Chuyển đổi số từ mô hình ‘phường số’, ‘tổ dân phố chuyển đổi số’

31/08/2024 7:16 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang góp phần chuyển đổi số từ cơ sở qua triển khai mô hình “phường số”, “tổ dân phố chuyển đổi số”; cải thiện chỉ tiêu còn hạn chế về tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…

Chuyển đổi số từ mô hình ‘phường số’, ‘tổ dân phố chuyển đổi số’- Ảnh 1.

Đoàn thanh niên phường Thổ Quan hướng dẫn người dân quét mã QR về TTHC - Ảnh: Kinhtedothi

Theo kết quả trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đến này 30/8/2024, tổng số điểm kết quả Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của TP. Hà Nội đạt được là 59,43/100 điểm, xếp hạng 60/63 tỉnh, thành.

Về chỉ số công khai, minh bạch, tháng 8/2024, Hà Nội đạt 8,1/18 điểm; 100% TTHC được công khai với 1.489 TTHC; tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 80,5%.

Cũng theo đánh giá trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến 30/8/2024, tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị tại Hà Nội là 100%; tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC là 65,89%.

Tuy nhiên, theo số liệu đến 30/8, một số chỉ số còn chưa đạt kết quả tốt như, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến là 19,54%; nộp hồ sơ trực tiếp và hình thức khcacs là 80,46%. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến là 116 hồ sơ (tỷ lệ 52,37%); thanh toán trực tiếp và các hình thức khác là 104 hồ sơ (tỷ lệ 47,27%)…

Để tiếp tục nâng cao, cải thiện các chỉ số của Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc xin lỗi và chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực (nếu có) làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ… Các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ, đặc biệt là các chỉ tiêu về công tác cải cách thủ tục hành chính cần đạt được trong năm 2024.

Trong đó, đặc biệt chú trọng các chỉ tiêu còn hạn chế, cụ thể về tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên tổng số giao dịch thanh toán đạt tối thiểu 55%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết phấn đấu đạt tối thiểu 60%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính phấn đấu đạt 100%; tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử đạt 100%.

Triển khai mô hình "phường số", "tổ dân phố chuyển đổi số"

Quận Long Biên đã trang bị hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin cho bộ phận Một cửa từ mô hình chuẩn của Thành phố để nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ công trực tuyến; triển khai hệ thống mã QR động cho việc thanh toán trực tuyến, tích hợp với hệ thống giải quyết TTHC của Thành phố, sử dụng biên lai điện tử tại Bộ phận "một cửa" 14 phường; các phường hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID và kết hợp thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.

Cũng nhằm tạo đột phá nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT, UBND quận triển khai 11 mô hình "phường số" theo kế hoạch của TP và chủ động thí điểm "công dân số" tại phường Giang Biên, thông qua các chiến dịch cao điểm vận động người dân kích hoạt tài khoản DVC quốc gia, Hà Nội và thực hiện TTHC trực tuyến tại nhà. Chỉ sau 1 tháng triển khai quyết liệt, tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT tại phường này đã từ top cuối lên dẫn đầu quận với tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến 78%, thanh toán trực tuyến 58%.

Phường Thổ Quan (Quận Đống Đa) đã cho ra mắt mô hình "Tổ dân phố chuyển đổi số" và "Điểm phát wifi miễn phí" theo đề án về xây dựng mô hình "Tổ dân phố chuyển đổi số" đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và mô hình "Điểm phát wifi miễn phí". Mục tiêu của đề án là phát huy tính hiệu quả trong việc đăng ký tài khoản công dân điện tử và đẩy mạnh việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Tại mỗi điểm "Tổ dân phố chuyển đổi số" sẽ được bố trí các trang thiết bị như: bàn, ghế, máy tính, máy in, máy scan, hệ thống camera, màn hình cỡ lớn, thiết bị họp trực tuyến... để triển khai thực hiện. "Tổ dân phố chuyển đổi số" cung cấp hình thức hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, VNeID trong công tác tố giác tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, nhận lương, chế độ, bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng, không dùng tiền mặt. Chi bộ tổ dân phố sinh hoạt thường kỳ và chuyên đề trên nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử"…

Các mô hình này sẽ tăng cường phương thức tuyên truyền về tính hiệu quả, hữu ích của mô hình "Tổ dân phố chuyển đổi số" tại mỗi địa bàn.

Số hóa hồ sơ, đẩy mạnh giải quyết TTHC qua quy trình điện tử

Triển khai chỉ đạo của Thành phố, trong thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh việc công khai, minh bạch các TTHC, nhiều sáng kiến được triển khai cở các quận, huyện để tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, số hóa hồ sơ, cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử; nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa quận, phường. Đề cao tính chuyên nghiệp, sự phục vụ của công chức đối với người dân, tổ chức, trên cơ sở lấy sự hài lòng của người dân làm một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức.

Đối với UBND quận Thanh Xuân, đến nay, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc công khai bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình theo quy định của thành phố; công khai quy trình, thành phần hồ sơ, thời gian trả, phí và lệ phí (nếu có), tên của công chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý…

Tính từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024, tổng số hồ sơ giải quyết trước hạn: 8.243 hồ sơ; số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 16.100 hồ sơ; số hồ sơ đang giải quyết: 149 hồ sơ. Toàn quận đã giải quyết được 8.219 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ. Khi chậm trễ trong quá trình xử lý hồ sơ, yêu cầu các đơn vị thực hiện việc xin lỗi công dân và khắc phục nhanh chóng, kịp thời để trả đúng hạn theo quy định.

Đối với quận Nam Từ Liêm đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, tạo thuận lợi cho công dân. Nền hành chính được hiện đại hóa, thể hiện rõ nét qua việc thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, cách thức làm việc và phục vụ của cơ quan Nhà nước nhờ ứng dụng CNTT. Thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tại quận, hiện nay, các văn bản (trừ văn bản mật) được ký số, gửi và nhận trên môi trường mạng; quận đã chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng chữ ký số trong việc phát hành văn bản điện tử. Quận còn triển khai ứng dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu hộ tịch trong công tác giải quyết hồ sơ hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp hộ tịch phục vụ công dân; phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, quản lý và giải quyết đơn thư của quận; triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm, hàng hóa đặc trưng, tiêu biểu tiềm năng của quận như: Cốm Mễ Trì, bún Phú Đô… trên hệ thống các sàn thương mại điện tử lớn.

Đến nay, 100% văn bản của huyện Quốc Oai được lưu trữ dưới dạng điện tử trên hệ thống phần mềm phục vụ tra cứu tìm kiếm qua mạng; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đầu tư hạ tầng và nhân lực bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả 95% hồ sơ công việc tại UBND huyện; 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 95% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.

Để minh bạch về thông tin trong chuyển đổi số, huyện cũng tập trung số hoá các tài liệu, văn kiện của Huyện uỷ, các tổ chức chính trị - xã hội ban hành, hình thành kho dữ liệu hồ sơ, văn bản phục vụ lưu trữ, tra cứu, khai thác trong phạm vi quản lý theo quy định; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ công chức viên chức trên địa bàn.

Gia Huy

Top