Chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tích hợp phát triển nông nghiệp đa giá trị

12/05/2025 5:38 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, do diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên việc phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị sẽ mang lại giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tích hợp phát triển nông nghiệp đa giá trị- Ảnh 1.

Trên cùng diện tích canh tác, người dân có thể tích hợp trồng nhiều loại khác nhau để gia tăng lợi nhuận. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Đây được coi là sự kết hợp hài hoà nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn. Hà Nội đang khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp tập trung khai thác hiệu quả sản xuất nông nghiệp đa giá trị.

Theo Sở NN&MT, thời gian qua ngành đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để góp phần nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị sản xuất. Trong lĩnh vực trồng trọt thực hiện cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất tạo năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao. Ngành chăn nuôi, thuỷ sản ưu tiên phát triển những giống thế mạnh, cho phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát nên số lượng đàn gia súc, gia cầm tiếp tục tăng.

Diện tích sản xuất nông nghiệp có xu thế giảm theo từng năm chủ yếu là diện tích đất trồng lúa do quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên sản xuất trồng trọt có nhiều tiến bộ, cơ cấu nội bộ lĩnh vực trồng trọt chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các giống cây trồng chất lượng, có giá trị cao, hiệu quả sản xuất, diện tích lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, cây cảnh tiếp tục được mở rộng. Điển hình, diện tích trồng lúa giảm từ 165.593 năm 2020 xuống còn 153.000 ha năm 2024; diện tích trồng rau đậu tăng từ 32.907 ha năm 2020 lên 33.954 ha năm 2024; diện tích trồng cây ăn quả tăng từ 19.390 ha năm 2020 lên 20.339,4 ha năm 2024; diện tích trồng hoa hàng năm tăng từ 6.765ha năm 2020 lên 7.651,7ha năm 2024; diện tích chè giảm từ 2.343 ha năm 2020 xuống còn 1.961,74 ha năm 2024.

Cơ cấu giống lúa trong sản xuất của Thành phố đang chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích sản xuất các loại giống mới, chất lượng cao, tỷ lệ diện tích sản xuất lúa chất lượng cao tăng từ 60,9% (năm 2021) lên 66,6% vào năm 2024, nhóm giống lúa lai giảm từ 4,2% (năm 2021) xuống 2,7% năm 2024.

Cơ cấu giống trong sản xuất rau, màu và hoa liên tục được bổ sung các chủng loại giống mới, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhìn chung là được duy trì khá ổn định hàng năm và được bố trí hợp lý cho từng vùng sản xuất, các giống đều có năng suất, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh và nhu cầu của thị trường.

Nông nghiệp tuần hoàn hay các mô hình nông nghiệp đa giá trị, hướng tới nhiều mục đích đang là xu thế tất yếu nhằm tối đa hóa lợi ích cho người nông dân trên mỗi ha diện tích. Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc thay đổi tư duy làm chăn nuôi theo hướng tuần hoàn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn sinh học có cách làm hay từ hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Đơn vị đang làm với mô hình chăn nuôi đa giá trị. Ngoài ra các chất thải chăn nuôi sẽ theo một vòng tuần hoàn, qua xử lý tái sử dụng là chất đốt, nước để nuôi cá, phụ phẩm của chăn nuôi thải ra được hợp tác xã xử lý thành đạm thủy phân bón cho cây trồng.

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tích hợp phát triển nông nghiệp đa giá trị- Ảnh 2.

Việc tập trung phát triển những giống cây, con đặc sản hoặc thế mạnh cũng là một trong các yếu tố giúp phát triển nông nghiệp đa giá trị hiệu quả. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Với những vùng ven đô, việc phát triển nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch sinh thái trải nghiệm đang được nhiều hộ nông dân lựa chọn phát triển. Tại huyện Hoài Đức, nhận thấy nhu cầu dã ngoại, được hòa mình với thiên nhiên của người dân nội thành Hà Nội quá lớn, vườn nho Hạ đen của Gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã được trồng theo hướng đa giá trị vừa lấy quả, vừa cho du khác đến thăm quan, trải nghiệm và thưởng thức quả ngay tại trang trại. Mô hình này đã mang lại giá trị cao cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Thoan, Bí thư Đảng ủy xã An Thượng cho biết, để khuyến khích phát triển nông nghiệp sinh thái trỉa nghiệm, ngoài việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xã An Thượng cũng tạo điều kiện cho người dân thuê đất lâu dài để nhân dân yên tâm đầu tư phát triển mô hình.

Tthay đổi tư duy sản xuất, hướng tới xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị đang được người nông dân Hà Nội ứng dụng và mang lại thành công trên thực tế. Không chỉ tối đa hóa giá trị kinh tế mà còn mang đến những lợi ích thiết thực về môi trường sinh thái, tạo không gian xanh giữa lòng Thủ đô.

Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nông dân Hà Nội đã chuyển đổi từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới những"giá trị xanh" được tạo nên từ "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh", tích hợp "đa giá trị" mang lại lợi ích kép.

Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch nhằm mang lại giá trị cao nhất, giúp ngành nông nghiệp đạt được kỳ vọng và xứng tầm Thủ đô.

Thiện Tâm

Top