Chung tay xử lý rác thải, bảo vệ môi trường nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Rác thải đã và đang trở thành một vấn đề nóng đối với môi trường và đời sống người dân. Nhằm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân và nhân dân thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, xử lý rác thải trong nông nghiệp, Hội Nông dân thành phố luôn xác định việc bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội.

Xử lý rác thải trong nông nghiệp giúp làm sạch và bảo vệ môi trường. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Trước thực trạng tại Việt Nam, mỗi năm, hàng triệu tấn thức ăn thừa bị bỏ đi; rác thải sinh hoạt, rác thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được thu gom, phân loại, xử lý kịp thời. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng còn tương đối phổ biến, làm ảnh hưởng đến chất lượng, sự an toàn và uy tín của sản phẩm nông nghiệp. Tình trạng nông dân đốt rơm rạ sau thu hoạch vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, thải ra một lượng lớn các chất gây ô nhiễm không khí...
Thực hiện dự án "Tuyên truyền vận động, nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào vào nỗ lực giảm phát khí thải nhà kính của cộng đồng quốc tế" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai, hàng năm, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai nhiều hoạt động, hiệu quả, thiết thực, xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường, xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, góp phần thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường, bảo đảm môi trường: Sáng - xanh – sạch - đẹp, xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh và hiện đại.
Dự án đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức các lớp tập huấn giúp nông dân áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện môi trường; hỗ trợ xây dựng hàng trăm mô hình áp dụng kỹ thuật; tổ chức các sự kiện truyền thông, thăm quan thực tế; xây dựng các tổ nhóm nông dân…
Những hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của nhiều hộ nông dân trong việc biến rác thải thành của cải, hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Phạm Hải Hoa, thời gian qua việc xử lý rác thải trong nông nghiệp đã có nhiều sáng kiến, mô hình thiết thực, hiệu quả như: Mô hình nuôi lợn, nuôi gà trên nền đệm lót sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi; mô hình thu gom, phân loại xử lý rác thải tại nguồn làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Hay mô hình cánh đồng không vỏ bao vì thuốc bảo vệ thực vật; mô hình xử lý phân và chất thải hữu cơ bằng phương pháp nuôi trùn quế và nuôi sâu can xi; mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ, mô hình cọng rơm vàng...
Đồng thời, các cấp Hội Nông dân TP. Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên nông dân tổ chức triển khai thực hiện với nhiều hình thức nội dung phong phú đa dạng. Dự án đã tổ chức tuyên truyền và tập huấn cho gần 1.000 cán bộ, hội viên nông dân đối với 5 kỹ thuật dự án; xây dựng 135 mô hình ủ lên men phụ phẩm cây trồng; 90 mô hình nuôi gà đệm lót sinh học; 126 mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng; 180 mô hình nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế tại 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm và Ba Vì. Các mô hình đã tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa đến nhiều hộ dân, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương; tạo sự đồng thuận và khí thế thi đua hăng say của cán bộ, hội viên nông dân trong công tác bảo vệ môi trường; giữ gìn Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp.
Để nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác vệ sinh môi trường đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương gắn với công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời, nhân rộng các nhân tố điển hình, cách làm hay, sáng tạo để các mô hình ngày càng phát huy hiệu quả và trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong cộng đồng dân cư và nhân dân.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Phạm Hải Hoa, các cấp Hội Nông dân Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận của cán bộ, hội viên nông dân trong công tác tham gia bảo vệ môi trường; hướng dẫn nông dân tuân thủ các nguyên tắc trong sản xuất nông nghiệp, duy trì nề nếp việc thu gom, phân loại và xử lý rác; sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; "sáng - xanh - sạch - đẹp"; "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn"; "3 sạch - nước sạch, nông nghiệp sạch, môi trường sạch"…
Sự chung tay, đồng hành của mỗi cá nhân, mỗi hội viên nông dân, mỗi tổ chức Hội Nông dân các cấp và cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia của người là yếu tố then chốt, là sức mạnh để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Thiện Tâm