Chú trọng giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

27/04/2022 10:54 AM

(Chinhphu.vn) - Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng cuộc sống, tại Hà Nội, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm luôn được các sở, ban, ngành quan tâm, chú trọng.

Chú trọng giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm  - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng thu giữ lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc

Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm "bẩn"

Thời gian này, khi đời sống xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hàng quán, trường học được phép mở cửa trở lại cũng là cơ hội cho các đối tượng gian thương tìm cách trục lợi, bất chấp việc ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Ngày 5/3, Công an TP. Hà Nội cho biết, Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường vừa phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra kho thực phẩm tại bãi Thanh Giang Ngoài, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội, do bà H.T.B. (sinh năm 1965) ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội, làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho đông lạnh của cơ sở kinh doanh thực phẩm này chứa khoảng gần 10 tấn sụn gà, chân gà, dạ dày động vật… được ép bánh, đóng trong các bao tải dứa.

Khi mở các bao tải ra, nhiều sản phẩm đã bị mốc, bốc mùi hôi. Làm việc với lực lượng chức năng, bà H.T.B. không xuất trình được hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng trên.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hoá có dấu hiệu vi phạm tại kho đông lạnh của bà B. để tiếp tục xác minh và củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 10/2, lực lượng cảnh sát môi trường phối hợp với đội quản lý thị trường tại Hà Nội thu giữ 5 tấn thực phẩm như nầm lợn, trứng non, lườn vịt, nội tạng động vật được vận chuyển từ tỉnh Lào Cai đến Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều loại thực phẩm như trứng non, lườn vịt, nội tạng động vật do nước ngoài sản xuất được bảo quản trong hàng trăm thùng carton đang có dấu hiệu bị hư hỏng, ẩm mốc. Bao bì các sản phẩm đều in chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt cùng hạn sử dụng rõ ràng.

Lái xe tải là Nguyễn Văn Minh, SN 1987, trú tại tỉnh Lào Cai, khai được chủ hàng là Nguyễn Văn Mạnh, trú tại tỉnh Hà Nam thuê vận chuyển lô hàng này từ Lào Cai về Hà Nội. Làm việc với cơ quan chức năng, Mạnh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc số thực phẩm trên.

Đồng thời, Mạnh khai nhận, số hàng này được Mạnh thu mua trôi nổi tại biên giới, với giá khoảng 100.000 đồng/kg, định đem về Hà Nội tiêu thụ, bán kiếm lời tại các khu vực chợ, cửa hàng ăn uống thì bị phát hiện, thu giữ. Hiện toàn bộ số thực phẩm đã bị tịch thu, tiêu hủy…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn.

Cụ thể, Thành phố đã tổ chức 367 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 457 hội nghị, hội thảo về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức gần 2.000 đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm với hơn 68.500 lượt cơ sở.

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện gần 12.600 lượt cơ sở vi phạm, đã xử phạt hơn 6.500 cơ sở vi phạm với số tiền phạt gần 28 tỷ đồng, khởi tố hình sự 7 vụ mua bán hàng giả là lương thực thực phẩm, tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm hàng vi phạm chất lượng trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Cùng với đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng và triển khai các Đề án, mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố như: Đề án "Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2025", Đề án "Quản kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2025", Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2025"; mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm; triển khai tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát; duy trì phát triển "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thành phố Hà Nội"; mô hình thí điểm chuỗi sản xuất rau, quả, chè an toàn...

Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn chính sách pháp luật, kiến thức thực hành sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm…

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên khẳng định, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường vận động nhân dân tham gia giám sát, phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn để kịp thời xử lý theo quy định; 

Chủ động làm tốt việc quản lý địa bàn, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm...

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân khi sử dụng thực phẩm đông lạnh nên mua tại các siêu thị, cơ sở phân phối uy tín, kiểm tra thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn dùng được in trên bao bì..., tránh việc sử dụng hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Thùy Linh

Top