Công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác lòng đường, hè phố
(Chinhphu.vn) - Ngày 19/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án của UBND TP. Hà Nội về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Hà Nội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Dự thảo Đề án đưa ra 9 tiêu chí để sử dụng hè phố
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công thay mặt lãnh đạo Sở đã trình bày Tờ trình của Sở Xây dựng trình UBND Thành phố về Đề án về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Hà Nội và dự thảo Đề án này.
Nội dung Đề án bao gồm 6 mục, trong đó về nguyên tắc xây dựng Đề án: Lòng đường và hè phố được sử dụng cho mục đích chính là phục vụ giao thông; hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến; việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận; sử dụng đúng mục đích và phạm vi cho phép).
Về phạm vi, đối tượng của Đề án gồm các tuyến hè phố có đủ điều kiện sử dụng một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm; các tuyến đường có đủ điều kiện để sử dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.
Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện về tuyên truyền; về hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; về quy hoạch; về dự án, công trình; về chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; kiểm tra, xử lý vi phạm; giải quyết xung đột lợi ích.
Đối với kinh phí thực hiện Đề án, dự thảo nêu rõ do Ngân sách Thành phố cấp; đồng thời, khuyến khích mọi hình thức xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, sửa chữa hè phố; tổ chức, cá nhân được phép tự tiến hành xây dựng, sửa chữa hè phố bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của UBND cấp huyện…
Đáng chú ý, dự thảo Đề án đưa ra 9 tiêu chí để sử dụng hè phố trong phát triển kinh doanh và trông giữ tạm thời phương tiện giao thông tại TP. Hà Nội, gồm: Hè phố cho phép kinh doanh phải có hè phố chiều rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ); bảo đảm chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép; kinh doanh bảo đảm yếu tố an toàn, văn minh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường theo quy định pháp luật; UBND cấp huyện cần lấy ý kiến của người dân trước khi tiến hành cho phép hè phố kinh doanh; hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp huyện cấp phép về thời gian cấp phép, thời gian kinh doanh, mặt hàng kinh doanh và đối với hộ kinh doanh di động;
Đồng thời, căn cứ đặc điểm của các tuyến phố, đánh giá hiện trạng 273 tuyến phố, những tiêu chí để sử dụng tạm thời một phần hè phố để phát triển kinh doanh và trông giữ phương tiện giao thông, dự thảo Đề án cũng đề xuất 9 mô hình và sơ đồ hoá hè phố có đủ điều kiện sử dụng tạm thời để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, tạm trông giữ phương tiện giao thông.
Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, trên cơ sở phân tích các yếu tố và kết quả đánh giá tổng quan về hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố, kết quả đánh giá thực trạng khai thác, quản lý đối với hè phố một số tuyến phố, việc xây dựng, ban hành Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Hà Nội là hết sức cần thiết.
Sớm khắc phục những bất cập trong quản lý, khai thác hè phố
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học,…đều khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết để xây dựng triển khai thực hiện Đề án này. Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết trong việc xây dựng, triển khai Đề án với mục đích chính là khắc phục tình trạng quản lý, khai thác hè phố và một phần lòng đường trong thời gian qua; tạo được sự đồng thuận của nhân dân nếu Đề án được triển khai thực hiện.
Các ý kiến thống nhất cao mục tiêu chính của Đề án là quản lý trật tự đô thị, tiếp đó mới là vấn đề liên quan đến khai thác một phần lòng đường, hè phố phục vụ cho mục đích kinh tế và giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội.
Theo ông Lê Văn Hoạt (Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội), việc sử dụng lòng đường, hè phố ở những nơi có điều kiện để kinh doanh dịch vụ được đặt ra từ lâu, có diễn biến khá phức tạp, đặt ra những yêu cầu khắt khe trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện và hiện tại cũng còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Đại biểu góp ý tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Một số văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, văn bản hành chính có liên quan đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố được ban hành đã lâu, hiện không còn phù hợp. Nhiều tuyến đường, tuyến phố đã thay đổi trong quá trình đầu tư, cải tạo và xây dựng mới, trong khi những quy định cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng chưa kịp thời thay đổi cho phù hợp.
Về phí và giá cả sử dụng tạm thời vỉa hè lòng đường trong Đề án là vấn đề quan trọng liên quan đến quyền lợi của người dân, cơ quan tổ chức khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố và cũng liên quan đến quyền lợi của Nhà nước, của Thành phố. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đề án sớm bổ sung quy định cho hợp tình hợp lý, bảo đảm hài hòa các lợi ích không dẫn đến những tiêu cực.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự Hội nghị; đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, hoàn thiện dự thảo Đề án bảo đảm chất lượng; Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến, tham gia phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ về thẩm quyền ban hành văn bản để thực hiện một cách nghiêm túc Luật Thủ đô và chương trình hành động của Chính phủ; rà soát, lược bỏ các văn bản đã hết hiệu lực, cập nhật đầy đủ các nội dung Luật Thủ đô và những nghị quyết, chính sách mới của Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về Đề án tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai thực hiện, trong đó có vai trò của MTTQ Thành phố…
Thùy Linh