Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để nâng cao năng suất
(Chinhphu.vn) - Để thực hiện thắng lợi sản xuất vụ Xuân năm 2016, ngành nông nghiệp Thủ đô đã đưa ra phương pháp chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đặc biệt tạo sự đột phá về cơ cấu giống cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Theo Sở NN&PTNT, trong vụ xuân 2016, toàn thành phố sẽ phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng là 121.900 ha. Trong đó lúa 99.700 ha, năng suất 61,0 tạ/ha, sản lượng 608.170 tấn; ngô: 6.200 ha, năng suất 52 tạ/ha, sản lượng 32.240 tấn; rau các loại: 8.900 ha, năng suất 210 tạ/ha, sản lượng 186.900 tấn; đậu các loại 350 ha; hoa cây cảnh 1500 ha…
Để đạt được mục tiêu, ngành nông nghiệp tiến hành chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt. Trong đó đột phá về cơ cấu giống là một khâu quan trọng. Riêng đối với giống lúa tiếp tục gia tăng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao, gồm các giống lúa thơm (Bắc thơm 7, HT1, HT9, ...) và lúa nếp (nếp 87, nếp 97, nếp vàng 1...) đạt trên 35%; lúa lai (Nhị Ưu 838, TH3-3, GS9…): 20%. Nhóm lúa thuần năng suất cao: Khang dân, Thiên ưu 8, TBR45, TBR225... 35%;…
Giống cây màu sử dụng các giống ngô lai F1 năng suất cao, ngắn ngày: LVN4, LVN9, NK4300,...các giống ngô nếp: HN88, MX2, MX10,...giống đậu tương: ĐT26, ĐVN5, ĐVN6…
Song song chuyển diện tích lúa trên những chân đất cao, khó tưới nước, kém hiệu quả sang gieo trồng các loại cây màu như: ngô, đậu tương, lạc, rau, hoa các loại,... để mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời tổ chức tốt việc liên kết 4 nhà trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: lúa, hoa, quả, chè... Khai thác lợi thế của từng vùng cũng như các điều kiện tự nhiên, thế mạnh thị trường, lựa chọn và đưa vào gieo trồng các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt và giá trị kinh tế cao.
Sở NN&PTNT cũng cho biết, việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của điều kiện thời tiết, khí hậu chuẩn bị tốt phương án chống hạn cũng là một điều kiện cần thiết mang lại hiệu quả cho sản xuất vụ xuân. Cụ thể như: tổ chức ra quân làm thuỷ lợi mùa khô, nạo vét các cửa khẩu dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối và hệ thống kênh mương, làm thủy lợi nội đồng, tu bổ, sửa chữa các công trình thuỷ lợi; triển khai nạo vét, dọn cỏ trong các hệ thống kênh, nhất là hệ thống kênh mương nội đồng để đảm bảo cấp đủ nước cho cây trồng. Đồng thời quản lý tốt các nguồn nước, phát huy hệ thống tưới hiện có… để đảm bảo đủ nước cho toàn bộ diện tích lúa, màu với mọi tình huống xấu do thời tiết gây ra.
Bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, ngành nông nghiệp còn chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến hộ nông dân thông qua việc kiểm tra chất lượng giống, khả năng nẩy mầm trước khi gieo cấy; chỉ sử dụng hạt giống có chất lượng từ cấp xác nhận trở lên.
Đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến. Trong đó, ưu tiên mở rộng cơ giới hóa đồng bộ ở vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Khuyến khích mở rộng diện tích sử dụng máy cấy, gieo thẳng ở những nơi chủ động tưới tiêu. Mở rộng ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI): cấy 1 dảnh, cấy thưa 25-35 khóm/m2, cấy mạ non, xúc mạ cấy để hạn chế tổn thương bộ rễ; bón phân cân đối, hợp lý, trọng tâm là giảm lượng đạm, sử dụng phân bón NPK đa yếu tố, phân bón chuyên dùng; rút kiệt nước khi lúa đã đẻ đủ số nhánh cần thiết và khi chín, phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp IPM ...
Đối với những diện tích không chủ động nước tưới chuyển sang cây trồng cạn như: ngô, đậu tương, lạc, rau màu các loại... Mở rộng vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên cơ sở dồn điền đổi thửa, áp dụng giống mới, cơ giới hóa, theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn gắn với liên kết 4 nhà để bảo quản, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tú Mai