Cơ hội cho doanh nghiệp Việt ‘chen chân’ vào chuỗi cung ứng ngành hàng không
(Chinhphu.vn) - Với nhu cầu phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ lĩnh vực công nghiệp hàng không đang tăng nhanh tại thị trường Đông Nam Á, để chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế, TP. Hà Nội đã và đang có nhiều chính sách, biện pháp thiết thực hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này.
Nhu cầu mở rộng chuỗi cung ứng hàng không
Hà Nội-trung tâm kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự cố gắng nỗ lực của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Hà nội đã duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt đối với sản xuất công nghiệp-một lĩnh vực ngành kinh tế then chốt, Hà Nội luôn khẳng định là trung tâm sản xuất công nghiệp hàng đầu cả nước. Năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp của Hà Nội tăng 8,03%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng với mức tăng 8,11% (cao hơn mức tăng chung toàn ngành).
Không chỉ tăng trưởng về số lượng, Hà Nội luôn ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện môi trường và phát triển bền vững; các sản phẩm thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng, nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực; có tính lan tỏa mạnh đến kinh tế Thành phố, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Thủ đô.
Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Công ty ABE (Pháp) tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế "Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực ngành công nghiệp hàng không - AeroExpo Hanoi & Vietnam Aviation Forum 2023". Thông tin tại triển lãm cho thấy, ngành hàng không đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và ước tính phục vụ khoảng 8 tỷ hành khách vào năm 2037, với hàng chục nghìn máy bay được sản xuất mới. Vì vậy, nhu cầu phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ lĩnh vực công nghiệp hàng không đang tăng nhanh, đặc biệt tại thị trường Đông Nam Á.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế và những thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước, năm 2023, sản xuất công nghiệp theo chiều sâu được khuyến khích đẩy mạnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành nghề chế biến, chế tạo. Nhờ đó, giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung và ngành công nghiệp hàng không tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Chia sẻ tại triển lãm, đại diện Công ty CyberTech Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực cơ khí cho biết, đơn vị đảm nhận nhiều công đoạn trong sản xuất những linh kiện nhỏ, gia công theo nhu cầu khách hàng trong nhiều ngành nghề, đặc biệt phục vụ ngành công nghiệp hàng không. Với thế mạnh về mảng cơ khí chính xác, CyberTech cũng là một "mắt xích" trong chuỗi cung ứng linh phụ kiện của Hyundai và nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác.
Theo đánh giá của đại diện Công ty CyberTech, thời điểm ban đầu, khi một doanh nghiệp như Samsung hay Honda đều mang theo cả chuỗi sản xuất, gia công sang Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi phải tính toán tài toán cạnh tranh về giá và nhiều nhân tố khác, các doanh nghiệp này bắt đầu chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt "chen chân" vào chuỗi cung ứng toán cầu.
Còn theo ông Dương Nguyên Thành, Phó Giám đốc điều hành công ty TNHH Công nghiệp HAAST Việt Nam, dù hiện tại các cơ sở sản xuất của Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung để tạo thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho hàng không song cơ hội để đi cùng "người khổng lồ" sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được yêu cầu của của khách hàng và thị trường cũng như nâng cao năng lực kỹ thuật.
Ông Thomas Cochelin, Giám đốc vật tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Airbus thông tin, Airbus đang tìm kiếm những doanh nghiệp có quản trị tốt, khả năng cạnh tranh cao và tích cực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để bảo đảm chất lượng và an toàn cho mỗi sản phẩm.
"Tham gia các khóa đào tạo của Airbus, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp hàng không", ông Thomas Cochelin nói.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, mục tiêu năm 2023, Hà Nội phấn đấu có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có khoảng 300-350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
"Với nhu cầu phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ lĩnh vực công nghiệp hàng không đang tăng nhanh tại thị trường Đông Nam Á, để chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế, TP. Hà Nội đã và đang có nhiều chính sách, biện pháp thiết thực hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá môi trường đầu tư Hà Nội và nghiên cứu đối tác tiềm năng", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Hội chợ triển lãm chuyên ngành Hàng không được tổ chức trong giai đoạn ngành hàng không bật tốc sau đại dịch, nhằm quảng bá, giới thiệu nhu cầu và môi trường đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hàng không tới hơn 160 đối tác trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ công nghiệp hàng không toàn cầu
Đồng thời góp phần thúc đẩy các hoạt động kết nối đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ phục vụ ngành công nghiệp hàng không giữa các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ hàng không trên địa bàn TP. Hà Nội với mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ hàng không quốc tế.
Thùy Linh