Cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp: Tăng thu nhập cho nông dân

09/05/2023 8:31 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay trên những cánh đồng của Thủ đô hình ảnh quen thuộc "Con trâu đi trước, cái cày theo sau" đã dần được thay thế bằng những chiếc máy làm đất hiện đại. Cơ giới hóa đã giúp bà con giải phóng được sức lao động, thời vụ đảm bảo, năng suất cao hơn và làm tăng giá trị thu nhập cho người dân.

Mạ khay máy cấy đã thay thế 'công nghệ con trâu đi trước cái cày theo sau' - Ảnh 1.

HTX Nông nghiệp xã Bình Minh, huyện Thanh Oai là một trong những đơn vị chủ chốt cung cấp lương thực cho Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Việc đưa máy móc cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị kinh tế và giảm chi phí sản xuất trên một đơn vị diện tích đồng ruộng. Đây là hướng đi đúng đắn, bắt kịp xu hướng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân.

Bà Lê Thị Xiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Bình Minh cho biết, xã nằm ở phía Bắc của huyện Thanh Oai, từ xa xưa, xã đã trở thành trung tâm giao lưu kinh tế thương mại của các vùng lân cận. Nhân dân xã Bình Minh có truyền thống sản xuất nông nghiệp, thâm canh cây lúa và trồng cây vụ đông, có nhiều năm HTX luôn là đơn vị chủ chốt cung cấp lương thực cho Hà Nội. Từ những thành tích đó, năm 1985 xã được Đảng, nhà nước tặng thưởng danh hiệu đơn vị " Anh hùng lao động", Đảng bộ xã Bình Minh nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Theo bà Xiêm, những năm trước 2014, xã Bình Minh chỉ đạo sản xuất, chưa áp dụng được khoa học kỹ thuật trong sản xuất do chưa mạnh dạn đầu tư mua máy móc để đưa công nghiệp hóa vào sản xuất, chỉ sử dụng máy móc thô sơ làm đất, cắt lúa bằng tay và tuốt lúa bằng máy đập liên hoàn. Phương pháp này tốn rất nhiều thời gian và nhân lực của nhân dân, dẫn đến thu nhập trong sản xuất nông nghiệp thấp hơn so với ngành nghề khác, nhân dân không thiết tha với sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ đã bỏ ruộng, chuyển sang sản xuất kinh doanh ngành nghề khác. 

Chính vì vậy, việc điều hành và chỉ đạo của HTX rất khó khăn, mặt khác năm 2013, thực hiện chủ trương của nhà nước, xã Bình Minh tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa, đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng, máy móc đào đắp như một công trường trên khắp hai cánh đồng Nam – Bắc của xã, các máy súc hối hả đào đắp thủy lợi nội đồng, đồng ruộng quy hoạch cơ bản, các bờ cũ đều phá bỏ, bờ vùng, bờ thửa, kênh tưới, kênh tiêu được đào đắp mới. Điều đó dẫn tới đồng ruộng bị xáo trộn do múc đất đắp bờ, kinh phí san gạt hạn chế nên việc làm đất của HTX gặp nhiều khó khăn, máy công nông không thể làm được đất, nguy cơ nhân dân sẽ bỏ ruộng hoang. 

Đứng trước khó khăn đó, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo và giao cho HTX có trách nhiệm lo khâu làm đất để nhân dân cấy hết diện tích, vụ xuân năm 2014, HTX đã thuê máy cày lớn của hai xã Liên Châu và Mỹ Hưng vào làm giúp toàn bộ diện tích sau dồn điền đổi thửa, đồng thời động viên thành viên tham gia cấy hết diện tích kịp thời vụ.

"Sau một vụ Xuân nhiều khó khăn thách thức như vậy, hàng đêm tôi trăn trở về những khó khăn của mùa vụ tiếp theo nên làm thế nào để động viên thành viên tích cực tham gia sản xuất, không bỏ ruộng hoang. Trạm khuyến nông huyện Thanh Oai đã tham mưu cho UBND huyện ban hành đề án cơ giới hóa nông nghiệp, với cơ chế hỗ trợ 50% giá máy. Đây là phao cứu sinh cho công tác làm đất sản xuất sau dồn điền đổi thửa. Theo đó, HTX đã bắt tay ngay vào xây dựng đề án xin được hỗ trợ mua 5 máy làm đất, đồng thời mạnh dạn vận động cán bộ và thành viên thành lập tổ làm đất, góp 50% kinh phí, 50% kinh phí còn lại đề nghị UBND huyện hỗ trợ theo Quyết định 829 mua 5 cày làm đất phục vụ thành viên trong toàn xã", bà Xiêm chia sẻ.

Từ khi thành lập đội dịch vụ làm đất đến nay việc điều hành đã rất thuận lợi diện tích cày ải đạt xấp xỉ 100% diện tích nếu thời tiết cho phép, và đã chủ động được mùa vụ không còn tình trạng cày sau cấy muộn.

Cuối năm 2014 để tiếp cận với công nghệ mới vào sản xuất, HTX Bình Minh đã mạnh dạn đề xuất với trung tâm khuyến nông Thành Phố, UBND huyện, Trạm khuyến nông và đã được chấp thuận. HTX đã được hỗ trợ một giàn gieo mạ khay và 1 máy cấy dắt tay 4 hàng, và khay gieo mạ phục vụ mô hình mạ khay máy cấy trên địa bàn xã.

Năm 2015, HTX đã mạnh dạn mở rộng các khâu dịch vụ, trọng tâm là đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là mở rộng dịch vụ gieo mạ khay cấy bằng máy, HTX đã đề nghị huyện tiếp tục hỗ trợ cho HTX 50% kinh phí theo Quyết định 829 để mua 1 máy cấy 6 hàng công nghệ cao. Đồng thời đã huy động cán bộ HTX đóng cổ phần 50% kinh phí mua máy phục vụ nhân dân trong và ngoài xã, HTX cũng chủ động vật tư để cấy phục vụ nhân dân trong xã chiếm 60% diện tích của xã nhà. Ngoài ra HTX đã ký hợp đồng và tổ chức gieo mạ khay, cấy bằng máy cho nhiều mô hình của các HTX trong huyện; ký hợp đồng với công ty giống cây trồng thủ đô hàng năm đã gieo mạ khay cấy bằng máy cấy cơ bản hết 100% diện tích của công ty. Chất lượng gieo mạ khay, cấy máy ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, hàng vụ HTX đã chủ động hợp đồng với máy gặt liên hoàn về thu hoạch lúa cho nhân dân cơ bản 100% diện tích. Gặt cuốn chiếu để chỉ đạo làm đất kịp thời vụ, nên nhân dân rất phấn khởi yêu cầu HTX duy trì các khâu dịch vụ để phục vụ thành viên, mặt khác chủ động liên kết với các HTX, cơ sở sơ chế thu mua thóc tươi tại đầu bờ sau thu hoạch của thành viên, giảm được chi phí cũng như nhân công trong mùa nhân dân rất phấn khởi, yên tâm đầu tư vào sản xuất.

Mạ khay máy cấy đã thay thế 'công nghệ con trâu đi trước cái cày theo sau' - Ảnh 2.

Nhờ ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên đã giúp người nông dân giảm bớt sức lao động, chi phí sản xuất và gia tăng giá trị kinh tế từ sản xuất lúa. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Với đặc thù là địa bàn giáp ranh thủ đô Hà Nội, nhiều hộ trong xã có nghề buôn bán thực phẩm phục vụ thị trường Thủ đô nên có một số diện tích nhân dân không cấy, HTX đã vận động một số thành viên tham gia thực hiện Kế hoạch chống bỏ ruộng của UBND xã, mượn ruộng của nhân dân, thực hiện chỉ đạo, điều hành của HTX, áp dụng công nghiệp hóa trong nông nghiệp, đưa công nghệ cao vào sản xuất theo chuỗi: Từ khâu làm đất, gieo mạ khay cấy bằng máy cấy, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái, thu hoạch bằng máy gặt, cân bán thóc tươi tại đầu bờ, nên các hộ thành viên tham gia rất phất khởi. 

Từ những kết quả đưa công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp nêu trên đã động viên nông dân tích cực tham ra sản xuất, nhiều hộ đã quay lại, đầu tư vào sản xuất. Có nhiều hộ đã mạnh dạn xin ruộng, cải tạo, quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn cấy 1 giống, đề nghị HTX đưa công nghệ mạ khay, máy cấy, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên đã giảm được chi phí thuê nhân công trong mùa vụ, cho thu nhập từ sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tăng từ 1,5 – 2 lần so với sản xuất truyền thống.

Trong những năm gần đây, HTX Bình Minh được địa phương giao thực hiện cấy mô hình các giống lúa chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, năm 2022 đơn vị đã được công nhận cấy lúa "Vietgap" và đã đăng ký xác nhận vùng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Năm 2022 HTX kết hợp với Viện nghiên cứu giống cây trồng trung ương xây dựng thành công nhãn hiệu gạo tập thể mang địa danh "Bình Minh – Thanh Oai".

Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gieo trồng bằng máy công nghiệp thông minh đó là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Hình ảnh quen thuộc "Con trâu đi trước, cái cày theo sau" đã dần được thay thế bằng những chiếc máy làm đất hiện đại, dần thay thế hình ảnh những người nông dân gò lưng nhổ mạ, cấy lúa bằng tay mà thay vào đó là những chiếc máy cấy chạy trên cánh đồng đưa ra những hàng lúa đều và thẳng tắp... Qua đó, giúp bà con giải phóng được sức lao động mà thời vụ đảm bảo, năng suất cao hơn và tăng giá trị thu nhập.

Theo tính toán của bà con nông dân và cán bộ chuyên môn, lúa được sản xuất theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ không chỉ tăng năng suất từ 20 – 30% trên diện tích canh tác mà còn giảm chi phí đầu vào từ 3- 4 triệu đồng/ha/vụ, vừa tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật nên lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất thủ công truyền thống từ 5 -6 triệu đồng/ha/vụ. 

Không những đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch, đẩy mạnh quá trình thâm canh, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, cánh đồng mẫu lớn, thuận lợi cho việc chỉ đạo, quản lý sản xuất và thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân...

Thiện Tâm

Top