Chuyển đổi cách tiếp cận để chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách

09/02/2024 11:18 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội đã có nhiều đổi mới, chuyển đổi cách tiếp cận chính sách xã hội từ “bảo đảm và ổn định” sang “ổn định và phát triển”, đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chuyển đổi cách tiếp cận để chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách- Ảnh 1.

Các cán bộ công an phường Hàng Gai tới tận nơi mở tài khoản cho người dân đang nằm viện. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trên 99% đối tượng chính sách mở tài khoản trước Tết

Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương, toàn Thành phố hiện có 293.459 người dân đang được hưởng các chế độ, chính sách an sinh xã hội hàng tháng (trong đó có 80.123 người hưởng chế độ ưu đãi người có công, 204.862 người hưởng chế độ bảo trợ xã hội, 8.474 người hưởng các chế độ khác).

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, mới đây, ngày 12/1/2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND về việc tăng cường hỗ trợ công dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố.

Triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chỉ đạo kịp thời tập trung bố trí nguồn lực, các điều kiện cần thiết, huy động tối đa lực lượng trong ngành phối hợp các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.

Đồng thời, Sở cũng đã phối hợp với Công an Thành phố, UBND các cấp và các lực lượng hỗ trợ có liên quan trong việc làm sạch dữ liệu an sinh xã hội, đảm bảo 100% người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội được cập nhật đầy đủ thông tin phục vụ việc mở tài khoản.

Đến nay, nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ công dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt, bảo đảm lợi ích tối đa cho người dân thuộc diện hưởng chính sách, đặc biệt ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chuyển đổi cách tiếp cận để chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBDN quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương kiểm tra công tác triển khai chi trả không dùng tiền mặt đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tại quận Long Biên, bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận cho hay, ngay khi Thành phố có chỉ đạo, quận đã vận động các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội mở tài khoản ngân hàng và triển khai mở tài khoản tại 14 phường. Đến nay, toàn quận đã có 5.881 đối tượng có tài khoản và thống nhất nhận chi trả qua tài khoản, đạt tỉ lệ 99,97%. UBND quận cũng đã mở đợt cao điểm tuyên truyền vận động người dân thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội đăng ký tài khoản để chi trả không dùng tiền mặt.

Còn tại quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Gai đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 06, chia ra 3 tổ công tác, thành phần gồm Ban Chỉ huy Công an phường, trực tiếp là đồng chí Trưởng Công an phường, Lãnh đạo UBND phường; một đồng chí cảnh sát khu vực và một cán bộ ngân hàng đi cùng đến tuyên truyền, mở tài khoản tận nơi cho người dân. Đặc biệt nhiều trường hợp người già yếu, người không biết viết, người câm điếc, người bệnh đang điều trị trong bệnh viện cũng được Tổ công tác đến tận nơi mở tài khoản chi trả an sinh.

Trung tá Trần Danh Hiếu, Trưởng Công an phường Hàng Gai cho biết, điều đáng mừng là trong hơn 2 ngày ra quân, tính đến hết ngày 12/1/2024, 100% đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn phường đồng thuận và mở xong tài khoản. Dữ liệu dân cư trùng khớp, không bị sai lệch. Đến hết 30/1, toàn bộ người dân quận Hoàn Kiếm đã được nhận tiền chi trả vào tài khoản.

Theo ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho cơ quan chức năng và đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như đa phần người có công, thân nhân người có công có tuổi cao, không có tài khoản ngân hàng, không biết sử dụng điện thoại thông minh… Do vậy, huyện xác định thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số, không dùng tiền mặt, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi. Đồng thời, góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trục lợi trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, hiện nay, các phòng nghiệp vụ của Sở đang tiếp tục nắm bắt tình hình ở các quận, huyện, thị xã để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, phát sinh trong quá trình mở tài khoản theo hướng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Nhờ vậy, các quận, huyện, thị xã không bị lúng túng, đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm người dân được thụ hưởng nhiều tiện ích, nhận ưu đãi đúng thời gian, không phải xếp hàng chờ đợi lâu.

Hỗ trợ xây sửa nhà cho hộ nghèo xong trước 30/9

Cũng theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương, năm 2024 là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), vì vậy, Sở đã chuẩn bị kịp thời và trình HĐND Nghị quyết đặc thù về hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà. Theo kết quả rà soát của các quận, huyện, thị xã tại thời điểm tháng 10/2023, toàn Thành phố có 890 hộ nghèo, cận nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; (trong đó có 164 hộ nghèo, 726 hộ cận nghèo; xây mới 511 hộ, sửa chữa 379 hộ).

Mức hỗ trợ đối với nhà ở xây mới là 100 triệu đồng/nhà, trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà, Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà (Quỹ Vì người nghèo Thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà; Quỹ Vì người nghèo cấp huyện, cấp xã hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà).

Mức hỗ trợ đối với nhà sửa chữa là 60 triệu đồng/nhà, trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà, Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà (Quỹ Vì người nghèo Thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà, Quỹ Vì người nghèo cấp huyện, cấp xã hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà).

Chuyển đổi cách tiếp cận để chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà cùng lãnh đạo Sở LĐTB&XH thăm, tặng quà Tết gia đình chính sách tại quận Long Biên. Ảnh: VGP/MInh Anh

Ngoài kinh phí hỗ trợ, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở được hỗ trợ vốn vay ưu đãi tối đa 50 triệu đồng/nhà từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, với mức lãi suất cho vay là 3%/năm. Tuy nhiên, hộ nghèo, cận nghèo vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng, sửa chữa nhà ở không phải trả lãi suất (3%/năm). Ngân sách Thành phố hỗ trợ kinh phí trả lãi vay, hộ vay không phải trả lãi suất.

"UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội đã nêu rõ việc tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở xong trước ngày 30/9/2024. Các trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, không có khả năng tự cải thiện nhà ở phát sinh sau tháng 1/2024 do UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ", Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho hay.

Nhận định về những kết quả mà Sở LĐTB&XH Hà Nội đã đạt được trong triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho rằng: Ngoài những chính sách của Trung ương ban hành, Sở LĐTB&XH Hà Nội còn tham mưu UBND Thành phố xây dựng nhiều chính sách đặc thù chăm lo an sinh xã hội cho các chính sách đặc thù cho người có công của Thành phố; chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của Đại diện các Ban liên lạc tù chính trị Thành phố; nâng mức quà tặng của Hà Nội cho các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7; ngày Quốc khánh 2/9 và bổ sung đối tượng tặng quà là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày Quốc tế Thiếu Nhi 1/6; Tết Trung thu...

"Với những việc mới, việc khó, khi Thành ủy, UBND Thành phố chỉ đạo thì Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp cận, nghiên cứu, tham mưu rất kịp thời. Đặc biệt là thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực Chương trình số 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025"", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Minh Anh

Top