Chuyển đổi hơn 25.000ha đất trồng lúa sang cây trồng khác

23/03/2022 3:32 PM

(Chinhphu.vn) - Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, định hướng đến năm 2025, Hà Nội sẽ giảm dần diện tích đất lúa hiện nay, từ 165.593ha xuống còn 140.000ha vào năm 2025 (giảm hơn 25.000ha).

Chuyển đổi hơn 25.000ha đất trồng lúa sang cây trồng khác - Ảnh 1.

Vùng trồng lúa chất lượng cao Japonica tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Cụ thể, theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn Thành phố hiện còn 165.593ha đất trồng lúa, tập trung tại 23 quận, huyện thị xã. Trong vụ Xuân 2022, diện tích canh tác lúa của Hà Nội đạt hơn 81.000ha. 

Mặc dù trong những năm gần đây sản xuất lúa của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc ứng dụng cơ giới hóa và sử dụng giống chất lượng cao. Nhiều giống mới cho năng suất, chất lượng đã được bà con nông dân đưa vào sản xuất như: J02, HDT11, Bắc Thơm số 7… 

Tuy nhiên, so với các loại rau màu, cây ăn quả, hoa - cây cảnh, giá trị từ cây lúa nhìn chung không cao bằng. Theo đó, trong định hướng cơ cấu lại sản xuất trồng trọt, Hà Nội sẽ giảm dần diện tích đất trồng lúa hiện nay, từ 165.593ha xuống còn 140.000ha vào năm 2025 (giảm hơn 25.000ha).

Tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao 

Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống chất lượng cao phục vụ cho người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu; phấn đấu đến năm 2025, diện tích canh tác lúa chất lượng cao đạt ít nhất 85%. 

Đồng thời bố trí khoảng 10% diện tích chuyên canh lúa để phát triển lúa giống và thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế, chế biến.

Trong định hướng sản xuất lúa, Hà Nội sẽ nghiên cứu chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu (vùng đồi gò, khu vực giáp ranh đô thị…) sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: Rau màu, hoa – cây cảnh, cây ăn quả…  Việc phát triển trồng trọt theo hướng hữu cơ và sẽ gắn sản xuất hữu cơ với du lịch và bảo vệ môi trường. 

Cùng với đó là phát triển sản xuất những giống cây trồng chất lượng cao, giống chống chịu sâu bệnh tốt. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới vào canh tác nhằm thúc đẩy lĩnh vực trồng trọt theo hướng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến hết năm 2021, trên địa bàn Thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; trong đó, công nghệ cao, thông minh được sử dụng chủ yếu trong việc quản lý, điều phối các công đoạn sản xuất….

Thiện Tâm

Top