõ và bổ sung hệ thống không gian bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, hướng tới phục vụ tổng thể chung. Điều này sẽ giúp hạn chế đối đa các tồn tại mà nhiều không gian đô thị đã gặp phải thời gian qua.
Ngoài ra, để thúc đẩy "kinh tế đêm" của khu vực, đồ án cần làm rõ thêm các nội dung kết nối, tổ chức tuyến tham quan, công trình dịch vụ quy mô vừa và nhỏ (nếu có) để phục vụ liên thông và tiện nghi cho người dân. Các nội dung về thiết kế chiếu sáng bao gồm hệ thống chiếu sáng chung cần bảo đảm tiện nghi, an ninh, an toàn cho người sử dụng về đêm, cũng như chú trọng đến chiếu sáng trang trí tại các vị trí điểm nhấn liên kết với hệ thống quảng trường cũng cần được lưu ý.
Đồ án giúp cải thiện môi trường sinh thái, gắn kết không gian
Là người dân sống ở gần hồ Thiền Quang, ông Nguyễn Trọng Huy, trú tại số 154 phố Huế, tổ dân phố 1, phường Nguyễn Du cho rằng, Hà Nội có mật độ dân cư lớn, diện tích đất công cộng hạn chế, nên cần có những quảng trường nhỏ, không gian xanh, không gian công cộng cho người dân nghỉ ngơi, thưởng thức văn hóa, biểu diễn… góp phần tái sản xuất sức lao động. Vì vậy, ông cùng nhiều người dân trong khu vực rất ủng hộ Đồ án này.
Theo ông Nguyễn Trọng Huy, đồ án giúp cải thiện môi trường sinh thái quanh hồ tốt hơn, giúp các không gian công cộng tại đây hấp dẫn hơn, mà vẫn cơ bản giữ được số lượng cây bóng mát và tỉ lệ mặt nước hiện có, hòa hợp với môi trường xung quanh, có tính thẩm mỹ, đồng thời gắn kết với không gian thoáng và đẹp của Công viên Thống Nhất.
Cho ý kiến về Đồ án thiết kế đô thị xung quanh khu vực hồ Thiền Quang, bà Nguyễn Tuyết Oanh, trú tại số 17 phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du cũng băn khoăn khi khu vực này đã được chỉnh trang nhiều rồi nhưng vẫn chưa thực sự sạch đẹp, nhất là khi lượng người đến sinh hoạt cộng đồng rất lớn, nên rất cần giải quyết về nơi trông giữ xe và nhà vệ sinh công cộng. Trong đó, cần công khai cụ thể số nhà vệ sinh sẽ đặt quanh hồ, sao cho hòa hợp không gian xung quanh.
Chia sẻ quan điểm, ông Vũ Hy Chương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Du (trú tại tổ dân phố 9 phường Nguyễn Du) cho hay, nhà ông ở phố Nguyễn Thượng Hiền, sát khu vực hồ Thiền Quang. Từ nhiều năm nay, một số hạng mục công trình quanh hồ đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nhưng đúng là chưa phát huy được hiệu quả thấy rõ. Song với Đồ án lần này, việc đầu tư chỉnh trang khu vực quanh hồ Thiền Quang khá đồng bộ, rất đáng hoan nghênh, với nhiều điều hấp dẫn, tạo ra một nơi lý thú cho Nhân dân khu vực và du khách đến nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
Theo ông Vũ Hy Chương, việc chuyển các hàng quán vào sát Công viên sẽ giúp không còn gây ảnh hưởng đến đường giao thông; kết hợp với khu vực này là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ cũng là ý tưởng hay.
Bên cạnh đó, 4 góc hồ chia ra 4 quảng trường theo đặc thù 4 mùa là một ý tưởng rất sáng tạo, tuy nhiên, với mỗi quảng trường nên chọn 1 loại cây đặc trưng của mỗi mùa để trồng, chẳng hạn quảng trường Mùa Hạ nên trồng cây hoa phượng…
Đồng thời, với những bảng điện tử đang hoạt động ở khu vực, nên bổ sung các nội dung có tính tuyên truyền giáo dục như: Thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, trật tự giao thông đô thị, giáo dục trong nhà trường cho trẻ em…
Với khu vực Cung Văn hóa học sinh, sinh viên (góc phố Trần Bình Trọng-Trần Nhân Tông), việc chỉnh trang không nên xây nhiều hạng mục, cần ở mức độ vừa phải, vì đây là khu đất nhô ra hồ nên không chịu được trọng tải quá lớn.
Ngoài ra, ông Vũ Hy Chương kiến nghị bố trí một trụ nước tại khu trung tâm để lấy nước uống công cộng, phục vụ lượng lớn người dân và du khách khi đến tham quan, giải trí.
Thùy Chi