Cơ chế mới để thu hút, trọng dụng nhân tài về Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế các điều khoản khoản để thu hút được nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô thời gian tới.
Chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012.
Theo đó, Luật Thủ đô 2012 quy định "HĐND TP. Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài", trên cơ sở quy định đó cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Nội dung của quy định mới chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế; số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút.
Đối với sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học, từ năm 2014-2018, Thành phố đã tuyển dụng được 55 người; đối với bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II: đã tuyển dụng được 32 người từ năm 2017 đến nay); đối với vận động viên, văn nghệ sỹ đoạt huy chương vàng hoặc giải nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia; huy chương vàng, huy chương bạc hoặc giải nhất, nhì tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới, đã tuyển dụng được 77 người (từ năm 2018-2020).
Ngoài ra, tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp như: Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.
Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng theo chính sách này, qua đánh giá của các cơ quan, đơn vị sử dụng thì hầu hết chưa có thành tích vượt trội, nổi bật so với những công chức, viên chức được tuyển dụng theo những quy định chung.
Kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần theo tinh thần của Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND còn thấp. Ngoài ra, các đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút của Thành phố không được hưởng thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác.
Ngoài ra, chưa thu hút được các nhóm đối tượng như: Chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân… do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp.
Kết quả trên cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Thành phố chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn.
Xây dựng chế độ đãi ngộ để thu hút nhân tài
Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô , Nghị quyết số 15-NQ/TWcủa Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần "có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế".
Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.
Đối tượng thu hút, trọng dụng nhân tài, điều khoản bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND TP. Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô; bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.
Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra "cú hích" trong cơ chế thu hút, trọng dung và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.
Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
Để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Bởi lẽ, môi trường mà ở đó, họ được khẳng định chính mình, bộc lộ năng lực sở trường, được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với nhân tài, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ, lương bổng.
TS. Bùi Xuân Phái, Trường Đại học Luật Hà Nội bày tỏ tán đồng với quy định mới được đưa ra trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo cú hích mang tính đột phá cho xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để các quy định này thực sự có ý nghĩa, khả thi và có hiệu quả thực tế, TS. Bùi Xuân Phái cho rằng, Hà Nội cần quan tâm đến một số vấn đề sau: Thứ nhất, rà soát lại toàn bộ chính sách trong việc thu hút, trong dụng và phát triển nhân tài cho lĩnh vực công nói chung. Việc này nhằm tìm ra những điểm bất hợp lí, "bó cái khôn" trong công tác nhân sự.
Chẳng hạn, người có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển của một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được hưởng các ưu đãi về tuyển dụng, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo và các ưu đãi khác.
Ngoài ra, cần chú ý tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, phát hiện kịp thời các tài năng, đồng thời có kế hoạch trong việc sử dụng hay trọng dụng các đối tượng này. Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo sinh viên chất lượng cao hoặc sinh viên tài năng. Tuy nhiên, các chương trình này chủ yếu phục vụ cho những sinh viên và gia đình sinh viên có điều kiện chứ chưa phải là sự quan tâm, chú trọng từ phía nhà nước.
Hà Nội cũng có thể nghiên cứu kinh nghiệm lịch sử và quốc tế trong việc sử dụng nhân tài để rút ra những bài học có thể áp dụng, trong đó đặc biệt là bài học về phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng.
Có một vấn đề đặt ra từ kinh nghiệm thực tế là nhiều khi việc bố trí cán bộ, công chức vào vị trí, việc làm trong lĩnh vực công đã dựa vào lí lịch hoặc những yếu tố khác không liên quan đến chuyên môn. Do vậy việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao, người có tài năng phải có một sự thử thách nhất định để kiểm tra, đánh giá. Muốn thu hút phải có nguồn, do vậy cần phải tạo nguồn, tìm nguồn, duy trì nguồn, hình thành chính sách rõ ràng để từ đó mới có thể thực hiện việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, người có năng lực thực sự.
Gia Huy