Cơ hội phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp
(Chinhphu.vn) - Để thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp kết nối các doanh nghiệp Thủ đô với doanh nghiệp các nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận với những tiến tiến trên thế giới; tiếp cận, kết nối với những đơn hàng phục vụ sản xuất và hướng tới xuất khẩu.
Mới đây, tại hội chợ sản phẩm công nghiệp và tự động hóa Hà Nội năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao thuộc các ngành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao..
Chị Phạm Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần ốc vít Brother Việt Nam cho biết, công ty chị là đơn vị chuyên về sản xuất và phân phối sản phẩm kim khí cao cấp, đến với hội chợ với mong muốn giới thiệu sản phẩm bu lông, tai ốc, vít được sản xuất tại công ty cũng như những sản phẩm được đặt theo yêu cầu của khách hàng.
"Đây là cơ hội để quảng bá đến khách hàng đối tác trong nước và quốc tế những sản phẩm đang được công ty sản xuất với công nghệ hiện đại nhất. Sản phẩm công ty chúng tôi cam kết bảo đảm về mặt chất lượng, chúng tôi có hệ thống máy móc kiểm tra tự động cũng như là quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO", chị Phạm Thị Hiền cho hay.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần ốc vít Brother Việt Nam kỳ vọng sẽ tìm kiếm được những khách hàng quốc tế đến từ châu Âu cũng như Hàn Quốc hoặc thậm chí là những khách hàng có yêu cầu rất cao về mặt chất lượng. "Bản thân công ty cũng đang dần hoàn thiện các quy trình sản xuất để làm sao đáp ứng yêu cầu cao, khắt khe nhất, không chỉ đơn giản là phục vụ cho ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ tại Việt Nam mà còn hướng đến việc phục vụ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, bổ trợ trên toàn thế giới, có thể là lĩnh vực hàng không", chị Hiền nói.
Là doanh nghiệp với 6 năm kinh nghiệm trong giải pháp tự động hóa, anh Bùi Thanh Kế, Giám đốc Công ty cổ phần chế tạo và dịch vụ máy công nghiệp M-SEI cho biết, các sản phẩm chủ đạo của công ty là về tự động hóa như sản xuất linh kiện, cơ khí và chế tạo máy cũng như tích hợp hệ thống…Công ty sẽ lên phương án và chế tạo lắp đặt theo yêu cầu của khách hàng.
"Chúng tôi mang đến những giải pháp về tự động hóa, về sản xuất tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi mong muốn được kết nối trực tiếp với khách hàng, đối tác và sẽ nhân rộng những giải pháp đó cho các khách hàng mục tiêu, các khách hàng cuối cùng, làm sao để giảm nhân công, giảm chi phí cũng như tự động hóa nhằm nâng cao năng suất. Có thể thấy, các đối tượng khách hàng tham gia hội chợ rất chất lượng, đều là những khách hàng tiềm năng và có sự kết nối chuyên sâu. Do đó việc tổ chức hội chợ như này rất hữu ích để các doanh nghiệp giao lưu và hỗ trợ lẫn nhau", anh Bùi Thanh Kế chia sẻ thêm.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã rà soát và tìm hiểu kỹ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tháo gỡ trực tiếp, liên tục từ đầu năm tới nay. Sở cũng tích cực tổ chức các hội chợ, triển lãm để kết nối các doanh nghiệp với doanh nghiệp các nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực. Thông qua các hội chợ sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận với những tiến tiến trên thế giới; tiếp cận, kết nối với những đơn hàng phục vụ sản xuất và hướng tới xuất khẩu.
Thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, máy móc, thiết bị của thành phố Hà Nội.
"Việc tổ chức hội chợ sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị và tự động hóa là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, kết nối sản xuất-cung ứng, nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng là những nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Đồng thời nhấn mạnh, hội chợ cũng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận, chuyển giao công nghệ mới, tự động hóa, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, hội nhập kinh tế quốc tế…
Từ đó, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, phát huy năng lực, thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết - cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế…
Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, chương trình khuyến công, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bền vững, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường…
Bích Phương