Công nghiệp văn hoá thúc đẩy phát triển ngành nghệ thuật Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Để góp phần đưa công nghiệp văn hóa tại Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thì lĩnh vực văn học nghệ thuật phải gây dựng được thị trường vững chắc, bởi đó là yếu tố tạo nền tảng góp phần cho nền công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện.
Tạo thị trường, tạo uy tín về chất lượng tác phẩm
Tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác…
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có nghị quyết chuyên đề về CNVH; thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiên phong phát triển CNVH, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chia sẻ về phát huy vai trò văn nghệ sỹ trong việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, NSND. Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nêu ý kiến, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo cơ hội cho ngành văn hóa chuyển dịch cơ cấu lao động. Từ mặt bằng lao động văn hóa nghệ thuật chủ yếu là người có năng khiếu sang những người lao động có trình độ lao động sáng tạo nghệ thuật trong khoa học, công nghệ để sản xuất các sản phẩm văn hóa, thể dục thể thao và du lịch...
Hàng năm, số lượng triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh của tập thể và cá nhân tại Hà Nội lên tới hơn 100 cuộc. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật (ca múa nhạc, sân khấu...) phát triển đa dạng, với nhiều phương thức mới. Ngoài hoạt động biểu diễn của các đoàn nghệ thuật của Nhà nước, địa phương, của các tổ chức chính trị, xã hội, bộ, ngành còn có các hoạt động biểu diễn của các công ty dịch vụ văn hóa tư nhân, sự liên kết, phối hợp của các đơn vị khác nhau tổ chức các chương trình biểu diễn tổng hợp, ca múa nhạc trẻ, kết hợp với thời trang, thi người mẫu, người đẹp...
Bên cạnh đó, các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với nghệ thuật biểu diễn như rối nước, ca trù, cải lương, chèo, chầu văn… cùng nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn quy mô lớn nhỏ thường xuyên được tổ chức, thu hút sự tham dự của đông đảo khán giả.
Tuy nhiên, theo NSND. Trần Quốc Chiêm, hoạt động khai thác văn hóa tạo ra nguồn lợi kinh tế ở Hà Nội còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Dù hệ thống di tích nhiều nhưng ngành du lịch mới khai thác ở một số điểm đến tiêu biểu, số lượng rạp chiếu phim phong phú nhưng chỉ một vài rạp tập trung đông khách, trong số di sản văn hóa phi vật thể mới chỉ có rối nước là hút người xem. Hệ thống nhà hát tuy nhiều nhưng đa phần đều vắng khách, hoạt động khó khăn. Lĩnh vực văn học nghệ thuật hoạt động kinh tế chưa rõ nét.
Để thúc đẩy phát triển CNVH trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, NSND. Trần Quốc Chiêm cho rằng, để có động lực phát triển thì các lĩnh vực văn học nghệ thuật phải gây dựng được thị trường vững chắc, bởi đó là yếu tố tạo nền tảng góp phần cho nền công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện.
Do đó, cần mở rộng quy mô và tăng tần suất các hoạt động quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật trên diện rộng để tạo môi trường giao lưu theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp nhằm "đánh thức" công chúng có cách cảm nhận, cách nhìn đúng về nghệ thuật. Khi nhận thức của công chúng được nâng cao, sẽ kéo theo sự sôi động của thị trường. Từ đó, sẽ kích đẩy tinh thần, giúp đội ngũ nghệ sĩ thêm động lực sáng tác phục vụ đời sống.
Các nghệ sĩ cần tạo uy tín về chất lượng tác phẩm; nâng tính chuyên nghiệp, ứng dụng sâu hơn thế mạnh của công nghệ để thương mại hóa sản phẩm. Mỗi tác giả tìm tòi, đổi mới, sáng tạo tác phẩm có định hướng lành mạnh, gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Để giải quyết các vấn đề trên, các nhà quản lý cần đưa ra những chủ trương, định hướng để văn học nghệ thuật phát triển dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của giá trị văn hóa. Đấu tranh với nạn sao chép để khẳng định giá trị lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ chân chính, cũng như tạo sự minh bạch cho đầu ra của tác phẩm.
Cũng theo NSND. Trần Quốc Chiêm, văn học nghệ thuật phải phát triển đồng bộ giữa các ngành và tương quan với sự phát triển kinh tế - xã hội nên cần những cú hích từ cơ chế, chính sách trong tạo dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, nuôi dưỡng nhân tài…
Từ đó, văn học nghệ thuật sẽ trở thành những mảnh ghép hoàn hảo cho nền công nghiệp văn hóa, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.
Ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ văn hóa
NSND. Trần Quốc Chiêm cho biết, là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, nghiên cứuNghị quyết về Phát triển công nghiệp văn hóa..., đặc biệt thể hiện quyết tâm cao trong việc xác định tầm nhìn, cùng với những giải pháp cụ thể có tính chiến lược, đột phá và đổi mới sáng tạo trong xây dựng hoạt động của Hội.
Cải tiến mạnh mẽ phương thức hoạt động Hội, thu hút đông đảo hội viên, đầu tư các đề án, đề tài có chất lượng. Bên cạnh đó, dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực, và để bảo tồn bản sắc văn hóa Thủ đô, như: Nghiên cứu phê bình lý luận, những môn nghệ thuật hàn lâm như nhạc giao hưởng, thính phòng, múa ballet… những loại hình nghệ thuật truyền thống như kịch hát dân tộc, tuồng, chèo, cải lương...
Đồng thời cũng ưu tiên đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ văn hóa, sáng tạo để giúp cho những doanh nghiệp này có thể khởi nghiệp và phát triển.
Còn theo NSND. Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, để có được sự phát triển của nền công nghiệp văn hoá Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung, rất cần sự đồng bộ và chuyên nghiệp hoá từ cơ sở hạ tầng đến nhân sự. Những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao cần có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cùng hệ thống trang thiết bị đầy đủ, tiên tiến.
Cũng theo NSND. Nguyễn Trung Hiếu, công nghiệp văn hoá của Thủ đô là một chặng đường phát triển dài với nhiều công việc phải thực hiện. Nhà hát kịch Hà Nội nói riêng, cũng như các đơn vị nghệ thuật trong Thủ đô cần có một cơ chế phù hợp, một lộ trình chia giai đoạn hợp lý để phát triển lâu dài trong tương lai.
Theo đó, cần định kỳ có những chương trình đào tạo và tập huấn (trong nước và nước ngoài) phù hợp nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân sự với mục tiêu đáp ứng tốc độ phát triển không ngừng nghỉ của nghệ thuật cũng như các kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cần sử dụng tới trong công việc.
Việc bố trí kế hoạch đào tạo và tập huấn định kỳ giúp đội ngũ nhân sự ngày càng trở nên vững mạnh, đủ tiêu chuẩn hội nhập quốc tế và có thêm nhiều động lực, cơ hội để nâng cao và hoàn thiện bản thân. Đây chính là nguồn nhân lực sáng tạo chất lượng cao luôn cần tạo điều kiện phát triển cho tương lai.
NSND. Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ, việc hoạch định một cơ chế đặc thù phù hợp và hợp lý cho vấn đề nhân sự, cho các đơn vị Nghệ thuật vốn luôn là vấn đề nóng hổi. Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ là một đơn vị tiên phong trong việc định hướng và phát triển công nghiệp văn hoá hưởng ứng theo chỉ đạo của Thành uỷ, UBND, HĐND thành phố Hà Nội về công nghiệp văn hoá.
Theo đó, Đề án "Sân khấu Kịch học đường" của Nhà hát Kịch Hà Nội hướng tới đối tượng khán giả nhỏ tuổi ở các cấp học với hy vọng đưa nghệ thuật đến sớm, đến sâu vào các nhà trường. Thông qua Đề án "Sân khấu Kịch học đường", Nhà hát Kịch Hà Nội muốn định hướng và đào tạo những thế hệ người Việt hiểu nghệ thuật, biết thưởng thức và đam mê nghệ thuật, đóng góp vào mục tiêu đặt ra là công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.
Gia Huy