Chú trọng phát triển thị trường văn phòng xanh để đáp ứng ‘cơn khát’ nguồn cung
(Chinhphu.vn) - Từ nay đến 2025, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ tiếp nhận thêm khoảng 68.400m2 không gian văn phòng xanh bổ sung vào nguồn cung hiện hữu. Đây chính là bước dịch chuyển mạnh mẽ và tích cực để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của thị trường bất động sản tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong tương lai.
"Cơn khát" thị trường văn phòng xanh sẽ gia tăng
Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng "0". Để hiện thực hóa cam kết này, nhiều chính sách đã được triển khai nhằm rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu. Từ đó đến nay, tại Việt Nam, theo ghi nhận của Báo cáo Tổng quan thị trường của Savills, đã có 85% công ty thuộc nhóm Doanh nghiệp phát triển nhanh nhất tại Việt Nam đã và đang tham gia cam kết về ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Đặc biệt, các công ty FDI và doanh nghiệp tư nhân/gia đình đang đi đầu trong việc thực hiện ESG, cho thấy tinh thần trách nhiệm ngày càng cao của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng thời thúc đẩy nhu cầu tăng vọt đối với văn phòng đáp ứng tiêu chuẩn Xanh.
Nhận định về sự cần thiết đối với các dự án xanh, ông Mark Ridley, Tổng Giám đốc Tập đoàn Savills đánh giá, tại Việt Nam văn phòng xanh đang được ưa chuộng, là lựa chọn tối ưu của các khách hàng. Đặc biệt, một số tòa nhà văn phòng tốt nhất tại Hà Nội và TPHCM đáp ứng các tiêu chí Xanh đều được đánh giá ở thứ hạng cao hơn các tòa nhà cũ. Đa số khách thuê là các doanh nghiệp quốc tế tới hoạt động tại Việt Nam, còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam họ cũng đều phải tuân thủ một số quy định về đáp ứng các mục tiêu về ESG và phát thải ròng, đơn cử như việc phải có báo cáo ESG thường niên. Vì vậy, nhu cầu đối với các bất động sản văn phòng sẽ hướng đến việc các tòa nhà có thể hỗ trợ họ đạt được những yêu cầu về môi trường. Việc lựa chọn tòa nhà không có các tính năng tối ưu năng lượng và giảm khí thải carbon thậm chí sẽ trở nên tốn kém hơn vì phụ phí phát thải CO2 của doanh nghiệp sẽ cao hơn.
Ông Mark Ridley nhấn mạnh, khi việc tuân thủ ESG đối với các doanh nghiệp ngày càng được giám sát và thực hiện chặt chẽ thì "cơn khát" thị trường văn phòng xanh sẽ gia tăng. Như vậy, khả năng khiến các tòa nhà không đạt tiêu chuẩn xanh phải đối mặt nguy cơ tăng tỉ lệ trống, không có khách hàng thuê.
Thực tế cho thấy nhu cầu đối với văn phòng xanh đang ngày một gia tăng, tuy nhiên nguồn cung văn phòng xanh tại thị trường Hà Nội nói riêng vẫn ở mức thấp. Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2024 của Savills, đến năm 2026 thị trường văn phòng Hà Nội dự kiến sẽ có 480.723 m2 sàn từ 19 dự án. Trong đó, văn phòng hạng A sẽ chiếm 75% thị phần với 14 dự án, trong đó 60% nguồn cung hạng A sẽ đến từ khu vực phía Tây.
Các dự án nổi bật bao gồm văn phòng Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, BRG Diamond Park Plaza, Taisei Square Hà Nội và Tiến Bộ Plaza. Đáng chú ý, các dự án này đều đang được xây dựng theo tiêu chuẩn để đạt được chứng chỉ văn phòng xanh.
Bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết, trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản đang chứng kiến sự tích cực của các nhà đầu tư vào phân khúc văn phòng xanh, tập trung vào phân khúc hạng A.
Việc xây dựng toà nhà xanh là cơ hội cho chủ đầu tư. Đây là bài toán kinh doanh tiết kiệm trong dài hạn. Chi phí ban đầu sẽ nhiều hơn so với xây dựng văn phòng truyền thống, nhưng sẽ tiết kiệm chi phí vận hành trong dài hạn.
Bên cạnh đó, những đóng góp về môi trường sẽ thu hút nhiều khách thuê là các công ty đa quốc gia cũng như các khách hàng có cam kết lâu dài với chủ đầu tư, nâng cao tỉ lệ lấp đầy.
Đến năm 2025, 10% các toà nhà văn phòng sẽ là văn phòng xanh
Theo ghi nhận của Savills, năm 2020 Hà Nội mới có toà nhà đạt chứng chỉ xanh đầu tiên. Tuy nhiên đến năm 2024, số lượng này đã tăng lên nhiều, riêng trong năm 2024 sẽ có 3 toà nhà xanh ra mắt thị trường.
Bà Trịnh Huỳnh Mai cho biết, dự kiến đến 2025, 10% các toà nhà văn phòng sẽ là văn phòng xanh. Các toà nhà văn phòng xanh sẽ chủ yếu tập trung vào phân khúc hạng A.
Bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội cho biết, việc chú trọng xây dựng và phát triển các toà nhà văn phòng xanh hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ và cũng là xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản nói chung vì những giá trị lâu dài.
Theo bà Hạnh, văn phòng xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư. Bên cạnh việc giảm thiểu chi phí vận hành hằng năm, giải quyết bài toán về chi phí đầu tư dài hạn, tiết kiệm cho chủ đầu tư, toà nhà có chứng chỉ xanh sẽ dễ dàng thu hút các khách hàng là các công ty đa quốc gia cũng như các khách hàng có cam kết lâu dài với chủ đầu tư. Đáng chú ý, khi tỉ lệ lấp đầy cao và giá cho thuê tốt hơn đồng nghĩa với việc quá trình thu hồi vốn của của đầu tư sẽ được rút ngắn.
Bà Hạnh tin tưởng rằng các khách thuê sẵn sàng trả mức giá này để thuê văn phòng có chứng chỉ xanh. Bởi vì, ví dụ như đa số các nước châu Âu đều đã có cam kết về Net Zero nên các công ty của các nước này có xu hướng tìm kiếm các toà nhà thương mại, văn phòng có chứng chỉ xanh để bảo đảm các cam kết quốc tế.
Trên thực tế, báo cáo của Savills cũng ghi nhận, giá thuê văn phòng hạng A của thị trường Hà Nội trong quý 2 đạt 876.000 VND/m2/tháng, tăng 2% theo quý và theo năm. Mức giá này sẽ cao hơn khoảng 20% đối với văn phòng có chứng chỉ xanh. Vì vậy, việc đầu tư, tập trung vào các dự án xanh là việc làm rất cần thiết nhằm đáp ứng cho "cơn khát" nguồn cung văn phòng xanh tại Thủ đô Hà Nội.
Để một toà nhà văn phòng đạt được chứng chỉ toà nhà xanh, bà Trịnh Huỳnh Mai cho biết, cần chú trọng nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố cơ bản nhất liên quan đến vật liệu và chất liệu xây dựng, những thiết bị lựa chọn phải bền vững và thân thiện với môi trường. Tức là ngay từ khi bắt đầu và trong toàn bộ quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã phải thiết kế, lựa chọn kỹ lưỡng vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn để đạt chứng chỉ xanh. Việc này khiến chi phí đầu tư ban đầu sẽ cao hơn.
Tương tự, với các toà nhà đang hoạt động rồi, chủ đầu tư sẽ phải cải tạo, sửa đổi để đáp ứng được các tiêu chí xanh. Hiện nay, có nhiều loại chứng chỉ xanh như LEED, GOLD,… Do đó, tuỳ thuộc mục đích của chủ đầu tư muốn đạt được chứng chỉ nào, thì sẽ cần phải xây dựng để đáp ứng theo những tiêu chí riêng của từng loại chứng chỉ.
Theo bà Mai, mặc dù đầu tư ban đầu cho toà nhà văn phòng xanh sẽ tốn nhiều chi phí, nhưng sẽ tối ưu về chi phí vận hành trong lâu dài.
Bên cạnh việc chú trọng tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc hiệu quả và sáng tạo, Hà Nội cũng chú trọng tái thiết các không gian đô thị xanh, để hướng tới một Thủ đô xanh, sạch, đẹp và sáng tạo.
PGS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá, thời gian qua Hà Nội đã chú trọng việc phát triển các không gian công cộng, không gian xanh. Hình thái và mô hình phát triển chủ yếu tại các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã tạo nên bộ mặt đô thị hấp dẫn, tuy nhiên việc phát triển hỗn hợp (cao tầng, thấp tầng) làm mật độ xây dựng tăng cao, còn thiếu các không gian, chức năng công cộng, công viên vườn hoa.
PGS.TS Lê Quân cho biết, trong định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã nhấn mạnh rõ quan điểm phát triển không gian xanh, không gian công cộng đô thị. Cụ thể, phát triển không gian theo chiều cao trên mặt đất, hạ thấp tỉ lệ diện tích đất cho xây dựng, tăng không gian xanh, không gian công cộng, bảo vệ không gian sông hồ, cảnh quan mặt nước...
Bên cạnh đó, mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh, xây dựng đô thị đặc sắc kết hợp cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử hòa quyện với các lợi thể cảnh quan thiên nhiên có chất lượng môi trường cao...
Thùy Chi