Cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù giúp Hà Nội chủ động hơn các nguồn lực

25/07/2022 4:04 PM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện các cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù của Quốc hội đã giúp Hà Nội chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông…

Cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù giúp Hà Nội chủ động hơn các nguồn lực - Ảnh 1.

Cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù giúp Hà Nội chủ động sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Ảnh: VGP

Đưa phương án sắp xếp lại, xử lý 96 cơ sở nhà, đất

Qua 2 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội, các cơ chế này đã góp phần huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững hơn

Một trong cơ chế đặc thù là cơ chế sử dụng khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Hà Nội.

Theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, không quá 70% số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được sử dụng cho các nhiệm vụ chi liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Số kinh phí địa phương được hưởng chỉ xác định được sau khi có Quyết định phê duyệt phương án sử dụng cụ thể của các cơ quan Trung ương.

Như vậy, theo quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14, khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt phương án sử dụng cụ thể của các cơ quan Trung ương cho các nội dung nêu trên.

Dự toán thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố do Bộ Tài chính chủ trì xác định.

Tính từ thời điểm Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội có hiệu lực đến nay, UBND Thành phố đã có ý kiến với Bộ Tài chính về phương án sắp xếp lại, xử lý 96 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất trên 245.000 m2, diện tích sàn sử dụng 335.300 m2 của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn.

Cơ chế nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Hà Nội cũng đang thực hiện cơ chế sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP. Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Hà Nội

Trên cơ sở rà soát, dự kiến khả năng thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP. Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và tiến độ, nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số về Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Thành phố đã dự kiến nguồn thu này để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố giai đoạn 2021-2025 khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch năm 2021 bố trí 2.000 tỷ đồng và năm 2022 bố trí 7.920 tỷ đồng cân đối cho các dự án đầu tư của Thành phố.

Thực hiện Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025, UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND Thành phố sẽ rà soát lại nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP. Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Dự kiến bố trí 8.000 tỷ đồng từ cải cách tiền cho đầu tư phát triển

Ngoài ra, Thành phố đang thực hiện cơ chế sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

Theo Nghị quyết số 115/2020/QH14, sau khi ngân sách TP. Hà Nội bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở dự kiến nhu cầu và nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025, Thành phố dự kiến bố trí 8.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dữ để sử dụng cho chi đầu tư phát triển.

Các cơ chế, chính sách này đã giúp Thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có như nguồn cải cách tiền lương còn dư; nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn... để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và kịp thời giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông.

Trong đó, cơ chế cho phép sử dụng ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước".

Ngoài ra, một số quận có điều kiện về nguồn lực ngân sách và cơ sở hạ tầng đã cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu đã thực hiện hỗ trợ kinh phí cho một số huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Việc này đã góp phần chia sẻ khó khăn và tăng cường sự đoàn kết, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, đồng thời cũng góp phần giảm áp lực cho ngân sách cấp Thành phố

Trong thời gian tiếp theo, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Nghị quyết thông qua việc xây dựng các kế hoạch cụ thể, có lộ trình thích hợp và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, trọng tâm là phân công rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo định kỳ tình hình thực hiện.

Thành phố tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bo sung chế chính sách tài chính-ngân sách đặc thù mới để phù hợp với những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước hiện nay và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua; đảm bảo thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ lớn, trọng tâm khác của Thành phố.

Gia Huy

Top