Cơ hội hiện thực hóa 'giấc mơ' khu đô thị sông Hồng
(Chinhphu.vn) - Trong các quy hoạch lớn của Thủ đô, sông Hồng được xác định là trục cảnh quan trung tâm, trục động lực phát triển công nghiệp văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch và là không gian xanh của Hà Nội.
Thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với 126 xã, phường. Với cách làm bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học và chặt chẽ, quy mô các xã, phường mới được sắp xếp tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính tổng thể các yếu tố văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Từ đó, tạo không gian mới liền mạch, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển tốt hơn trong tương lai.

Trong các quy hoạch lớn của Thủ đô, sông Hồng được xác định là trục cảnh quan trung tâm. Ảnh internet
Việc sắp xếp này không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy hành chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các quy hoạch đô thị, đặc biệt là quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Một trong những điểm nhấn của quy hoạch này là hệ thống đê điều và hạ tầng kỹ thuật sẽ được đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Không gian hai bên sông sẽ phát triển các công trình văn hóa, công viên chuyên đề, khu thể thao và dịch vụ cộng đồng. Đặc biệt, khu vực ngoài bãi sông sẽ từng bước được chỉnh trang, di dời các công trình xây dựng không phù hợp, khôi phục cảnh quan tự nhiên và các giá trị văn hóa lịch sử. Dự kiến quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến hơn 230.000 người dân, vì vậy các chính sách an sinh, hỗ trợ tái định cư và bảo đảm sinh kế bền vững cần được đặt lên hàng đầu.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Trục xanh phát triển bền vững
Việc tích hợp quy hoạch và sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là điều chỉnh địa giới mà còn là thiết lập các đơn vị hành chính đô thị hiện đại, có khả năng tự chủ và phục vụ người dân hiệu quả hơn. Mô hình quản lý theo cụm dân cư đô thị sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, rút ngắn khoảng cách giữa người dân và chính quyền, đồng thời tăng cường kết nối hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Ngoài ra, việc này cũng mở ra cơ hội phát triển các dự án bất động sản, trung tâm thương mại, công trình công cộng ở các khu vực ven sông, góp phần thay đổi diện mạo và vị thế đô thị Hà Nội trong tương lai.
Sông Hồng, với chiều dài khoảng 120 km chảy qua Hà Nội, được xác định là trục cảnh quan trung tâm, trục động lực phát triển công nghiệp văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch và là không gian xanh của Thủ đô. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỉ lệ 1/5.000, được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào tháng 3/2022, bao phủ diện tích khoảng 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Trong đó, diện tích sông Hồng chiếm 3.600ha, đất bãi sông trên 5.400ha, phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt, Tàm Xá, Xuân Canh…
Trong quy hoạch này, sông Hồng được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm Hà Nội. Việc phát triển đô thị hai bên sông Hồng theo hướng hài hòa, bền vững không chỉ góp phần cải thiện môi trường sống mà còn tạo ra những giá trị kinh tế, văn hóa và xã hội mới cho Thủ đô.
Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã xác định phát triển đô thị Hà Nội hài hòa hai bên sông, trong đó sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm.
Sông Hồng đi qua 13 quận, huyện của Hà Nội với diện tích khoảng 11.000ha và dân số hơn 230.000 người. Việc hình thành một đơn vị hành chính gồm toàn bộ khu vực ngoài bãi sông sẽ là cơ sở quan trọng để Hà Nội tối ưu hóa các nguồn tài nguyên, xây dựng đô thị ven sông Hồng hiện đại.
Cụ thể, trong 126 xã, phường của Hà Nội sau sắp xếp, phường Hồng Hà dự kiến hình thành mới từ việc sáp nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích, dân số của nhiều phường khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc 5 quận nội thành hiện nay. Phường có địa giới kéo dài từ cầu Nhật Tân qua cầu Vĩnh Tuy với diện tích 16,61km2, dân số 126.000 người. Phường gồm toàn bộ diện tích và dân số các phường: Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); Phúc Xá (quận Ba Đình); một phần diện tích và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ); Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên). Việc chia lại địa giới hành chính này dựa trên giao thông, sông ngòi và dự báo phát triển, được cộng đồng dân cư ủng hộ cao với tỷ lệ trên 90%.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, UBND TP. Hà Nội đã tính đến chiến lược phát triển đô thị dọc sông Hồng, với điểm nhấn là phân khu đô thị sông Hồng. Quận Tây Hồ có những lợi thế đặc biệt khi tổ chức lại đơn vị cấp phường dựa trên điều kiện địa hình, địa vật, hình thành ba phân khu chức năng rõ rệt.
Bên cạnh yếu tố địa lý, quận Tây Hồ cũng đánh giá các khía cạnh về quản trị, tính khoa học và sự thuận tiện cho đời sống người dân khi tiến hành hợp nhất các phường. Quận tích hợp các quy hoạch đô thị đã được Thành phố phê duyệt vào quá trình sắp xếp. Nhờ đó, phường Phú Thượng mới sẽ bao trọn Khu đô thị mới Nam Thăng Long, với ranh giới được định hình bởi đường đê An Dương Vương, đường Võ Chí Công, đường Nguyễn Hoàng Tôn và đường Phạm Văn Đồng theo hướng cầu Thăng Long.
Hướng đi chiến lược để hiện thực hóa đô thị sông Hồng
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, tuyến đường, dòng sông là một trong những ranh giới được đưa ra để làm cơ sở phân định, tổ chức, sắp xếp lại các xã, phường. Trên thực tế, mặc dù ở sát nhau, nhưng 12 phường (toàn phần hoặc một phần) ngoài khu vực bãi sông Hồng lại chịu sự quản lý khác nhau của 5 quận trên cơ sở phân chia địa giới hành chính. Do vậy, sau khi hình thành phường Hồng Hà - nơi có chung đặc điểm tự nhiên, chịu sự quản lý của một đơn vị hành chính cơ sở - việc này vừa thuận lợi cho người dân, vừa thuận lợi cho công tác quản lý điều hành.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Trong quy hoạch phân khu dọc hai bên sông Hồng, chúng ta có hai trục giao thông rất quan trọng. Tôi nghĩ sự quản lý của hệ thống đô thị hay quản lý đô thị của một phường là một trong những cơ hội tốt để chúng ta có thể quản lý, phát triển và đầu tư một cách đồng bộ.
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Luật Thủ đô năm 2024 đã tạo ra khung pháp lý mới, giúp hình thành không gian mới cho hệ thống bãi sông, bãi nổi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều này đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm phòng, chống thiên tai, vừa phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế cho người dân. Việc quy hoạch các khu vực ven sông Hồng không chỉ giúp cải thiện môi trường sống mà còn tạo ra những giá trị kinh tế, văn hóa và xã hội mới cho Thủ đô.
TS. Nguyễn Minh Tuấn, chuyên gia quy hoạch đô thị đánh giá, guy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một cơ hội lớn để Hà Nội phát triển bền vững, tạo ra những không gian sống chất lượng cao cho người dân. Tuy nhiên, để hiện thực hóa quy hoạch này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ngành và sự đồng thuận của cộng đồng. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, phường cần được thực hiện một cách thận trọng, có sự tham gia của cộng đồng và bảo đảm tính minh bạch.
Nhiều người dân khi được hỏi đều cho biết, việc phân chia lại địa giới hành chính phường, xã theo địa lý (tuyến đường, lòng sông), không gian văn hóa lịch sử là hoàn toàn phù hợp, sẽ giảm sự chia cắt, tạo điều kiện quản lý dễ dàng, hiệu quả.
Trả lời ý kiến trong buổi tiếp xúc cử tri vào tháng 4 vừa qua, lãnh đạo TP. Hà Nội cũng cho biết, điểm nhấn trong phương án sáp nhập phường, xã là việc tổ chức các khu vực trục động lực phát triển và các yếu tố đặc thù, đặc biệt nằm trọn trong một đơn vị hành chính cơ sở mới. Mục tiêu của TP. Hà Nội là xây dựng các đơn vị hành chính vừa "sát dân, gần dân", vừa bảo đảm không gian phát triển dài hạn, trở thành những cực tăng trưởng, dẫn dắt sự phát triển của các vùng lân cận và vùng đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đặt ra yêu cầu đặc biệt đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở, tính đến nhiều yếu tố đặc thù của TP. Hà Nội.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa nhanh chóng, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính và thực hiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bước đi mang tính chiến lược. Không chỉ giúp Hà Nội tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước mà còn mở ra cơ hội lớn để xây dựng một Thủ đô hiện đại, bền vững với cơ sở hạ tầng đồng bộ, không gian sống chất lượng cao. Đây là một bước đi chiến lược, hướng tới mục tiêu xây dựng một Thủ đô hiện đại, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Thùy Chi