Chuyển biến rõ nét từ ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Đẩy mạnh triển khai đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao năng suất, giảm chi phí, tổn thất sau thu hoạch, giải phóng sức lao động cho người nông dân, từng bước hướng tới một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững.
Thực hiện chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp được huyện Phú Xuyên chọn là một trong hai khâu đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, huyện Phú Xuyên đã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ áp dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa. Đến nay, các khâu làm đất, thu hoạch… trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Xuyên đều đạt gần 100% diện tích. Diện tích mạ khay cấy máy của huyện đạt trên 1.200ha mỗi vụ, đạt khoảng 16-18% diện tích cấy lúa, trong đó có 1 số địa phương đã đạt từ 80 đến 90% diện tích gieo mạ khay cấy máy trong sản xuất.
Phú Xuyên trở thành địa phương đi đầu Hà Nội về triển khai các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa vào sản xuất.
Giám đốc Hợp tác xã Phú Phong tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên Lê Xuân Túc cho biết, vụ Xuân năm 2024, hợp tác xã gieo cấy 350 mẫu lúa. Tất cả diện tích lúa xuân trên địa bàn xã được áp dụng cơ giới hóa toàn phần từ làm đất, cấy máy... Chỉ 2-3 ngày sau ra quân sản xuất đầu năm, địa phương hoàn thành gieo cấy trước khung thời vụ. Nhiều năm qua, Nam Phong là một trong những xã có tỷ lệ cấy máy cao của Phú Xuyên, đạt 90-100% diện tích mỗi vụ, năng suất lúa luôn duy trì trên 60 tạ/ha/vụ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Chuyên, xã Chuyên Mỹ, ở vụ mùa năm 2024, xã gieo cấy 245ha lúa. Hợp tác xã đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, 100% diện tích lúa sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%; tỷ lệ diện tích lúa cấy bằng máy đạt từ 70% đến 80%.
Đặc biệt, lúa cấy bằng máy có mật độ đồng đều, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh, nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và năng suất lúa cũng cao hơn từ 10% đến 15% so với cấy bằng tay.
Chính nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp để nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc đưa cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng là nhu cầu cấp thiết trong sản xuất hiện nay, giúp nâng cao đời sống người dân.
Từ việc đầu tư trong khâu gieo cấy đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng từ 10 - 15%; giảm chi phí sản xuất từ 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2 - 3%, đảm bảo tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,15 - 1,2 lần so với lao động thủ công.
Việc triển khai áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy cần đầu tư ban đầu lớn về cơ sở vật chất và kinh phí . Để hỗ trợ người dân, những năm qua, ngoài nguồn hỗ trợ của thành phố (50% giá trị máy cấy) huyện cũng đã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ áp dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa. Huyện trích ngân sách hỗ trợ 10% giá trị máy cấy, ngân sách xã hoặc hợp tác xã hỗ trợ thêm 15% trở lên giá trị máy cấy nên lượng máy cấy trên địa bàn huyện tăng qua các năm.
Riêng giai đoạn từ 2012 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho đề án cơ giới hóa trong khâu mạ khay, cấy máy của huyện đạt hơn 18 tỷ đồng. Đến nay, ngoài tiếp tục chính sách hỗ trợ mua máy cấy, huyện còn hỗ trợ hộ dân áp dụng phương pháp cấy máy với mức 50.000-75.000 đồng/sào.
Để nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy, phấn đấu tới năm 2025, Phú Xuyên có từ 50% trở lên diện tích cấy lúa áp dụng biện pháp cấy máy, huyện tiếp tục hình thành liên kết vùng, miền, hợp tác xã... trong cung ứng dịch vụ mạ khay, cấy máy, bảo đảm thời vụ...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên ông Lê Tiến Xuân cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, huyện Phú Xuyên đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các hợp tác xã, người dân áp dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa.
Đồng thời, tiếp tục hình thành liên kết vùng miền, HTX với nhau trong việc cung ứng dịch vụ mạ khay, cấy máy nhằm bảo đảm thời vụ, phát huy tối đa công suất của máy trong công cuộc cơ giới hóa. Huyện Phú Xuyên phấn tới năm 2028, có khoảng 40% trở lên diện tích cấy lúa áp dụng biện pháp cấy máy, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn tại địa phương.
Thiện Tâm