Chuyên gia hiến kế để Hà Nội phát triển kinh tế tư nhân

02/07/2025 5:40 PM

(Chinhphu.vn) - TS. Hà Huy Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược Kinh tế địa phương và Lãnh thổ (Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới) đã đưa ra những kiến nghị để phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó Hà Nội cần tiên phong đi đầu, làm mẫu cho cả nước.

Chuyên gia hiến kế để Hà Nội phát triển kinh tế tư nhân - Ảnh 1.

TS. Hà Huy Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược Kinh tế địa phương và Lãnh thổ. Ảnh: VGP

Trước yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thích ứng với bối cảnh mới, nhiều chuyên gia cho rằng cần có đột phá về thể chế, hạ tầng, và tư duy quản trị. TS. Hà Huy Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược Kinh tế địa phương và Lãnh thổ (Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới), đã đưa ra những kiến nghị để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó Hà Nội cần tiên phong đi đầu, làm mẫu cho cả nước.


Tháo bỏ định kiến, đổi mới tư duy và tạo môi trường thông thoáng hiệu quả

TS. Hà Huy Ngọc nhận định: "Trong hơn 40 năm Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang trở thành trụ cột ngày càng quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, để phát triển lên một tầm cao mới, vượt qua thách thức bẫy thu nhập trung bình và tiến tới một nền kinh tế tự chủ, năng động, sáng tạo, thì cần có sự chuyển đổi mang tính cách mạng, từ tư duy đến chính sách và hành động thực tiễn."

Đề xuất đầu tiên của chuyên gia là phải xóa bỏ triệt để định kiến và rào cản tư tưởng với kinh tế tư nhân. Theo ông, cần coi khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng song hành với kinh tế nhà nước trong kiến tạo thịnh vượng quốc gia.

Bên cạnh đó, để kinh tế tư nhân bứt phá, một cuộc đại cải cách thể chế là không thể thiếu. TS. Hà Huy Ngọc nhấn mạnh đến yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống điều kiện kinh doanh, quy định chồng chéo giữa các luật, các thủ tục hành chính rườm rà. 

Với vai trò là đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc và trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, Hà Nội được xác định là địa phương cần tiên phong trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. TS. Hà Huy Ngọc khẳng định: "Hà Nội cần đóng vai trò đầu tàu trong thiết kế thể chế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân."

Theo ông, Thành phố cần đột phá trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, với cam kết mạnh mẽ: Cắt giảm tối thiểu 30% số lượng thủ tục, 50% thời gian xử lý, và 30% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Trong đó, các lĩnh vực trọng điểm cần ưu tiên bao gồm: đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng và thuế.

Đáng chú ý, ông đề xuất Hà Nội nên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong quản trị nhà nước, tạo ra "chính quyền thông minh phục vụ doanh nghiệp". Các công cụ như: Trung tâm điều hành IOC xử lý phản ánh theo thời gian thực; chatbot AI tư vấn thủ tục tự động; cơ sở dữ liệu số liên thông ngành – lĩnh vực... sẽ giúp giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng tính minh bạch và hạn chế chi phí không chính thức.

Đặc biệt, Hà Nội có thể thí điểm mô hình "giao đất trong 60 ngày" cho các dự án đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao, R&D, công nghiệp xanh… Cùng với đó là chính sách "đặt trước hồ sơ" cho các nhà đầu tư đủ điều kiện, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai và tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

TS. Hà Huy Ngọc cũng nhấn mạnh việc thiết lập hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Từ năm 2026 đến 2045, Hà Nội cần chuyển đổi ít nhất 357.000 hộ kinh doanh hiện nay sang mô hình doanh nghiệp, qua đó mở rộng nền sản xuất chính thức, nâng cao năng suất lao động và khả năng tiếp cận tín dụng, công nghệ. Ông kiến nghị thành phố nên miễn phí chuyển đổi, hỗ trợ nền tảng kế toán số, đào tạo quản trị doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý… để hộ kinh doanh tự tin chuyển đổi.

Chuyên gia hiến kế để Hà Nội phát triển kinh tế tư nhân - Ảnh 2.

bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có chính sách đặc biệt để xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc quy mô lớn, mang bản sắc Việt. Ảnh ( VGP)

Một nội dung đáng chú ý trong nhóm giải pháp mà TS. Hà Huy Ngọc đề xuất là truyền thông. "Chúng ta cần nhìn nhận đúng vai trò và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Họ không chỉ là người làm giàu cho bản thân, mà còn đang tiên phong trong nhiều lĩnh vực chiến lược như ô tô điện, chuyển đổi xanh, công nghệ cao...", ông nhấn mạnh.

TS. Hà Huy Ngọc kiến nghị cần truyền thông tập trung vào: Vai trò tạo việc làm, đóng góp ngân sách, cải tạo vùng đất nghèo thành trung tâm phát triển của doanh nghiệp tư nhân; những doanh nhân tiêu biểu, truyền cảm hứng, khát khao cống hiến và đổi mới; đẩy mạnh giáo dục tinh thần doanh nhân, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội trong cộng đồng doanh nghiệp...

Phát triển doanh nghiệp quy mô lớn

TS. Hà Huy Ngọc cũng cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có chính sách đặc biệt để xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc quy mô lớn, mang bản sắc Việt, có khả năng dẫn dắt ngành và cạnh tranh toàn cầu.

Theo ông, việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong các lĩnh vực như công nghiệp nền tảng, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, y tế, năng lượng tái tạo… sẽ là động lực then chốt để bứt phá. Các doanh nghiệp này nên được hưởng cơ chế "luồng xanh" trong thủ tục, được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia và được kết nối mạnh mẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, Hà Nội có thể là nơi thí điểm các chương trình hỗ trợ nghiên cứu – phát triển (R&D) dành cho doanh nghiệp tư nhân. Bằng cách cho phép doanh nghiệp tiếp cận các quỹ nghiên cứu công, tự do sử dụng sản phẩm nghiên cứu, khuyến khích thành lập các Viện nghiên cứu tư nhân... nhà nước sẽ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo và đổi mới công nghệ từ khu vực kinh tế tư nhân.

TS. Hà Huy Ngọc cho rằng Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính, mà còn là "phòng thí nghiệm chính sách" lý tưởng cho các mô hình phát triển mới. Khi Hà Nội thành công, các địa phương khác sẽ học tập và lan tỏa, tạo nên một phong trào phát triển kinh tế tư nhân bền vững trên cả nước.

Trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, khu vực kinh tế tư nhân cần được tiếp sức bằng chính sách đột phá, thể chế linh hoạt, môi trường thuận lợi và tinh thần tôn vinh, đồng hành.

"Muốn có doanh nghiệp lớn, cần có tư duy lớn. Muốn có doanh nghiệp dân tộc, cần có tầm nhìn dân tộc. Muốn có nền kinh tế tư nhân năng động, cần có một nhà nước kiến tạo năng động. Và Hà Nội cần là hình mẫu của tất cả những điều đó", TS. Hà Huy Ngọc khẳng định.

Minh Anh

Top