Để doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ

04/05/2023 10:03 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ đã được các cấp ngành Trung ương và chính quyền Thủ đô Hà Nội quan tâm, xây dựng và ban hành một số cơ chế chính sách để phát triển. Tuy nhiên, thực tế từ một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cho thấy, vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm bằng các chính sách cụ thể, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Để doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp công nghiệp trong nước cần được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: VGP/DA

Xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển, TP. Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực này tham gia hiệu quả chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Là một trong những doanh nghiệp có doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng, Công ty cổ phần Thiết bị điện là đơn vị uy tín hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á chuyên về thiết kế, sản xuất và kinh doanh các loại máy biến áp, tủ trạm điện, vật tư thiết bị điện. Trong năm 2022, doanh nghiệp này đã tiêu thụ được hơn 3.000 máy biến áp, 2.000 tủ bảng điện cho các công trình dân sinh và các công trình trọng điểm của cả nước, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong 3 năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn do đầu tư mới bị hạn chế và các nguyên nhân khách quan khác. Cụ thể, năm 2021, Công ty cổ phần Thiết bị điện giảm doanh thu khoảng 30%, năm 2022 giảm tới 40%.

Hiện nay, hầu hết giá các nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị nhập khẩu của Công ty đều tăng. Cùng với đó, công ty cũng gặp nhiều áp lực từ việc thiếu vốn đầu tư công nghệ mới, thêm nữa là thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế bị thu hẹp...

Đại diện phía công ty cho hay, mặc dù thời gian qua ngành công nghiệp hỗ trợ đã được các cấp, ngành Trung ương và chính quyền Thủ đô rất quan tâm, xây dựng và ban hành một số cơ chế chính sách để phát triển, trong đó có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để đầu tư dây chuyền hiện đại, qua đó tạo ra những sản phẩm công nghệ cao, thuận lợi hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm...

Nâng cao chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế

Từ năm 2015 đến nay, nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo. Mặt khác, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành Thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nhận định, hiện không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị và nhân lực để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các doanh nghiệp đối tác và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Vấn đề là các doanh nghiệp này chưa gặp được nhau nên cần sự kết nối với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, trong đó vai trò quan trọng nằm ở các hiệp hội ngành nghề.

Theo ông Vân, việc tham gia các hiệp hội sẽ giúp các doanh nghiệp hội viên kết nối với nhau cũng như tạo được nhiều chương trình quảng bá, kết nối doanh nghiệp hội viên với những đối tác trong nước và quốc tế.

Các doanh nghiệp cho rằng, để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhanh chóng tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, thị trường. Trong đó, cần quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chi phí, chính sách hợp lý.

Các cơ quan quản lý cũng cần có hỗ trợ về năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.

Ngoài ra, Nhà nước có chiến lược dài hạn, cụ thể, nhất quán, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với điều kiện đất nước để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển và giảm phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài.

Diệu Anh

Top