Chủ tịch TP. Hà Nội kiểm tra, đốc thúc tiến độ các công trình giao thông trọng điểm

07/09/2022 3:01 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 9/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra một số công trình dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn và chủ trì làm việc với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội.

Chủ tịch TP. Hà Nội kiểm tra, đốc thúc tiến độ các công trình giao thông trọng điểm - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Đoàn công tác thực địa kiểm tra dự án. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trực tiếp kiểm tra hiện trường, tiến độ thi công 2 dự án Xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và dự án Xây dựng nút giao đường Lê Văn Lương - Vành đai 3, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu, Ban QLDA Giao thông chỉ đạo các nhà thầu liên quan quyết tâm thông xe dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành Đai 3 vào ngày 10/10 tới đây để bảo đảm giảm ùn tắc giao thông. Còn với dự án cầu Vĩnh Tuy 2 thì sẽ cố gắng thông xe vào dịp 2/9/2023.

Chủ tịch UBND thành phố  Hà Nội cũng yêu cầu Ban QLDA nghiên cứu tổ chức lại giao thông một số nút giao, hầm chui khi đưa các công trình này vào sử dụng. Bởi nếu không sẽ xảy ra tình trạng, giảm ùn tắc ở nút này thì lại phát sinh tại nút khác. Cùng với đó, phải nghiên cứu các phương án tổng thể như hạ tầng, sơn kẻ vạch, đèn tín hiệu giao thông kết hợp tổ chức, phân luồng giao thông cho phù hợp.

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ 

Theo báo cáo của Ban QLDA, hện Ban đang triển khai thực hiện khoảng 60 dự án đầu tư công (chưa bao gồm khoảng 70 dự án đang triển khai công tác bàn giao, quyết toán) và 09 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hiện có 04 dự án đang triển khai thực hiện), với số vốn được giao là 1.900,48 tỷ đồng (Vốn trong nước: 1.727,572 tỷ đồng; vốn ODA: 162,908 tỷ đồng). 

Trong nhiệm vụ được giao triển khai có dự án quan trọng trọng điểm quốc gia như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; 03 dự án trọng điểm, nhóm A giai đoạn 2021-2025 (Cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; Đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường VĐ3); 04 dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 (Hầm chui Lê Văn Lương - VĐ3; Hầm chui tại nút đường VĐ2,5 với đường Giải Phóng nút giao An Dương, đường Thanh niên giai đoạn 2; Cầu vượt tại nút Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch). Đến tháng 8/2022 Ban QLDA đã giải ngân kế hoạch vốn 2022 là 883,2/1.900,48 tỷ đồng, đạt 46,5%; giải ngân kế hoạch vốn 2021 kéo dài là 31/63,3 tỷ đồng, đạt 48,9%.

Chủ tịch TP. Hà Nội kiểm tra, đốc thúc tiến độ các công trình giao thông trọng điểm - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu, Ban QLDA Giao thông chỉ đạo các nhà thầu liên quan quyết tâm thông xe dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành Đai 3 vào ngày 10/10 tới đây để giảm ùn tắc giao thông. Còn với dự án cầu Vĩnh Tuy 2 thì sẽ cố gắng thông xe vào dịp 2/9/2023. Ảnh: VGP/Minh Anh

Về công tác quản lý thực hiện dự án trong 8 tháng đầu năm 2022, đối với các dự án lập chủ trương đầu tư, trong tháng 3/2022, Ban QLDA đã hoàn thành phê duyệt Báo cáo kỹ thuật: Dự án cải tạo, nâng cấp QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai; Đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường VĐ3; Hầm chui tại nút VĐ2,5 - đường Giải Phóng. 

Đối với một số dự án còn lại, năm 2021, Ban QLDA được giao lập chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thượng Cát, đến tháng 2/2022 được giao tiếp triển khai dự án xây dựng tuyến đường Mỹ Đình- Bái Đính- Bao Sao; tháng 7/2022 Thành phố tiếp tục giao nhiệm vụ cho Ban phối hợp với Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị đầu tư 04 dự án trọng điểm, nhóm A là: Cầu Vân Phúc; Đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển; Đường VĐ3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL32; QL21 đoạn Sơn Tây - Láng Hòa Lạc - Xuân Mai.

Đối với các dự án trọng điểm, quan trọng, Dự án trọng điểm quốc gia Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô hiện đã triển khai cắm mốc giới xong trên các đoạn tuyến đã có chỉ giới đường đỏ (36/43,7km), phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác cắm mốc, bàn giao cho các Quận/Huyện trong tháng 9/2022; đang triển khai hoàn thiện các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần; dự kiến dự án khởi công vào tháng 6/2023 theo chỉ đạo của nghị quyết 56/2022/QH15 của Quốc hội. 

Đối với các dự án trọng điểm nhóm A, giai đoạn 2021-2025: Dự án cải tạo, nâng cấp QL6, đoạn Ba La - Xuân Mai đang thẩm định thiết kế kỹ thuật – dự toán, đồng thời triển khai các công việc khác đảm bảo đủ điều kiện khởi công vào tháng 11/2022; đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường VĐ3 đang triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện Gói Khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, đồng thời triển khai song song các nội dung công tác khác và khởi công dự án vào đầu quý II/2023; còn Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 sẽ hoàn thành đúng tiến độ dự kiến vào tháng 6/2023.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (Ban QLDA) Nguyễn Chí Cường cho biết, với những dự án trong danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 nhưng triển khai trong giai đoạn 2021-2025, dự án Hầm chui tại nút VĐ2,5 - đường Giải Phóng đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị và đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác GPMB để khởi công vào dịp 10/10/2022. Ban đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành, thông xe các dự án theo kế hoạch: Hầm chui Lê Văn Lương - VĐ3 vào dịp 10/10/2022; cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch vào cuối năm 2022. Dự án Cầu vượt tại nút An Dương - đường Thanh Niên hiện Ban đang phối hợp thỏa thuận để cấp phép thi công, lên phương án phân luồng giao thông và tiếp tục triển khai thi công các hạng mục còn lại của đoạn tuyến 1,2,4 (1,4km) trong năm 2022 và riêng đoạn 3 (2,3km) sẽ hoàn thành dự án cuối năm 2023.

Với các dự án thực hiện theo hình thức đầu tư PPP, Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây hiện nay mới triển khai thi công được 19,5km/41,5km, dự án hiện gần như tạm dừng thì công do tranh chấp giữa Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án chưa được giải quyết dứt điểm. Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức Hợp đồng BT, đến nay đã triển khai thi công 6/6 gói thầu xây lắp, trong đó có 4 gói thầu đã hoàn thành và 2 gói thầu đang triển khai thi công, việc thực hiện dự án cơ bản đáp ứng tiến độ được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt; dự án sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến năm 2022, hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sự dụng trong năm 2023. Dự án xây dựng đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Cầu Văn An, huyện Thanh Trì và Dự án đường vành đai 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A), quận Hoàng Mai đã ký hợp đồng đang triển khai thi công. 

Hiện nay còn 04 dự án BT chưa triển khai: 02 dự án BT đã ký hợp đồng, chưa khởi công (Dự án xây dựng 05 tuyến đường giao thông đối nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên) và 02 dự án BT đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo hình thức BT, chưa ký hợp đồng dự án (Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đến VĐ3; Tuyến đường từ đê Sông Hồng đến khu đô thị mới C2-Game Gardens).

Chủ tịch TP. Hà Nội kiểm tra, đốc thúc tiến độ các công trình giao thông trọng điểm - Ảnh 3.

Triển khai các dự án, Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu công tác giao, chỉ đinh thầu phải đảm bảo triển khai sớm, theo đúng quy định pháp luật. Ảnh: VGP/Minh Anh

Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm 2022, Ban QLDA đã hoàn thành thông xe 03 công trình, bao gồm: Cầu cho xe máy thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường VĐ3 đi thấp qua hồ Linh Đàm; Cầu Bến Cốc; Cầu cho người đi bộ trên đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Để tạo điều kiện cho Ban triển khai hoàn thành nhiệm vụ trọng năm 2022 và các năm tiếp theo, tại buổi làm việc, Ban QLDA đã đã đề xuất, kiến nghị với UBND Thành phố và các Sở, ngành về một số cơ chế, chính sách, cũng như việc phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm... 

Trước những đề xuất kiến nghị của đơn vị, đại diện các Sở, ngành chuyên môn và trực tiếp Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Quốc Tuấn đã trao đổi và giải đáp với chủ đầu tư về những vướng mắc trong quá trình triển khai thi công, các công trình giao thông trên địa bàn.

Phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư

Đánh giá về việc triển khai các dự án giao thông trên địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh ghi nhận những nỗ lực của tập thể Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, trong việc triển khai các dự án được giao. 

Về khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các địa phương phải tập trung triển khai quyết liệt, bảo đảm đúng quy định và sớm bàn giao cho đơn vị thi công. 

Đối với tuyến đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh đây là công trình trọng điểm của Thành phố, do vậy các địa phương có dự án đi qua phải thành lập Ban chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tập trung bảo đảm tốt công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, trong đó chú trọng vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời đảm bảo chính sách tốt nhất cho các hộ dân khi phải di dời và tăng cường công tác tuyên truyền để tạo đồng thuận trong nhân dân. Về công tác giao, chỉ đinh thầu phải đảm bảo triển khai sớm, theo đúng quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu Ban QLDA khẩn trương sắp xếp công tác tổ chức, bảo đảm đời sống vật chất cũng như tinh thần cho cán bộ, nhân viên và người lao động để họ yên tâm công tác. 

Đối với những dự án giao thông đề xuất để Thành phố đầu tư, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Ban QLDA cần có kế hoạch dài hơi và tư duy đi trước đón đầu để các dự án mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, Ban cần phối hợp với các đơn vị chức năng, rà soát lại các phương án xây dựng, quy hoạch giao thông trên tinh thần các dự án phải liên thông thành một hệ thống giao thông và kết nối được giữa các vùng, địa phương lân cận.

Minh Anh

Top