Chủ tịch TP.Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô

21/08/2024 1:58 PM

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 4279/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Chủ tịch TP.Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô- Ảnh 1.

Theo Luật Thủ đô ( Sửa đổi), Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Ảnh: VGP

Theo đó, Tổ công tác gồm 46 thành viên, trong đó: Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh là Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn là Tổ phó Thường trực.

Các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền, Vũ Thu Hà là Tổ phó. Ngoài ra, Tổ công tác mời các đồng chí: Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đại diện Thường trực HĐND thành phố; Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố làm Tổ phó…

Tổ giúp việc của Tổ công tác có 41 thành viên, trong đó đồng chí Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp là Tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trong công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô; phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan của Trung ương về thi hành Luật Thủ đô; điều phối, gắn kết việc triển khai thi hành Luật Thủ đô với việc triển khai thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô.

Tổ giúp việc của Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.

Thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng. Trong trường hợp cần thiết, Tổ trưởng Tổ công tác mời các chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn các công việc cụ thể.

Thành viên Tổ công tác, Tổ trưởng, Tổ phó giúp việc được sử dụng con dấu của đơn vị mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác, Tổ giúp việc.

Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô

UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND tổ chức phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Phong trào thi đua được tổ chức nhằm tạo khí thế sôi nổi, thu hút sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở và các đơn vị có liên quan; thúc đẩy các mô hình sáng kiến, sáng tạo trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định.

Đối tượng thi đua bao gồm: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở và các đơn vị, tổ chức có liên quan (tập thể); cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân có tham gia các hoạt động triển khai thi hành Luật Thủ đô (cá nhân).

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thi đua thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô (tham mưu phối hợp xây dựng văn bản của Trung ương, văn bản của thành phố quy định chi tiết Luật Thủ đô, văn bản của thành phố được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô).

Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Luật Thủ đô (xây dựng chương trình, đề án, văn bản cá biệt để thực hiện quy định giao trong Luật Thủ đô; các nhiệm vụ khác được giao trong Luật và kế hoạch, chỉ đạo của thành phố). Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật. Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ việc triển khai thi hành Luật Thủ đô theo kế hoạch của thành phố. Tổ chức, thực hiện các hoạt động theo dõi thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Thời gian thực hiện thi đua tính từ ngày ban hành Kế hoạch thi đua cho đến hết tháng 8/2025 (riêng nội dung tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Thủ đô, thời gian thực hiện theo kế hoạch của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật hằng năm của thành phố Hà Nội).

Chủ tịch TP.Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô- Ảnh 2.

Luật Thủ đô có nhiều điểm mới tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: VGP

Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội đã thông qua sáng 28/6, với 462/470 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm 95,06% tổng số đại biểu). Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mới, mang tính đột phá. Theo đó, Luật Thủ đô quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Chủ tịch TP.Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô- Ảnh 3.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 28/6/2024.Ảnh: ( ĐCSVN)

Tạo cơ sở cho việc thực hiện chủ trương xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với nhiều chính sách cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Luật cũng đã cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật cũng quy định các chính sách về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Đối với biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh..

Minh Anh

Top