Chuyển biến rõ nét từ hiệu quả sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung

04/01/2024 12:25 PM

(Chinhphu.vn) - Sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, đồng thời góp phần hình thành lên các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nâng cao giá trị canh tác trên cùng một đơn vị diện tích và mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống.

Chuyển biến rõ nét từ hiệu quả sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung- Ảnh 1.

Hiện nay Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: VGP/TT.

Theo ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội, qua 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND Thành phố về việc ban hành Danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội. Thành phố đã hình thành nhiều khu, vùng sản xuất chuyên canh tập trung trong sản xuất lúa (41.887 ha), rau (6.533 ha), cây ăn quả (10.434ha), chè (968 ha), hoa, cây cảnh(2.076 ha), cây dược liệu (213 ha) và cây thức ăn chăn nuôi (338ha); diện tích thuỷ sản tập trung đạt 9.745 ha; bên cạnh đó, Thành phố có 128 khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư.

Sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, người dân được tiếp cận với sản xuất quy mô lớn, cơ cấu giống chủ yếu là giống chất lượng cao, canh tác đã quan tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao. Đồng thời tạo điều kiện để phát triển các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, từ đó định hướng người dân sản xuất theo hướng sản xuất chủ động và bền vững, phát huy thế mạnh của các vùng, miền, nâng cao chất lượng hàng hóa và hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc sản xuất truyền thống trước đây. 

Việc hình thành các khu chăn nuôi tập trung đã giảm thiểu được vấn đề về ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; hình thành các trang trại chăn nuôi lớn từ đó thay đổi các hình thức, phương thức sản xuất trong chăn nuôi; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; hình thành các vùng nguyên liệu cho các chuỗi liên kết về chăn nuôi. Đồng thời việc hình thành vùng chuyên canh, trọng điểm, sản xuất lớn trong sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo sản xuất cũng như trao đổi kinh nghiệm sản xuất và phát triển tiêu thụ sản phẩm.

Về sản xuất lúa chuyên canh tập trung, Hà Nội đã hình thành diện tích canh tác lúa chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá đạt 41.887 ha tại 226 xã ở 15 huyện, thị xã, chiếm 45% diện tích đất trồng lúa 2 vụ của Thành phố. So với năm 2018 diện tích tăng 19.870 ha (tăng 1,9 lần), diện tích trung bình một vùng đạt từ 20 – 50 ha, các giống lúa đưa vào sản xuất chủ yếu là giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao được hình thành như: Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu, mô hình sản xuất lúa theo VietGap….; nhiều chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo đã được hình thành và duy trì bền vững như: chuỗi gạo Bối Khê (Tam Hưng-Thanh Oai), chuỗi gạo chất lượng cao Bồng Mạc (Liên Mạc – Mê Linh).

Về sản xuất rau chuyên canh tập trung, Thành phố đã hình thành diện tích canh tác rau chuyên canh tập trung đạt 6.533 ha tại 145 xã, phường của 19 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 53,3% diện tích canh tác rau và khoảng 60% sản lượng rau của Thành phố, tăng 3.664 ha so với năm 2018 (tăng 2,36 lần), diện tích trung bình các vùng từ 10 - 15 ha, có vùng đạt diện tích trên 100 ha như: Văn Đức – Gia Lâm, Tráng Việt – Mê Linh, Vân Nội – Đông Anh, Tân Minh –Thường Tín... 100% các vùng sản xuất đều ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ khoa học tiến bộ vào canh tác nên chất lượng sản phẩm rau ngày càng được nâng cao. Có nhiều chuỗi liên kết sản xuất –tiêu thụ rau đã hình thành và phát triển có hiệu quả với diện tích quy mô sản xuất lớn như: chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau do HTX Thanh niên Vân Nội - Đông Anh chủ trì với diện tích 120 ha; chuỗi sản xuất tiêu thụ rau do HTX Đông Cao - Tráng Việt -Mê Linh chủ trì với quy mô 250 ha...

Chuyển biến rõ nét từ hiệu quả sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung- Ảnh 2.

Sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung đã thay đổi thói quen canh tác truyền thông và góp phần nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất cho bà con nông dân. Ảnh: VGP/TT.

Về phát triển vùng hoa, cây cảnh, diện tích canh tác hoa, cây cảnh chuyên canh tập trung đạt 2.076 ha tại 93 xãcủa 14 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 70 % diện tích canh tác hoa, cây cảnh và khoảng 75% sản lượng hoa, cây cảnh của Thành phố, tăng 1.081 ha so với năm 2018 (tăng 2,08 lần), diện tích trung bình các vùng từ 10 - 15 ha, có một số vùng đạt diện tích trên50 ha như xã Mê Linh, Văn Khê – Mê Linh; Hạ Mỗ, Tân Hội, Tân Lập – Đan Phượng, Tàm Xá – Đông Anh, Phù Đổng – Gia Lâm… Chủng loại đưa vào sản xuất chủ yếu là hoa cắt cành như: hồng, cúc, lily, lan, loa kèn; các chủng loạicây cảnh: quất cảnh, hoa giấy…. Hình thành vùng chuyên canh sản xuất hoa,cây cảnh đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu hoa, cây cảnh của các địa phương.

Bên cạnh đó việc phát triển vùng cây ăn quả giá trị kinh tế cao của Thành phố cũng đạt hiệu quả, trong đó diện tích sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao là 10.434 ha tại 234 xã, phườngcủa 20 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 52,5% diện tích sản xuất cây ăn quả của Thành phố, tăng 6.159 ha so với năm 2018 (tăng 2,4 lần), diện tích trung bình một vùng đạt từ 10-15 ha, có một số vùng có diện tích trên 50 ha như: Vùng trồng bưởi, vùng trồng ổi, vùng trồng nhãn tại Phúc Thọ, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Trì, Thường Tín… Cơ cấu cây ăn quả khá đa dạng gồm các chủng loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: Táo, ổi, cây có múi (bưởi, cam, quýt), nhãn, thanh long, mít... Một số diện tích sản xuất cây ăn quả áp dụng các biện pháp canh tác theo VietGap, hữu cơ… cho sản phẩm đạt chất lượng cao. Đã hình thành và phát triển được các chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ có hiệu quả như: Chuỗi sản xuất và tiêu thụ chuối tại xã Thuần Mỹ - Ba Vì, chuỗi sản xuất và kinh doanh bưởi an toàn Quế Dương tại Cát Quế -Hoài Đức…

Ngoài ra, đã bước đầu hình thành vùng trồng cây dược liệu và vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trâu, bò chuyên canh, trong đó diện tích canh tác dược liệu chuyên canh tập trung có 213 ha tại 45 xã trên địa bàn 10 huyện, chiếm khoảng 87,3% diện tích canh tác dược liệu của Thànhphố. Có một số vùng đạt diện tích trên 30 ha như vùng trồng cà gai leo tại Mỹ Đức. Các chủng loại dược liệu được trồng phong phú và đa dạng, bao gồm: Cà gaileo, kim ngân hoa, đinh lăng, khôi tía, kỳ tử, chi tử, chè hoa vàng.

Về phát triển vùng thủy sản tập trung đạt 9.828 ha tại 141 xã của 15 huyện, thị xã, chiếm 41% diện tích nuôi trồng thuỷ sản của Thành phố.

Tại các vùng sản xuất thủy sản người dân đã chủ động áp dụng phương pháp thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi thủy sản như: Sử dụng các thiết bị làm giàu ô xy, sử dụng con giống chất lượng cao, công nghệ "sông trong ao"…đem lại hiệu quả năng suất cao. Nhiều vùng nuôi thủy sản đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và đã hình thành được một số chuỗi sản xuất – tiêu thụ trong nuôi trồng thủy sản.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong việc hình thành và phát triển các khu, vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, theo ông Hà Tiến Nghi, việc triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như do đô thị hoá, công nghiệp hoá một số vùng có tên trong danh mục vùng/khu sản xuất chuyên canh tập trung theo Quyết định số 3215/QĐ-UBND nhưng lại không đủ điều kiện để hình thành và phát triển vùng do ảnh hưởng của đô thị hoá, khó khăn trong đầu tư mở rộng sản xuất. Mặt khác nhiều diện tích, địa phương đã và đang hình thành và phát triển vùng/khu sản xuất chuyên canh tập trung nhưng chưa được định hướng tại Quyết định số 3215/QĐ-UBND

Từ thực tiễn trên, ngày 11/9/2023, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 4537/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội, qua đó tạo điều kiện giúp ngành nông nghiệp Thành phố xây dựng kế hoạch và các hoạt động nhằm khuyến khích phát triển các vùng, khu sản xuất chuyên canh định hướng, có hiệu quả.

Thiện Tâm

Top